Trong danh sách 1.000 DN nộp thuế, rất nhiều DN đang niêm yết, với những cái tên lớn có thể kể đến như: Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam… Trong danh sách ngắn hơn, top 100 DN nộp thuế nhiều nhất, có tới 16 DN đang niêm yết, với tổng số tiền thuế thu nhập thực nộp (theo BCTC công ty mẹ năm 2012) lên tới xấp xỉ 11.821 tỷ đồng, số thuế phải nộp năm tài chính 2012 là 9.749 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số thống kê trên cũng chưa phản ánh đầy đủ mức độ đóng góp các DN niêm yết đối với nguồn thu quốc gia.
Tập đoàn Bảo Việt chỉ xếp thứ 180 trong nhóm các DN nộp thuế nhiều nhất năm 2012, nhưng có tới 2 DN 100% vốn là Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ và Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam lọt vào top 100 DN nộp thuế nhiều nhất, với số thứ tự xếp lần lượt là 56, 68.
Tương tự, CTCP PVI chỉ xếp thứ 660 trên 1.000 DN nộp thuế nhiều nhất năm 2012, nhưng 1 công ty con do PVI sở hữu 100% vốn là Tổng công ty bảo hiểm PVI xếp thứ 78 về số tiền thuế thực nộp năm 2012…
Điều đặc biệt là, khoảng cách giá trị giữa các DN nộp thuế thu nhập dẫn đầu với các DN nộp thuế thu nhập ở hạng cuối bảng cách khá xa. CTCP Tư vấn xây dựng điện 4, DN niêm yết có xếp hạng thấp nhất trong số các DN niêm yết lọt top 1.000 DN nộp thuế lớn, có số tiền thuế thực nộp năm 2012 là 8,7 tỷ đồng. Ngoài ra, vẫn có những DN có kết quả kinh doanh năm 2012 là con số âm, tức thuế thu nhập phải nộp năm tài chính 2012 bằng 0, nhưng vẫn rơi vào top 1.000, do tiêu chí phân loại tính theo dòng tiền thực nộp (dòng ra), chứ không tính theo số thuế phải nộp của năm tài chính.
Một điểm đáng lưu ý là, bên cạnh yếu tố kinh doanh hiệu quả, nguyên nhân khiến các DN niêm yết góp mặt nhiều trong danh sách các DN nộp thuế thu nhập nhiều nhất cũng đến từ sự minh bạch. Niêm yết cổ phiếu, đồng nghĩa với việc DN phải minh bạch nguồn thu, từ đó hạch toán chính xác hơn lượng thuế thu nhập phải nộp cho Nhà nước. Ngược lại, tình trạng giấu lãi ở những DN chưa niêm yết, không phải là chuyện hiếm.