Nhỏ nhưng đóng góp lớn
Trải qua gần 3 thập kỷ, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam đã phát triển theo cấp số nhân và có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhất là những năm gần đây. Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm 97%, đóng góp 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.
Ngay tại thị trường phát triển như châu Âu, khái niệm về SME còn nhiều kiến giải khác nhau về vốn và quy mô, nhưng vai trò của khối doanh nghiệp này đều được đánh giá cao, đơn cử ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Thậm chí, SME vẫn được tham gia góp ý vào nội dung các vòng đàm phàn của Hiệp định EVFTA.
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay: “Chúng tôi hiện có 1.200 thành viên là doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Các SME của châu Âu hài lòng khi được tham gia nhiều diễn đàn, hội nghị và có cơ hội đối thoại với phía cơ quan chức năng để phản ánh những vướng mắc khi hoạt động tại Việt Nam”.
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng có nhiều cơ hội phát triển hơn từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, hay từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, hầu hết quy mô các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, dẫn đến hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động thấp.
Đưa doanh nghiệp vào chuỗi giá trị
Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhiều đánh giá cho thấy năng lực của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn rất yếu, có đến 65% doanh nghiệp siêu nhỏ và đi kèm bất lợi là nguồn vốn hạn hẹp, trong đó vốn đăng ký của nhóm doanh nghiệp này loanh quanh chỉ khoảng 10 tỷ đồng.
EVFTA mang lại nhiều cơ hội, nhưng nếu doanh nghiệp trong nước không tham gia được vào các chuỗi liên kết thì cũng không được hưởng lợi gì nhiều.
Trình độ quản trị của khối doanh nghiệp này cũng là điểm yếu. “Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu hiện nay, trên 70% kim ngạch là do doanh nghiệp FDI đóng góp, còn lại chưa đầy 30% đến từ các công ty nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước. Với cơ cấu này, dù rằng EVFTA mang lại nhiều cơ hội, nhưng nếu doanh nghiệp trong nước không xuất khẩu được hàng hóa, không tham gia được vào các chuỗi liên kết thì có thể thẳng thắn nói rằng, SME Việt Nam chưa thực sự nhập làn ‘cao tốc’ EVFTA”, bà Bùi Thu Thủy nêu tại Hội nghị bàn tròn “Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa với Hiệp định EVFTA”, do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức mới đây.
Theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, giải pháp đầu tiên là giải bài toán thể chế. Cải cách thể chế vẫn tiếp tục là ưu tiên quan trọng để gỡ bỏ tất cả rào cản về điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn.
“Một thực tế là hàng hóa của một số doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn EU rồi, nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam thì cơ quan chức năng Việt Nam vẫn yêu cầu đáp ứng đạt tiêu chuẩn trong nước, trong khi tiêu chuẩn EU cao hơn rất nhiều. Đây là điều chúng tôi rất lưu ý khi rà soát, điều chỉnh để tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp”, bà Thủy nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị cũng như các cụm liên kết ngành, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp cụ thể. Trong đó, triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với trọng tâm là xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025, với các nội dung hỗ trợ về thị trường, hỗ trợ liên kết sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển thương hiệu, hỗ trợ về tiêu chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng, hỗ trợ về tài chính tín dụng, hỗ trợ sản xuất thử nghiệm…
“Chúng tôi cũng đang triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số với mục tiêu giúp doanh nghiệp áp dụng các nền tảng công nghệ để tiết giảm chi phí, nâng cấp năng lực để tham gia chuỗi liên kết. Ngoài ra, chúng tôi đang triển khai dự án LinkSME do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng có thể nâng cấp năng lực để đáp ứng yêu cầu mua sắm của các đối tác nước ngoài, đơn cử từ Mỹ, EU, Hàn Quốc”, bà Bùi Thu Thủy nói.
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần có cơ chế và công cụ giúp SME trở nên mạnh mẽ hơn. “EVFTA trao thêm nhiều cơ hội cho SME, các doanh nghiệp này nên tận dụng Hiệp định một cách hiệu quả nhất. EU hy vọng, thông qua hiệp định này, môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ tốt lên cho doanh nghiệp hai bên”, Đại sứ EU bày tỏ.