Vậy là ông đồng tình với nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế rằng, liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa chặt chẽ?
Phải khẳng định rằng, không chỉ có doanh nghiệp nội địa mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất muốn liên kết theo chuỗi từ khâu nghiên cứu - thiết kế - sản xuất - phân phối - logistics đến tiêu thụ và dịch vụ. Thực tế đã chứng minh, tổ chức theo chuỗi là sự lựa chọn thông minh và hiệu quả.
Vì vậy, các doanh nghiệp, đặc biệt là tập đoàn xuyên quốc gia đều coi trọng xây dựng chuỗi để bảo đảm ổn định, lâu dài và tiết kiệm chi phí; tăng tính kết nối giữa các khâu trong một quy trình; hạn chế tác nhân bên ngoài; củng cố quan hệ nội bộ; tăng cạnh tranh; bảo vệ lợi ích lẫn nhau...
Nhưng rất tiếc, mối liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam rất yếu, do doanh nghiệp nội địa thiếu sự chuẩn bị đầy đủ điều kiện về công nghệ, chất lượng sản phẩm, bộ máy quản lý và thương hiệu; nỗ lực không liên tục do thiếu động viên hiệu quả từ cơ chế, chính sách và tác nhân bên ngoài; thiếu chiến lược kết nối theo từng sản phẩm do thiếu tư duy hợp tác, khả năng dự báo, kỹ năng làm việc theo chuỗi, phương thức hợp tác phù hợp và tầm nhìn xa của hợp tác.
Về phía doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên nhân là tính khép kín cao nhằm bảo vệ bí mật công nghệ, bí quyết kinh doanh và tránh bị cạnh tranh.
Cuối cùng vẫn là cơ chế chính sách, cụ thể là tác động của chính sách chưa đủ mạnh, như chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hợp tác và kết nối để chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp trong nước, khiến nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp nội địa còn nhiều rào cản.
Có dữ liệu nào chứng minh điều đó không, thưa ông?
Theo một nghiên cứu khá sâu về sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố, thì khả năng tham gia các chuỗi giá trị còn rất hạn chế. Đến nay, Việt Nam mới chỉ có hơn 300 doanh nghiệp thuần Việt là nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Từ đó, VEPR khẳng định, Việt Nam chưa tham gia được hệ sinh thái và chuỗi nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất, phân phối của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đây là nguyên nhân chính không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, mà còn làm giảm năng lực cạnh tranh, hiệu quả xuất khẩu và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tình trạng này ở các nước trong khu vực ra sao?
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của Nhật Bản - một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cũng như trong khu vực - chỉ mua sắm khoảng 32,6% dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ nhà cung cấp Việt Nam. Trong khi đó, cũng nhà đầu tư Nhật Bản, tại Trung Quốc, tỷ lệ là 67,8%; ở Thái Lan trên 57%, Indonesia là 40,5%...
Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cũng từng thực hiện một cuộc khảo sát liên quan đến vấn đề này. Kết quả cho thấy, 58% nguồn cung đầu vào để sản xuất của khu vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài; 34% được mua từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khác tại Việt Nam. Như vậy, chỉ có khoảng 8% nguồn cung đầu vào cho khu vực đầu tư nước ngoài được cung cấp bởi doanh nghiệp nội địa.
Hiện trạng này phản ánh rõ nét cho tình trạng thiếu kết nối giữa khu vực đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.
Nhắc đến Samsung không chỉ nhắc tới sự thành công đầu tư tại Việt Nam, mà còn là hình mẫu của liên kết với doanh nghiệp nội địa, mà thước đo là tỷ lệ nội địa sản phẩm của Samsung tại Việt Nam?
Samsung đầu tư chính thức vào Việt Nam năm 2008 với việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh. Sau đó, thông qua các hoạt động đầu tư liên tục tại Thái Nguyên, Hà Nội, TP.HCM, Samsung đang vận hành 6 nhà máy, một pháp nhân bán hàng, một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Samsung là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD, cung cấp hơn 50% điện thoại của Samsung cho thị trường thế giới là sản phẩm “Made in Vietnam”.
Với rất nhiều nỗ lực từ cả phía Samsung và Chính phủ Việt Nam trong việc khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đáp ứng được các điều kiện về cung ứng cho tập đoàn này, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung hiện đạt khoảng 59%, nhưng chủ yếu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khác tại Việt Nam, chứ không phải là doanh nghiệp nội địa. Hiện tại, tổng số lượng doanh nghiệp cung ứng cả cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung chỉ vào khoảng 260 doanh nghiệp.
Ông có đề xuất gì để tăng tính liên kết giữa doanh nghiệp nội địa với khu vực đầu tư nước ngoài?
Tôi cho rằng, cần phải thực hiện chính sách quyết liệt phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tạo chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; phải xây dựng các tổ hợp công nghiệp công nghệ cao, làm chủ quá trình sản xuất, chế biến, chế tạo và hiểu rõ thị trường quốc tế có sản phẩm, dịch vụ, công nghệ có uy tín.
Doanh nghiệp nội địa không phải là cứ mong muốn là được doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chấp nhận cho tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất. Muốn chen chân vào được, thì phải chấp nhận bỏ chi phí để học hỏi từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thông qua học hỏi từ công việc, nhập khẩu hay chuyển giao công nghệ và đầu tư vào phát triển công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nội địa giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Khi họ đã làm chủ được công nghệ, thì tự doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến hợp tác.