Doanh nghiệp nhập khẩu thép qua Cảng Hải Phòng tố mất hàng

Hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu thép qua Cảng Hải Phòng đang đứng trước nguy cơ thua lỗ do lượng hàng hóa mất mát, hư hỏng quá lớn trong quá trình vận chuyển.

Báo Đầu tư số ra ngày 24/6/2015 có bài viết: “Vận tải biển gánh gần 70 loại phụ phí: Hãng tàu ăn trên lưng doanh nghiệp”. Sau khi báo đăng, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thép qua Cảng Hải Phòng tiếp tục gửi ý kiến đến Toà soạn Báo Đầu tư, bày tỏ sự búc xúc khi chi phí vận tải hàng hóa cao mà chất lượng dịch vụ không tương xứng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Phụng Quang, Giám đốc Chi nhánh Hải Phòng, Công ty cổ phần Thương mại Citicom (Công ty Citicom), cho biết, với đặc thù của loại hàng rời, chất lượng thép hình, thép góc và thép ống nhập khẩu phụ thuộc rất nhiều vào dịch vụ vận chuyển và bốc xếp hàng hóa. Theo Báo cáo giám định số 02, lập ngày 29/5/2015 với lô hàng thép góc của chủ hàng là Công ty Citicom, lô hàng 21 bó với 1.072 thanh thép có trọng lượng 57,6 tấn, khi chủ hàng thực nhận chỉ có 17 bó với 840 thanh, thiếu 4 bó với 232 thanh. Tình trạng hàng hóa ghi nhận tại thời điểm giám định, nhiều bó bị han rỉ, cong vênh, đứt đai chằng buộc, mất mác, mã, ký hiệu hàng hóa.

“Việc các lô hàng thép nhập khẩu qua Cảng Hải Phòng thường xuyên bị cong vênh, mất mát, khiến công việc kinh doanh của doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Mặc dù Công ty đã kiến nghị, nhưng đến nay, Cảng Hải Phòng không có câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này”, ông Quang nói.

Cầm trong tay Chứng thư giám định lô hàng thép hình nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Phạm Văn Thìn, Giám đốc Công ty cổ phần Thép HTS (Hải Phòng) cho biết, lô hàng 207 tấn thép của Công ty nhập về tháng 5/2015 với 7.904 cây thép hình, bị thiếu mất 574 cây, với trọng lượng lên tới 11,4 tấn. Nhưng câu chuyện không chỉ dừng ở đó, vì trong số thép nhận về, có hàng chục tấn bị cong vênh, móp méo, mất giá trị sử dụng.

Dẫn chúng tôi đi thăm kho hàng, ông Thìn không khỏi xót xa: “Những thanh thép hình nặng hàng tấn, bị cong vênh thế này, chúng tôi có muốn bán sắt vụn còn phải mất thêm tiền cắt nhỏ ra mới có người mua”.

Ông Hoàng Văn Hiệp, Trưởng phòng Hàng hóa, Công ty Bảo Việt Hải Phòng cho biết, việc hư hỏng, mất mát hàng hóa nhập khẩu qua Cảng Hải Phòng xảy ra như “cơm bữa”. Sự việc nghiêm trọng đến mức, Bảo Việt Hải Phòng đang cân nhắc việc nâng mức phí bảo hiểm hàng hóa nếu không muốn từ chối tiếp nhận các hợp đồng bảo hiểm, vì với mức phí hiện tại không bù đắp nổi yêu cầu đền bù từ các chủ hàng.

Ông Hiệp cho chúng tôi xem Biên bản giao nhận hàng hóa của chủ hàng là Công ty TNHH thương mại Đức Giang, lập ngày 9/6/2015. Lô hàng thép góc 447,2 tấn với 7.119 thanh thép của chủ hàng này, có tới hơn 700 thanh thép bị cong vênh, bẹp méo với nhiều mức độ khác nhau. Báo cáo giám định số 01 do Công ty TNHH Giám định Bảo Định lập ngày 23/6/2015 với lô hàng này cũng ghi nhận tình trạng nhiều thanh théo bị cong vênh, bẹp méo, một số bó thép bị đứt đai, han rỉ, mất mác.

Tương tự, Báo cáo giám định lô hàng thép ống lập ngày 22/6/2015 của chủ hàng là Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Kim Khí, với số lượng hàng 108 bó với 1.117 ống thép, chủ hàng bị thiếu mất 24 ống. Trong số hàng nhận về, nhiều bó thép bị han rỉ, đứt đai chằng buộc, các ống trong bó bị rơi ra ngoài, một số bó bị mất mác.

Thực tế khảo sát tại bãi xếp dỡ hàng hóa Cảng Hải Phòng, phóng viên Báo Đầu tư chụp được nhiều hình ảnh vận chuyển, bảo quản hàng hóa khá tắc trách của đơn vị xếp dỡ. Để tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển, thay vì dùng cẩu để dỡ hàng, đơn vị xếp dỡ sẵn sàng dùng xe nâng xiên thẳng vào các bó thép để di chuyển. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thép hình, thép ống bị cong vênh, móp méo khi đến tay chủ hàng.

Kết quả kiểm tra mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu hàng hóa đang phải chịu đến gần 70 loại phụ phí các loại, trong đó, có nhiều loại phụ phí vô lý và do không bị kiểm soát cho nên các hãng tàu đã tận dụng triệt để. Thu của doanh nghiệp rất cao, nhưng chất lượng dịch vụ xếp dỡ cảng biển Việt Nam lại ở mức rất thấp, khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước vô cùng yếu, thậm chí, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Báo Đầu tư sẽ tiếp tục phản ánh đến độc giả vấn đề bức xúc tại Cảng Hải Phòng trong những số báo tới.

Hà Quang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục