Doanh nghiệp niêm yết phòng thủ để vượt khó

(ĐTCK-online) Quý II sắp kết thúc và cũng là thời điểm các DN công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm. Điều nhiều NĐT đang nghĩ đến là những khoản chi phí tài chính của DN sẽ tăng lên khi lãi suất cho vay cao nhất (tính từ đầu năm đến nay) rơi vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Các DN niêm yết đang làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này?
Dù môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn nhưng, LCG vẫn khá tự tin - Ảnh: Hoài Nam Dù môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn nhưng, LCG vẫn khá tự tin - Ảnh: Hoài Nam

Bất chấp những khó khăn xuất hiện từ cuối năm 2010, đầu năm 2011, ĐHCĐ của CTCP Licogi 16 (LCG) diễn ra trung tuần tháng 4 vẫn ra nghị quyết với kế hoạch kinh doanh tăng trưởng khá so với năm 2010. Ông Phạm Xuân Diện, Trưởng phòng Đầu tư LCG cho biết, với khoản vay từ 350 đến 400 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại, trung bình mỗi tháng, Công ty phải chi trả khoảng 5 tỷ đồng lãi suất. Tuy nhiên, con số này không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của LCG. Quý I, LCG đạt tổng doanh thu riêng công ty mẹ là 454,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) 53,44 tỷ đồng. Quý II năm nay, LCG đặt kế hoạch 360 tỷ đồng doanh thu và 50 tỷ đồng LNST.

"Chưa có con số chính thức, nhưng với tình hình khả quan hơn quý I, kế hoạch kinh doanh quý II sẽ hoàn thành", ông Diện nói. Năm nay, LCG đặt mục tiêu 2.130 tỷ đồng doanh thu, trong đó riêng công ty mẹ là 1.058 tỷ đồng; LNST 250 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2010 và tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 25%. Năm 2010, LCG đạt 238,362 tỷ đồng LNST, chi trả cổ tức 70% (20% bằng tiền mặt và 50% bằng cổ phiếu). Xác định năm 2011 thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, bất lợi, nên trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của LCG, mảng kinh doanh này của Công ty chiếm tỷ trọng không lớn.

Những tháng đầu năm nay, mặc dù doanh thu tăng khá nhưng lợi nhuận của CTCP Ống thép Việt Đức (VGS) lại giảm mạnh. Với đặc thù sử dụng nguồn vốn vay lớn và phụ thuộc vào mức độ đầu tư công và xây dựng dân dụng, VGS nói riêng và nhiều DN thép nói chung đang gặp nhiều khó khăn trước áp lực lãi suất và sức tiêu thụ chậm lại. Từ đầu năm đến nay, có thời điểm VGS phải vay lãi suất lên đến 25%/tháng. Tháng 4, Công ty đạt trên 1 tỷ đồng lợi nhuận, lũy kế 4 tháng đầu năm lãi trên 4 tỷ đồng. Kết thúc tháng 5, doanh thu của VGS ước đạt trên 100 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận được dự đoán sẽ không cao khi chi phí tài chính tăng mạnh. "Một trong nhiều giải pháp đối phó với tình trạng lãi suất cao hiện nay là để hàng tồn kho ít và đôn đốc khách hàng thanh toán tiền đúng hạn", bà Nguyễn Thị Nhi, Kế toán trưởng CTCP Ống thép Việt Đức (VGS) nói. Doanh thu tăng chủ yếu do chi phí đầu vào tăng khiến giá sản phẩm đầu ra của VGS cũng phải điều chỉnh tăng. Sản lượng năm nay của Công ty cũng không tăng mạnh do chính sách thắt chặt đầu tư công cũng như tốc độ xây dựng đang chậm lại.

Mặc dù ĐHCĐ diễn ra vào thời điểm lãi suất cho vay tăng cao và chủ trương thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã khá rõ ràng, ĐHCĐ của CTCP Licogi 13 (LIG) vẫn đặt mục tiêu kinh doanh khá cao. Với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, DN dự kiến đạt trên 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chi trả cổ tức 25%.

"LIG đang thực hiện vay ngắn hạn cho hoạt động thi công, lắp đặt, xây dựng và vay dài hạn với các dự án đầu tư bất động sản. Lãi suất tăng cao rõ ràng ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN, nhưng chúng tôi đã lường trước tình hình và nếu môi trường kinh doanh không có gì xấu thêm từ nay đến cuối năm, kế hoạch của LIG hoàn toàn thực hiện được", ông Vũ Tuấn Đương, Chủ tịch HĐQT LIG cho biết. LIG hiện hoạt động trong 5 lĩnh vực khác nhau: nền móng, hạ tầng, vật liệu xây dựng, xây dựng và bất động sản. "Hiện LIG vẫn đầu tư bất động sản, nhưng chúng tôi đầu tư có chọn lọc phù hợp với quy mô vốn của mình", ông Đương nói. Dự án khả thi Công ty đang triển khai là Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt có quy mô 35,14 héc-ta.

Có vốn chủ sở hữu trên 215 tỷ đồng, nhưng tổng nợ của CTCP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh (QNC) lên tới trên 1.000 tỷ đồng. Ông Hoàng Văn Công, người công bố thông tin của Công ty cho biết, trong tổng số nợ trên có vay nợ trong và ngoài nước. Đối với khoản vay nước ngoài thì thời hạn vay dài và lãi suất thấp, nên những biến động lãi suất trên thị trường tiền tệ trong nước vừa qua không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, khoản vay này chịu rủi ro về tỷ giá. Đối với các khoản vay ngân hàng thương mại trong nước, QNC cũng được vay với mức lãi suất từ 17% đến 18%/năm. Ông Công cho biết, với tình hình sản xuất - kinh doanh ổn định, Công ty vẫn cân đối được các khoản nợ và chi phí lãi vay. Tuy nhiên, với mục tiêu 1.425 tỷ đồng doanh thu và 40 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, kế hoạch kinh doanh của QNC sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ áp lực kép (lãi suất vay trong nước và chênh lệch tỷ giá đối với khoản vay ngoại tệ).

Theo tính toán của ông Nguyễn Băng Tâm, Chủ tịch Câu lạc bộ DN niêm yết, có khoảng 30% DN niêm yết thiếu vốn phải đi vay các ngân hàng với giá trị lớn. Số DN còn lại sử dụng vốn chủ sở hữu (từ thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận để lại) phục vụ sản xuất - kinh doanh.

"Với mức lãi suất cao đến 20 - 25%/năm thì không có nhiều DN sản xuất chịu được, ngoại trừ một số DN bất động sản vay đảo nợ, hay các ngân hàng cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng. Phần lớn DN niêm yết đang co kéo vào hoạt động chính với nền tảng sẵn có, hạn chế đầu tư mở rộng trong giai đoạn hiện nay với mục tiêu trước mắt là ổn định, duy trì sản xuất", ông Tâm nói với Đầu tư Chứng khoán. Theo ông Tâm, với những DN có thặng dư vốn cổ phần lớn từ những đợt phát hành trước đây thì nên thực hiện mua lại cổ phiếu quỹ, thay vì hình thức phát hành cổ phiếu thưởng hiện không hấp dẫn NĐT. Việc mua cổ phiếu quỹ nhằm giữ giá trên thị trường, đồng thời giảm bớt áp lực lợi nhuận và cổ tức của DN. Trong giai đoạn khó khăn, ông Tâm khuyến nghị các DN niêm yết càng nên thông tin kịp thời, chính xác về tình hình hoạt động của DN để củng cố niềm tin cho NĐT.

Thanh Đoàn
Thanh Đoàn

Tin cùng chuyên mục