VBCSD sử dụng công cụ và các tiêu chí nào để chấm điểm và sắp tới công bố danh sách DN phát triển bền vững, thưa ông?
Từ tháng 7/2014, VBCSD đã thành lập nhóm chuyên gia xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI), với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong các cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức phi chính phủ trong, ngoài nước và đại diện một số DN. Tiếp đó, nhóm chuyên gia đã tích cực làm việc để hoàn thiện bộ chỉ số này theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Trong buổi làm việc với VBCSD vào cuối năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đã chỉ đạo VCCI/VBCSD khẩn trương hoàn thiện Bộ chỉ số CSI, để từ năm 2016, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành xếp hạng, cũng như tôn vinh các DN phát triển bền vững tại Việt Nam. Từ đó, từng bước thúc đẩy cộng đồng DN trong cả nước phát triển bền vững.
Tiếp sau chỉ đạo này, VBCSD đã triển khai đồng bộ nhiều công việc, đặc biệt là thí điểm áp dụng CSI vào đánh giá 20 DN có quy mô, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, sau đó căn cứ trên kết quả thử nghiệm để chuẩn hóa CSI. Đến nay, CSI đã sẵn sàng cho xếp hạng các DN và cuối năm nay, lần đầu tiên, VBCSD sẽ sử dụng bộ chỉ số này để chấm điểm, công bố, vinh danh các DN phát triển bền vững.
Các DN có quy mô, hoạt động trong nhiều lĩnh vực rất khác nhau, vậy áp dụng CSI có đảm bảo độ chuẩn xác trong xếp hạng?
Đúng là quy mô, tính chất ngành, lĩnh vực hoạt động của các DN rất khác nhau, nhưng có 3 điểm cốt yếu đều có liên quan đến hoạt động của tất cả các DN: các chỉ tiêu kinh tế (doanh thu, lợi nhuận), chỉ tiêu xã hội (chính sách đối với người lao động, các tác động đến cộng đồng) và yếu tố môi trường (môi trường bên trong và bên ngoài DN).
Đây là 3 yếu tố chính để đánh giá mức độ phát triển bền vững của DN. Do đó, trên cơ sở tập trung chấm điểm 3 yếu tố này, áp dụng CSI đảm bảo cho kết quả chuẩn xác về mức độ hoạt động có bền vững hay không của các DN; trong đó, bao gồm cả những DN hoạt động trong những lĩnh vực, dịch vụ tưởng như không liên quan gì đến yếu tố môi trường.
Chẳng hạn như lĩnh vực ngân hàng, tuy hoạt động của họ không trực tiếp liên quan đến yếu tố môi trường, nhưng việc họ tích cực tham gia tài trợ, ưu đãi giải ngân vốn cho các dự án bảo vệ môi trường cũng chính là đang gián tiếp góp phần bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích bền vững cho cộng đồng.
Việc áp dụng CSI để chấm điểm các DN được diễn ra độc lập, khách quan, không bị chi phối bởi sức ép nào, nên sẽ cho kết quả đáng tin cậy, mang lại giá trị gia tăng về thương hiệu, uy tín cho các DN không chỉ ở phạm vi trong nước.
Như ông chia sẻ, các DN niêm yết trên TTCK có khá nhiều lợi thế trong cuộc đua để được lọt vào danh sách các DN phát triển bền vững. Những ưu thế đó là gì, thưa ông?
Khi áp dụng Bộ chỉ số CSI vào xếp hạng các DN bền vững tại Việt Nam năm 2016, VBCSD sẽ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, DN, trong đó có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK Hà Nội, Sở GDCK TP. HCM. Một thực tế không thể phủ nhận là yếu tố phát triển bền vững với các DN niêm yết rất được cơ quan quản lý, lẫn DN và NĐT quan tâm.
Đặc biệt, NĐT nước ngoài đang ngày càng lấy yếu tố phát triển bền vững của DN là một trong những tiêu chí để đưa ra quyết định đầu tư. Điều đó không chỉ nhằm giảm thiểu rủi ro cho đồng vốn của họ, mà nó còn mang lại lợi ích bền vững cho họ và gián tiếp thúc đẩy DN quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững, qua đó, mang lại những lợi ích lâu dài cho chính DN, các cổ đông và cộng đồng.
Từ yếu tố thúc đẩy này, cùng với tự thân nhận thức của mình về phát triển bền vững, các DN niêm yết đang là những DN tiên phong trong nền kinh tế về minh bạch thông tin, cũng như bước đầu áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững của thế giới vào hoạt động sản xuất - kinh doanh…
Đây chính là những lợi thế của các DN niêm yết trong cuộc cạnh tranh để giành thứ hạng cao trong bảng xếp hạng các DN phát triển bền vững sẽ được VBCSD/VCCI công bố vào cuối năm nay.
Từ điểm nhấn trên, cùng với nhiều chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy DN phát triển bền vững đã và đang được Chính phủ thúc đẩy, VBCSD kỳ vọng sẽ tạo sức lan tỏa trong cộng đồng DN, rộng ra là nền kinh tế. Qua đó, không chỉ kiến tạo các giá trị vững bền cho DN, cổ đông/người góp vốn, mà còn cho cộng đồng và nền kinh tế.