Doanh nghiệp niêm yết chưa nhận diện được cơ hội, rủi ro của xu hướng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù có nhiều tiến bộ và đạt được kết quả đáng quý trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết lại vắng bóng phân tích về các lĩnh vực mới là kinh tế số và kinh tế xanh.
Kinh tế số, kinh tế xanh là xu hướng mới mà doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm. Kinh tế số, kinh tế xanh là xu hướng mới mà doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm.

Kết quả Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2021 khép lại với kết quả xứng đáng dành cho các doanh nghiệp đã đầu tư công phu vào nội dung lẫn hình thức của báo cáo thường niên trong các chuẩn mực công bố thông tin. Xét trong bối cảnh tổng thể dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong gần 2 năm qua, thành quả đạt được của các doanh nghiệp càng đáng quý hơn.

GS.TS Trần Ngọc Thơ, Hội đồng bình chọn

GS.TS Trần Ngọc Thơ, Hội đồng bình chọn

Tuy nhiên, dịch bệnh cũng bộc lộ ra vấn đề mới của các doanh nghiệp trong việc công bố thông tin. Một trong những kênh đầu tư, kinh doanh mới mở ra thời đại dịch là kinh tế số và kinh tế xanh. Sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp không thể tách rời khỏi xu hướng này. Một mặt, chúng tạo ra cơ hội, nhưng mặt khác lại tạo ra các thách thức mới chưa từng có.

Rủi ro của quá trình “số hoá và xanh hoá” sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp trong tương lai? Rất tiếc, các rủi ro này hầu như chưa được các doanh nghiệp niêm yết nhận diện và phân tích trong báo cáo thường niên 2020.

Chẳng hạn, sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (Proptech) tác động như thế nào đến hoạt động tương lai của xây dựng, kiến trúc và hoạt động của các công ty trong lĩnh vực này? Việc gọi vốn bằng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản, thấp thoáng đã thấy nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường đầy tiềm năng này trong thời gian gần đây.

Trong một lĩnh vực khác như ngân hàng hay bảo hiểm, sự phát triển của các nền tảng công nghệ tài chính (Fintech) sẽ cho ra đời các thế hệ ngân hàng mới (Neo Bank) như ngân hàng số, hay trong lĩnh vực bảo hiểm (Insurtech), hoặc các kênh khác như huy động vốn và cho vay cộng đồng. Các xu thế này sẽ tác động như thế nào đến các ngân hàng và các công ty bảo hiểm truyền thống?

Các quá trình này không chừa bất kỳ doanh nghiệp nào, theo ý nghĩa, chúng sẽ tạo cơ hội bứt phá, nhưng cũng sẽ loại bỏ những ai không chịu đổi mới mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, cứ như thể, đây là chuyện ở đâu trên thế giới, chứ không phải ở Việt Nam. Chí ít, điều này cũng thể hiện thông qua các thông tin kinh tế, tài chính được công bố bởi các doanh nghiệp niêm yết tham gia Cuộc bình chọn năm nay.

Chọn mẫu thử vài doanh nghiệp lớn, tôi hầu như không thấy doanh nghiệp nào phân tích các rủi ro (và cơ hội) này. Thậm chí, trong các thông điệp của Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc, bộ máy hoạch định và điều hành tối cao về chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng hầu như vắng bóng các phân tích triển vọng và rủi ro này.

GS.TS Trần Ngọc Thơ, Hội đồng bình chọn
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục