Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp ngày 10/02, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ có kế hoạch gặp gỡ với các ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp FDI để chia sẻ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, góp ý cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về những việc phải làm trước mắt và trong tương lai để tiếp tục phát triển.
Theo Thủ tướng, Việt Nam đang triển khai quyết liệt một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân; tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh khai thác các không gian phát triển mới như không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ; thúc đẩy tăng trưởng GDP; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…
Thủ tướng đề nghị trong các việc lớn nói trên của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thủ tướng cũng nêu, vừa qua đã đề nghị Tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao; Tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao; Tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…
Tại Hội nghị, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO chia sẻ, cùng với định hướng, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng trong quá trình thăm, làm việc tại miền Trung, Chu Lai, Quảng Nam và THACO, Tập đoàn sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.
“Với lực lượng kỹ sư cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế, tôi xin hứa với Thủ tướng, chúng tôi sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành. Chúng tôi cũng hứa sẽ đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm”, ông Dương bày tỏ.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết, trong kế hoạch 2025 - 2030 vốn đầu tư công rất lớn, trong đó đặc biệt là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Đây là thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp. Thời gian tới, Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, đầu tư 10.000 tỷ đồng.
“Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Cho nên chúng tôi rất mong có 1 văn bản như một Nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án”, ông Long khẳng định và đảm bảo Hoà Phát sẽ cung cấp thép chế tạo cho Tổng công ty Đường sắt để làm dự án. Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, theo đó Hoà Phát cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu.