Doanh nghiệp niêm yết - Nửa khác của đà tăng trưởng (Kỳ 3): Khó khăn ngáng cửa doanh nghiệp cao su, dầu khí

(ĐTCK) Một số doanh nghiệp cao su, dầu khí công bố báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2018 khả quan, thậm chí vượt kế hoạch năm, nhưng hầu hết doanh nghiệp khác trong ngành, chặng đường về đích vẫn còn rất xa.
Từ đầu năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp trong ngành cao su thiên nhiên quay trở lại tình cảnh khó khăn khi giá cao su tự nhiên giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Từ đầu năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp trong ngành cao su thiên nhiên quay trở lại tình cảnh khó khăn khi giá cao su tự nhiên giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Kỳ 3: Khó khăn ngáng cửa doanh nghiệp cao su, dầu khí

Doanh nghiệp cao su suy giảm lợi nhuận

Nếu như ngành cao su thiên nhiên trong năm 2017 có diễn biến thuận lợi, thì từ đầu năm 2018, các doanh nghiệp trong ngành trở lại cảnh khó khăn khi giá cao su tự nhiên giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm qua, khiến doanh thu, lợi nhuận sụt giảm.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ giá vốn giảm chậm hơn khiến lợi nhuận gộp giảm 45,2%. Mặc dù các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý đều được tiết giảm, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 39,5% so với cùng kỳ.

Với kết quả này, TRC mới hoàn thành 47,4% kế hoạch doanh thu và 60,2% kế hoạch lợi nhuận năm 2018. Trong khi đó, kế hoạch lợi nhuận đề ra thấp hơn 37,7% so với thực hiện năm 2017.

Tại Công ty cổ phần Cao su Đắc Lắc (DRI), doanh thu, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm nay giảm lần lượt 10,9% và 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo kết quả sản xuất - kinh doanh của DRI mới đây cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2018, giá bán mủ cao su bình quân tại thị trường nội địa giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trước đó, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) cho hay, giá bán mủ cao su bình quân 9 tháng đầu năm giảm 17,6% so với cùng năm ngoái.

Một số doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR), Cao su Đồng Phú (DPR), Cao su Thống Nhất (TNC) sớm vượt kế hoạch năm 2018 sau 9 tháng. Tuy nhiên, sự tích cực này chủ yếu đến từ các hoạt động thanh lý vườn cây, chuyển nhượng bất động sản, còn hoạt động khai thác, kinh doanh mủ cao su không tránh khỏi xu hướng giảm chung của ngành.

Chẳng hạn, doanh thu bán hàng 9 tháng đầu năm 2018 của PHR giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2017 và trong số 486 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, có 320 tỷ đồng lợi nhuận khác do thanh lý vườn cây, bán đất trồng cây cao su.

Những tưởng giá cao su tự nhiên giảm sẽ giúp nhóm doanh nghiệp săm lốp được hưởng lợi, nhưng cả 3 doanh nghiệp săm lốp niêm yết là Công ty cổ phần Cao su Miền Nam (CSM), Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) và Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) đều đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay.

Cụ thể, trong quý III/2018, doanh thu của CSM tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng lợi nhuận trước thuế vỏn vẹn 1,9 tỷ đồng, ghi nhận quý có lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2009. Lũy kế 9 tháng đầu năm, con số lợi nhuận chưa bằng 1/4 cùng kỳ năm ngoái và mới hoàn thành 13,7% kế hoạch năm.

Tại DRC, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2018 lần lượt giảm 3,4% và 18,6% so với cùng kỳ năm 2017. Nếu hoàn thành mục tiêu đạt 22,6 tỷ đồng lợi nhuận trong quý IV, thì cả năm 2018, DRC hoàn thành gần 75,7% kế hoạch.

Với SRC, lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2018 giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2017 và bằng 61% kế hoạch năm.

Nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp săm lốp chưa khởi sắc, dù giá nguyên liệu chính giảm mạnh, được đánh giá là do các doanh nghiệp có tồn kho nguyên vật liệu, thành phẩm từ trước. Vì thế, giá nguyên liệu đầu vào giảm chưa thể phản ánh ngay vào biên lợi nhuận, trong khi các chi phí, đặc biệt là chi phí tài chính có xu hướng gia tăng theo nhu cầu đầu tư và tỷ giá tăng. 

Doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật dầu khí: Khó khăn còn chồng chất

Năm nay, Công ty cổ phần Kim loại và lắp máy dầu khí (PXS) đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2 tỷ đồng, tương đương mức thực hiện năm 2017.

Những tưởng đây là mục tiêu không quá khó thực hiện so với lịch sử lợi nhuận lên đến trên 100 tỷ đồng/năm trong những năm trước đó, nhất là khi giá dầu có diễn biến hồi phục trong 9 tháng đầu năm 2018 và nhiều dự án dầu khí lớn được khởi động trở lại, nhưng kết thúc tháng 9/2018, Công ty lỗ trước thuế 82,1 tỷ đồng, doanh thu giảm 83% so với năm 2017.

“Tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn do phần lớn các dự án của Công ty được chuyển tiếp từ năm trước, các dự án tìm kiếm mới giá trị và đơn giá thấp, các dự án Long Sơn, Sao Vàng Đại Nguyệt triển khai chậm nên doanh thu không đủ bù đắp chi phí”, PXS lý giải nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh.

Tại Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD), kế hoạch kinh doanh năm nay là không thua lỗ. Trong quý III/2018, việc thu hồi công nợ quá hạn từ PVEP và hoàn nhập chi phí dự phòng giúp PVD ghi nhận lợi nhuận trước thuế 115 tỷ đồng.

Tuy vậy, kết quả này chưa đủ bù hết số lỗ lũy kế mà doanh nghiệp gánh chịu trong nửa đầu năm. Kết thúc tháng 9/2018, lợi nhuận trước thuế của PVD âm 238 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận gộp tiếp tục giảm, chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm 2017.

Trong 2 năm trở lại đây, mặc dù hoạt động kinh doanh chính không thuận lợi, nhưng PVD không rơi vào tình trạng lỗ nhờ thay đổi chính sách kế toán, hoàn nhập dự phòng. Kịch bản này nhiều khả năng sẽ được duy trì trong quý IV/2018.

Tuy nhiên, đây được xem là giải pháp tạm thời, không thực sự đem về lợi nhuận thặng dư cho doanh nghiệp. Quan trọng là hoạt động kinh doanh chính phải sớm đủ bù đắp chi phí và có lãi thì PVD chưa đạt được. Trong khi đó, tình hình được dự báo sẽ khó khăn hơn khi giá dầu giảm trở lại 2 tháng qua sẽ tác động trực tiếp đến đơn giá cho thuê giàn khoan của PVD.

Thua lỗ cũng là câu chuyện ghi nhận tại Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (PVC). Doanh thu 9 tháng đầu năm giảm 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế âm 10,5 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm là lãi 16 tỷ đồng.

Với Tổng công ty Tư vấn, thiết kế dầu khí (PVE), kết quả kinh doanh khả quan hơn khi 9 tháng đầu năm hoàn thành được 59% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xu hướng hồi phục của giá dầu đã bước sang năm thứ 3 liên tiếp, nhưng bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp phụ trợ cho ngành dầu khí cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn. 

Nhiều doanh nghiệp khác khó hoàn thành kế hoạch

Sau khi thua lỗ sau thuế 18,5 tỷ đồng trong năm 2016 và 132,6 tỷ đồng trong năm 2017, cổ phiếu RIC của Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết, nếu không thoát lỗ trong năm 2018. RIC đề ra mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay là 1,556 triệu USD (tương đương khoảng 35 tỷ đồng), nhưng 9 tháng đầu năm lỗ 14,9 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) - thành viên của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) lỗ sau thuế 227,5 tỷ đồng trong quý III/2018 do doanh thu bán mủ cao su, bán bò, doanh thu tài chính và thu nhập khác giảm mạnh, trong khi chi phí tài chính, chi phí quản lý và chi phí khác gia tăng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty lỗ 158 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm là lãi 150 tỷ đồng.

Không ít doanh nghiệp khác cũng đang cách xa vạch đích, trong đó có một số doanh nghiệp bất động sản - lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng đông đảo nhất trong 9 tháng đầu năm 2018.

Theo thống kê từ Hệ thống FiinPro Platform, trong 845 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018 tính tới ngày 7/11/2018, số doanh nghiệp báo lãi chiếm 86% với tổng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 169.000 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành 74,1% kế hoạch cả năm. Trong đó, có 143 doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch năm 2018 sau 9 tháng.

Nhìn tổng thể, lợi nhuận của các doanh nghiệp duy trì mức tăng trưởng tích cực, dù tốc độ có dấu hiệu giảm dần. Đáng chú ý, sự phân hóa diễn ra rõ nét, trong khi lợi nhuận nhóm ngành ngân hàng, dịch vụ tài chính, hàng và dịch vụ công nghiệp đạt mức tăng trưởng trên 30%, thì lợi nhuận của nhóm dầu khí, ô tô và phụ tùng, bảo hiểm, viễn thông, xây dựng và vật liệu suy giảm.

Sự phân hóa này đòi hỏi nhà đầu tư cần thận trọng trong đánh giá triển vọng kinh doanh của từng ngành, từng doanh nghiệp, trước mắt là trong quý IV/2018, sau đó là triển vọng năm 2019. Thêm vào đó, cần nhìn sâu hơn vào nguồn gốc lợi nhuận, đến từ hoạt động kinh doanh chính hay từ những khoản lãi bất thường, đột biến và kém ổn định.

Khắc Lâm

Tin cùng chuyên mục