Năm nay, Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết tiếp tục được tiến hành với 2 nội dung: Đánh giá, bình chọn báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững và bình chọn, đánh giá chuyên sâu về quản trị công ty theo 3 nhóm doanh nghiệp là nhóm có giá trị vốn hóa lớn, vừa và nhỏ. Kết quả bình chọn đã thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Với những điều kiện về nguồn lực tương đương, nếu quản trị doanh nghiệp tốt sẽ phát huy có hiệu quả nguồn lực, giúp huy động tốt hơn các nguồn vốn từ bên ngoài và duy trì được tốc độ tăng trưởng vững chắc về doanh thu và lợi nhuận.
Ngược lại, nếu năng lực quản trị không tốt sẽ không khai thác được, thậm chí làm suy giảm những nguồn lực đó, dẫn đến tổn thất và làm giảm giá trị doanh nghiệp, giảm niềm tin của nhà đầu tư, cổ đông và khách hàng.
PGS-TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam, Thành viên Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2019
Có thể thấy, về cơ bản, các doanh nghiệp niêm yết đã tuân thủ các quy định liên quan đến việc xây dựng quy chế quản trị nội bộ, thực hiện công bố thông tin theo Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, cũng như các văn bản hướng dẫn trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp có chung khó khăn là thiếu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập để tham gia vào các tiểu ban và thành viên của các tiểu ban đồng thời là thành viên Ban Điều hành, dẫn đến sự thiếu tính độc lập giữa một bên đề xuất (Ban Điều hành) và một bên thẩm định cho HĐQT (các tiểu ban). Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực quản trị công ty.
Từ thực tế đánh giá và bình chọn doanh nghiệp niêm yết đặt ra yêu cầu cấp bách phải có những giải pháp nâng cao năng lực quản trị của công ty, cần vượt lên sự tuân thủ và những thông lệ để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
Một là, cần sớm áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trong việc lập và trình bày các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên. IFRS là điều kiện để đảm bảo các doanh nghiệp và tổ chức trên toàn thế giới áp dụng các nguyên tắc kế toán một cách thống nhất trong công tác lập báo cáo tài chính.
Việc áp dụng IFRS làm tăng tính minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả cho các thị trường tài chính trên toàn thế giới. Đồng thời, IFRS cũng vun đắp lòng tin, sự tăng trưởng và sự ổn định tài chính dài lâu trong nền kinh tế toàn cầu.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã xây dựng đề án áp dụng IFRS ở Việt Nam. Theo đó, từ năm 2021 sẽ bắt đầu áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện và từ năm 2024 sẽ áp dụng bắt buộc đối với một số loại hình doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp niêm yết sẽ là đối tượng áp dụng đầu tiên và càng sớm càng tốt. Trên thực tế đã có không ít doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tại Việt Nam áp dụng IFRS. Việc áp dụng IFRS giúp nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp và nâng cao tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính, bảo vệ công chúng khỏi những rủi ro trong việc ra quyết định kinh tế.
Các báo cáo tài chính lập theo IFRS được cộng đồng quốc tế thừa nhận là một trong các tiêu chí để được công nhận nền kinh tế thị trường.
Đó cũng là điều kiện tiên quyết để tiếp cận thị trường vốn quốc tế, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư trong nước, đồng thời giảm bớt chi phí vốn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng phải thấy trong điều kiện còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và trình độ quản lý Nhà nước ở Việt Nam, việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp.
Trước mắt, cần thực hiện công tác truyền thông rộng rãi về vai trò, về nội dung của IFRS, cần cung cấp các nguồn thông tin, tài liệu để các doanh nghiệp tiếp cận, truy cập dễ dàng.
Đồng thời, cần tổ chức các chương trình đào tạo chuyên biệt cho các kế toán trưởng, kế toán viên chuyên nghiệp, cho lãnh đạo doanh nghiệp để họ nhận thức được tầm quan trọng việc lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS và đưa ra các mô hình, phương thức áp dụng IFRS trên thực tiễn tại doanh nghiệp.
Hai là, có biện pháp nâng cao nhận thức về vai trò và nguyên tắc quản trị doanh nghiệp. Cần phải thấy rằng, để nâng cao năng lực quản trị, trước hết, các nhà quản trị cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò và nguyên tắc quản trị để làm cơ sở cho quá trình thực hành quản trị.
Cần tăng cường công tác truyền thông rộng rãi về vai trò của quản trị công ty và cung cấp các nguồn thông tin, tài liệu để các doanh nghiệp tiếp cận, truy cập dễ dàng.
Khi nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò và các nguyên tắc quản trị, các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ tự nguyện hướng theo những nguyên tắc quản trị tốt nhất, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn, thực hiện tốt hơn việc tuân thủ và giảm xung đột lợi ích giữa các bên có quyền lợi liên quan.
Ba là, Nhà nước cần hướng dẫn và nâng cao hiệu quả giám sát tuân thủ quản trị công ty. Theo đó, cơ quan quản lý cần chủ động, thường xuyên rà soát các quy định về quản trị công ty, các quy định về niêm yết và giám sát niêm yết nhằm nâng cao hiệu quả giám sát việc tuân thủ các quy định về quản trị công ty đối với các công ty niêm yết.
Đồng thời, cần sớm đưa vào triển khai áp dụng các chế tài cụ thể đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện, hoặc chưa xây dựng lộ trình thực hiện theo các chuẩn mực quản trị công ty tốt.
Sự giám sát của cơ quan quản lý cần đảm bảo tính hiệu lực của quy định trên thực tế, đồng thời tạo động lực để các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị công ty.
Bốn là, các doanh nghiệp niêm yết cần gắn kết mục tiêu quản trị công ty với mục tiêu phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp, trước hết là các công ty niêm yết mà Nhà nước đang nắm giữ cổ phần chi phối cần có lộ trình và giải pháp cụ thể để đáp ứng tiêu chuẩn về cơ cấu thành viên HĐQT độc lập theo luật định.
Năng lực hoạt động của các tiểu ban thuộc HĐQT cũng cần được nâng cao để phát huy vai trò tư vấn, tham mưu của bộ phận này lên HĐQT, góp phần nâng cao năng lực quản trị của HĐQT.
Năm là, các doanh nghiệp niêm yết cần chủ động áp dụng các công cụ để nâng cao chuẩn mực quản trị công ty.
Việc áp dụng công cụ Thẻ điểm quản trị công ty sẽ giúp doanh nghiệp xác định được cụ thể những điểm yếu, những tồn tại trong quản trị để xác định những vấn đề doanh nghiệp có thể cải thiện ngay, cũng như lên kế hoạch xử lý trong dài hạn.
Sáu là, cần áp dụng công nghệ số, quản lý bằng công nghệ số, thanh toán điện tử. Đây là một biện pháp nâng cao chất lượng quản trị, đặc biệt là trong việc quản trị tài chính.
Các giám đốc tài chính, kế toán trưởng nên có kế hoạch sử dụng các dịch vụ quản lý số, chứng từ điện tử, thanh toán điện tử, Internet vạn vật (IoT), công nghệ chuỗi khối (blockchain), dự liệu lớn (bigdata)..., để nâng cao chất lượng hoạt động, tiết kiệm chi phí.
Kinh tế số là một xu thế toàn cầu của thời công nghệ 4.0, là cơ hội và cũng là thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chính vì vậy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu và ban hành khung pháp lý về chuyển đổi số riêng với ngân hàng số, ví điện tử, cổng thanh toán số… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn trong ứng dụng công nghệ vào quản trị tài chính, hướng tới chuẩn hóa hoạt động theo quy chuẩn quốc tế.
Bảy là, từng doanh nghiệp cần xây dựng và ban hành hệ thống kiểm soát nội bộ, thiết lập và vận hành hệ thống kiểm toán nội bộ, hình thành cơ chế quản trị rủi ro.
Để làm được điều này, trước hết, doanh nghiệp cần tạo lập môi trường kiểm soát nội bộ hiện hữu và có hiệu lực với những quy chế quản lý nội bộ, những quy trình nghiệp vụ, đảm bảo hệ thống thông tin nội bộ tin cậy và thông suốt.
Tiếp đó, thiết lập hệ thống kiểm toán nội bộ và đảm bảo tính độc lập tương đối của hoạt động này theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán 2015.
Trên cơ sở đó, tạo lập một cơ chế quản trị thống nhất và xuyên suốt để kiểm soát, giám sát hoạt động doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích của cổ đông, khách hàng, người lao động và cộng đồng.
Với các giải pháp, hy vọng chất lượng và năng lực quản trị doanh nghiệp sẽ được nâng cao, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được tăng cường. Đảm bảo sự tuân thủ, áp dụng thông lệ tốt nhất về quản trị sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Việc áp dụng IFRS làm tăng tính minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả cho các thị trường tài chính trên toàn thế giới. Đồng thời, IFRS góp phần vun đắp lòng tin, sự tăng trưởng và sự ổn định tài chính dài lâu trong nền kinh tế toàn cầu.