Nhiều doanh nghiệp dự kiến chậm lại, đi lùi
2022 là năm thắng lớn của ngành phân bón, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều báo lãi tăng trưởng mạnh, do được hưởng lợi từ tình trạng thiếu hụt phân bón toàn cầu, giá bán tăng. Thành tích này sẽ không lặp lại trong năm 2023 khi giá phân bón dần hạ nhiệt và dự báo có thể giảm mạnh khi sản lượng xuất khẩu từ Nga và Trung Quốc phục hồi; chi phí đầu vào của ure (than và khí tự nhiên) có thể quay đầu và nhu cầu ure suy yếu.
Với triển vọng ngành kém khả quan, nhiều doanh nghiệp phân bón đã công bố chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 sụt giảm khá mạnh so với đỉnh cao lợi nhuận năm 2022.
Chẳng hạn, Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (mã DPM) đặt chỉ tiêu doanh thu 17.400 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế gần 2.700 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 6.640 tỷ đồng đạt được trong năm 2022.
Tương tự, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM) đặt kế hoạch doanh thu 13.458 tỷ đồng, giảm 18% so với năm trước; lãi sau thuế chỉ tương đương 1/3 mức thực hiện năm trước, mục tiêu 1.383 tỷ đồng.
Ngành thép đang suy thoái sau 2 năm kinh doanh bùng nổ, với giá thép và nhu cầu giảm mạnh. Năm 2023 với ngành này chưa mấy sáng sủa, bức tranh chung là nhu cầu yếu trong khi tồn kho cao, cộng thêm sự chững lại của thị trường bất động sản.
Doanh nghiệp trong ngành công bố kế hoạch 2023 sớm nhất là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại SMC (mã SMC), với mục tiêu sản lượng tiêu thụ 1 triệu tấn thép các loại, lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, trong khi năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận lỗ ròng hơn 572 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất (mã TNS) đặt kế hoạch sản xuất và tiêu thụ 120.000 tấn, tăng 15% so với năm 2022 và phấn đấu không lỗ.
Người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, sức mua sụt giảm tác động trực tiếp tới ngành bán lẻ. Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, trong cuộc gặp gỡ giữa chuyên viên phân tích và nhà đầu tư tổ chức với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (mã VNM), ban lãnh đạo Công ty cho biết, sản phẩm sữa là mặt hàng có mức độ nhạy cảm cao với giá bán và thu nhập do phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chưa coi sữa là sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu. Nhu cầu đối với các sản phẩm sữa sẽ yếu đi khi người tiêu dùng thắt chặt thói quen chi tiêu.
Ban lãnh đạo Vinamilk dự đoán nhu cầu tiêu thụ sữa trong năm nay tăng trưởng dưới 5% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, Công ty đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng ở hầu hết các dòng sản phẩm, đặc biệt ở phân khúc sữa bột.
Xu hướng thắt chặt chi tiêu cũng thể hiện rõ ở kết quả kinh doanh quý IV/2022 của các doanh nghiệp bán lẻ như Đầu tư Thế giới di động (mã MWG), Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT), Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET), Thế giới số (Digiworld, mã DGW). Doanh thu đi xuống do nhu cầu yếu đi, các chi phí bán hàng, lãi vay tăng lên khiến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với cùng kỳ.
Mới đây, Hội đồng quản trị Digiworld đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 25.109 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 787 tỷ đồng.
Theo Digiworld, khó khăn chung của thị trường được dự đoán sẽ tiếp diễn ít nhất đến giữa năm 2023, nên người tiêu dùng vẫn sẽ có xu hướng thắt chặt chi tiêu, sức cầu với các mặt hàng không thiết yếu có thể đi xuống đáng kể. Với tình hình này, Công ty sẽ có quan điểm thận trọng trong lập kế hoạch tăng trưởng.
Dự đoán đỉnh điểm tiêu dùng hàng ICT như mùa Covid đã đi qua, tuy nhiên, Digiworld vẫn vững tin trong thời kỳ chuyển đổi số, mạng 5G, các ngành cốt lõi của Công ty sẽ tiếp tục có tiềm năng tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Digiworld với định hướng luôn phát triển cả chiều ngang và chiều dọc, mỗi năm sẽ có thêm các thương hiệu mới, ngành hàng mới, sản phẩm trong phân khúc mới từ ICT đến Home Appliance hay FMCGs để luôn ghi nhận được sự tăng trưởng cũng như hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu đã đặt ra trong năm kinh doanh mới.
Với ngành cảng biển, năm 2023, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự báo sản lượng vận tải hàng hóa sẽ chịu sức ép khi nhu cầu suy yếu. Theo đó, thương mại toàn cầu năm 2023 nhiều khả năng tăng trưởng thấp nhất từ năm 2021, sau giai đoạn dịch Covid-19 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình của giai đoạn 2000 - 2019.
Sự phục hồi của hoạt động thương mại sau đại dịch đang ở mức thấp hơn so với các cuộc khủng hoảng khác trong quá khứ. Chỉ số cước vận tải biển thế giới hiện đã về mức trung bình giai đoạn 2011 - 2020. Trong năm 2023, các công ty có doanh thu chính từ cung cấp dịch vụ vận tải biển sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn và biên lợi nhuận thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước.
Năm 2023, HAH đặt mục tiêu lãi sau thuế giảm gần 64%, về còn 300 tỷ đồng.
Tăng trưởng thấp kết hợp với lạm phát chưa được kiểm soát hoàn toàn có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, ảnh hưởng đến sản lượng xuất nhập khẩu và thông quan. Dự phóng giá trị xuất nhập khẩu và sản lượng thông quan rất khó duy trì tăng trưởng như các năm trước và nhiều khả năng sẽ đi ngang trong năm 2023. Điều này sẽ khiến cạnh tranh ở mảng khai thác cảng gay gắt hơn, đặc biệt ở khu vực miền Bắc khi công suất liên tục được mở rộng.
Có lẽ đây cũng là lý do chính khiến Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã HAH) đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi trong năm 2023, với tổng sản lượng 874.000 TEU, giảm gần 13% so với ước kết quả 2022. Tổng doanh thu năm 2023 của Công ty dự kiến đạt 2.698 tỷ đồng, giảm hơn 15%. Đáng chú ý, mục tiêu lãi sau thuế giảm gần 64%, về còn 300 tỷ đồng.
Ngân hàng giảm tốc
Dù có thể sẽ đối diện với nhiều khó khăn, nhưng nhóm ngành nổi trội dự báo vẫn có sự tăng trưởng hai con số trong năm 2023 là ngân hàng. Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc Phân tích cổ phiếu, SSI Research cho biết, theo ước tính của SSI, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 13,7%, đánh dấu sự giảm tốc so với giai đoạn 2016 - 2022 (tăng trưởng đến 29%), cao hơn giai đoạn 2014 - 2015 chỉ là 11,3%.
Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước sở hữu chi phối sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn, ở mức 18,6%, do NIM tốt hơn và tỷ trọng dư nợ với ngành bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp hơn. Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10,8%.
Bên cạnh đó, thu nhập từ phí cũng tăng lên trong năm 2023 (do năm 2022 là năm đầu tiên các ngân hàng thực hiện miễn phí giao dịch), nhưng hoạt động ngoại hối không tăng tốt như năm 2022. Quan sát thấy, tăng trưởng về bancassurance có sự giảm tốc ở các ngân hàng thương mại, ngoại trừ ACB và STB.
Bà Trang chia sẻ, với các cổ phiếu trong danh sách phân tích của SSI Research, ước tính nợ xấu tăng khoảng 0,26% lên 1,71%, nhưng chi phí vốn có xu hướng thấp hơn, ở mức 1,3% so với mức 1,5% năm 2022 do bộ đệm dự phòng tín dụng vững chắc. Giả định quan trọng khi phân tích ngành ngân hàng là Nghị định 65 sửa đổi sẽ sớm được ban hành, do đó, nợ xấu liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với các doanh nghiệp bất động sản sẽ chưa xuất hiện trong năm 2023, nhưng đây là rủi ro phải theo dõi chặt chẽ xuyên suốt năm nay.
Hiện chưa nhiều ngân hàng đưa ra kế hoạch cho năm 2023. Trước đó, vào cuối năm 2022, lãnh đạo TPBank chia sẻ với báo chí về kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2023 có thể tăng trưởng 15% nhờ áp dụng quy trình tự động hóa bằng robot và machine learning (máy học) trong hệ thống.
TPBank cũng đang đàm phán với “một số đối tác ngoại” để tài trợ cho đà tăng trưởng của năm 2023 trong bối cảnh nhận được nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài.