Doanh nghiệp nhỏ có nên trông đợi vào ngân hàng?

(ĐTCK) Hành động siết chặt cho vay đối với các công ty nhỏ và vừa (SMEs) tại châu Âu, nơi thường có xu hướng tìm đến ngân hàng để vay tiền hơn là tìm cách huy động ngoài thị trường, đang tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực lên tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nói chung.
Doanh nghiệp nhỏ có nên trông đợi vào ngân hàng?

Cụ thể, hoạt động cho vay của các ngân hàng ở khu vực đồng euro (eurozone) cho thấy dấu hiệu suy yếu rõ rệt trong khoảng thời gian 5 năm từ 2008 - 2013 với đà giảm 35%, xuống còn 649 tỷ euro.

Với tỷ lệ các công ty vừa và nhỏ chiếm xấp xỉ 99% trong tổng số các công ty phi tài chính ở khu vực Liên minh châu Âu, chiều hướng đi xuống của tín dụng ngân hàng đang tạo áp lực lớn đối với lãnh đạo doanh nghiệp cũng như tình hình kinh tế và tài chính toàn khu vực.

Theo đó, nền kinh tế eurozone trở nên trì trệ trong quý II/2014 với sản lượng đầu ra không có sự thay đổi nào sau mức tăng 0,2% vào quý trước, dấy lên nhiều lo ngại về khả năng phục hồi nền kinh tế trong năm nay của khu vực này sau khủng hoảng nợ công.

Quy mô hiện nay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng bị “co lại” đáng kể từ sau cuộc khủng hoảng với bình quân chỉ khoảng 250 nhân viên và doanh thu hàng năm 50 triệu euro, đồng thời đóng góp 58% giá trị thị trường và 66% số lượng việc làm.

Đặc tính hoạt động của các công ty SMEs phụ thuộc nhiều vào các khoản vay nội địa hơn so với những tập đoàn lớn. Do vậy, bất cứ một động thái giảm tỷ lệ cho vay từ phía ngân hàng sẽ tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tài chính và năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số tín hiệu gần đây cho thấy, hoạt động cho vay từ phía ngân hàng cuối cùng dần đi vào ổn định khi tổng cộng các khoản vay ngân hàng ở eurozone trong tháng 6/2014 vẫn giữ nguyên mức 1 triệu euro so với tháng 6 năm ngoái. Quý II/2014, nhiều ngân hàng bắt đầu có động thái nới lỏng những chỉ tiêu cho vay dành cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, trong đó có các công ty nhỏ lần đầu tiên kể từ năm 2007, theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Điển hình là các công ty SMEs của Đức, đang chứng tỏ năng lực cạnh tranh cao, bất chấp bức tranh tổng thể nền kinh tế trong nước có phần ảm đạm hơn trong quý II/2014 so với quý trước. Trong khi các hãng vừa và nhỏ của Pháp đang hưởng ưu đãi về lãi suất thấp, cũng như có nhiều sự hỗ trợ ở khu vực công, thì bộ phận doanh nghiệp nhỏ ở Tây Ban Nha không cảm thấy hài lòng với chi phí vay ở đất nước họ.

Trên thực tế, bất cứ công ty nhỏ nào cũng muốn những nguồn hỗ trợ tài chính bên ngoài quốc gia với mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ và vươn tầm ra khu vực.

Song với tình trạng nợ xấu chất đầy và những quy tắc an toàn bắt buộc yêu cầu giữ tỷ lệ vốn nhiều hơn nợ doanh nghiệp, các ngân hàng ở châu Âu vẫn tỏ vẻ thận trọng trong việc cung cấp khoản vay cho các công ty SMEs. Dự kiến trong tháng 9 tới, ECB sẽ cung cấp gói hỗ trợ 400 tỷ euro dành cho các doanh nghiệp SMEs thông qua hệ thống ngân hàng và các quỹ khu vực công.

Bên cạnh phương thức vay vốn từ ngân hàng, các công ty SMEs cũng có thể sử dụng những “vũ khí” đa dạng khác nhau như từ nhà đầu tư mạo hiểm, quỹ tư nhân hoặc bằng hình thức crowfund (huy động vốn từ số đông). Điển hình là trường hợp của Viadeo, hệ thống xem trực tuyến chuyên nghiệp vừa niêm yết trên sàn chứng khoán Paris vào tháng 7/2014, đã huy động thành công 100 triệu euro thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm. Hoặc như trường hợp của nhà thiết kế Ant Tomlinson lựa chọn con đường crowfund để huy động tiền cho công việc hoàn thành thi công văn phòng mới tại Anh của riêng mình.

Ngoài ra, các hãng bảo hiểm cũng là một lựa chọn thông minh cho doanh nghiệp SMEs khi hàng năm thu vào hơn 1.000 tỷ euro phí bảo hiểm. Một số đơn vị bảo hiểm sẵn sàng giúp đỡ doanh nghiệp SMEs bằng cách mua lại những khoản vay ngân hàng hoặc hỗ trợ tài chính cho họ. Số khác sẽ mua những trái phiếu, vốn được “chống lưng” bởi các khoản vay ngân hàng của doanh nghiệp. Việc xoay vòng tài sản theo cách làm này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng “làm sạch” bảng cân đối, đồng thời tiếp nhận những khoản vay mới tiềm năng.

Theo Hãng tư vấn John Ott of Bain & Company, những giải pháp thay thế này chiếm khoảng 10 - 15% tài chính bên ngoài quốc gia của các công ty nhỏ trong năm 2013. Nhiều quan điểm cho rằng, những cách làm này chỉ mang tính chất khích lệ, chứ không nên phụ thuộc hoàn toàn, bởi thuyết phục ngân hàng cho vay nhiều hơn mới là nhiệm vụ thực sự của các doanh nghiệp SMEs.

Hồng Tuyết(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục