Doanh nghiệp niêm yết tìm cách khai thác thị trường mới

(ĐTCK) Tiên liệu năm 2020 sẽ là một năm gặp nhiều trắc trở, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng thị trường, da dạng hóa sản phẩm.

Tại CTCP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF), năm 2019, Công ty không hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra khi ghi nhận doanh thu hơn 737 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2018 và lỗ ròng 804 tỷ đồng, tăng so với con số lỗ dự kiến hồi đầu năm là 588 tỷ đồng

Các khoản phải thu khó đòi và hàng tồn kho là 2 gánh nặng TTF đang phải đối mặt. Bước vào năm 2020, Công ty có hướng đi tập trung vào đồ nội thất cao cấp và đẩy mạnh xuất khẩu. TTF đã chi 36 tỷ đồng để góp vốn thành lập CTCP Central Wood, trong đó TTF nắm giữ 51% vốn, đồng thời ra mắt thương hiệu đồ nội thất cao cấp Casadora.

Đầu năm nay, TTF đã khánh thành nhà máy tủ bếp mới tại Tân Uyên (Bình Dương) diện tích 20.000 m2, có khả năng sản xuất 60 container tủ bếp đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ mỗi tháng.

TTF cho biết, các sản phẩm từ nhà máy có lợi thế cạnh tranh hơn trong bối cảnh tủ bếp từ Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải chịu cùng lúc 3 loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế chống trợ giá và thuế chống phá giá.

Một lợi thế khác của TTF là nguồn ván ép tự sản xuất. Được biết, các đơn đặt hàng sản phẩm gỗ tại TTF đã kín cho năm 2020.

Mở rộng xuất khẩu cũng là định hướng của CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI). Công ty dự tính sẽ mua lại một công ty ống thép tại Ấn Độ để thành lập Công ty Sơn Hà Ấn Độ.

Mới đây, trong tháng 1/2020, bình nước nóng Sơn Hà đã được cấp chứng chỉ CE do Tổ chức Szutest của Thổ Nhĩ Kỳ cấp (cơ quan chứng nhận được Liên minh Châu Âu - EU ủy quyền).

Đại diện SHI cho biết, chứng nhận CE là yêu cầu bắt buộc đối với các sản phẩm nhập khẩu và bán trong 25 nước thuộc EU, cũng như một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Ailen, Nauy, Liechtenstein…

Bởi vậy, việc được cấp chứng chỉ sẽ giúp sản phẩm bình nước nóng của Sơn Hà rộng đường vào châu Âu hơn.

Với CTCP Nhựa Hà Nội (NHH), doanh nghiệp này đưa ra kế hoạch tăng trưởng cao trong năm 2020.

Cụ thể, doanh thu đạt 1.860 tỷ đồng, tăng 51% so với 2019 và lợi nhuận sau thuế đạt 146 tỷ đồng, tăng 170%.

Theo NHH, động lực tăng trưởng dựa trên việc mở rộng hệ thống, thị trường hoạt động, tăng hiệu suất sử dụng nguyên vật liệu, đảm bảo cung cấp cho các thương hiệu lớn như Samsung, Toyota, Honda, Panasonic, Vinfast… và các thương vụ M&A trong thời gian tới.

Linh hoạt trong các hoạt động kinh doanh và ứng biến với những thay đổi của thị trường là cách mà các doanh nghiệp đang bám sát thực hiện để có được một mùa kinh doanh 2020 như kỳ vọng.

Theo Bộ Công thương, phạm vi ảnh hưởng của dịch cúm Corona và biện pháp chống dịch tới hoạt động xuất nhập khẩu là tương đối rộng và thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền là khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất theo đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông - thủy sản.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục