Doanh nghiệp nhân thọ đổ tiền vào kênh trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ công ty bảo hiểm mới, mà cả nhà bảo hiểm lâu đời đều đang đẩy mạnh mở rộng mô hình hợp tác bán hàng trực tuyến khi dư địa phát triển các kênh bán hàng truyền thống không còn nhiều.
Với các doanh nghiệp nhân thọ, đầu tư cho kênh trực tuyến là đầu tư cho tương lai. Ảnh: Dũng Minh Với các doanh nghiệp nhân thọ, đầu tư cho kênh trực tuyến là đầu tư cho tương lai. Ảnh: Dũng Minh

“Trọng tâm năm 2022 tiếp tục là chuyển đổi số. Chúng tôi đang thực hiện một số dự án đơn giản hóa các quy trình mua bảo hiểm nhân thọ cũng như giải quyết quyền lợi bảo hiểm”, CEO một hãng bảo hiểm sắp có dự án trình làng vào tháng 6 tới mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán.

Thực tế, nếu chỉ “đếm phí” thì tính đến nay, doanh số bán hàng qua kênh trực tuyến còn quá khiêm tốn so với các kênh phân phối truyền thống như đại lý hay bancassurance. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm nhìn nhận rằng, cơ hội cho mô hình này còn nhiều và doanh số không phải là mục tiêu lớn nhất trong ngắn hạn.

“Trước mắt, hệ sinh thái trực tuyến xem việc cung cấp các dịch vụ trọn gói đơn giản, dễ hiểu là mục tiêu chính, còn việc tăng trưởng doanh số là chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, theo xu hướng, ngành bảo hiểm sẽ có ngày càng nhiều khách hàng trong kênh bán hàng này”, vị CEO trên chia sẻ.

Để chuẩn bị cho xu hướng mới này, hồi giữa năm 2021, AIA Việt Nam và Tiki công bố thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện độc quyền đầu tiên giữa một doanh nghiệp cung cấp giải pháp bảo hiểm và một nền tảng thương mại điện tử. Bằng việc tận dụng hệ thống phân phối đa kênh của AIA Việt Nam cùng nền tảng thương mại “tất cả trong một” của Tiki, sự hợp tác dài hạn trong 10 năm này được kỳ vọng sẽ khai thác hiệu quả hơn tệp khách hàng rộng lớn của đôi bên. Được biết, các sản phẩm bảo hiểm dành riêng cho kênh trực tuyến này đã được AIA Việt Nam triển khai bán từ cuối năm ngoái, đến nay hàng ngàn hợp đồng đã được phát hành.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, Prudential Việt Nam đang có 12 sản phẩm bảo hiểm trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Shopee Mall. Thống kê chính thức tính đến tháng 7/2021) cho thấy, trong gần 50.000 hợp đồng điện tử của sản phẩm PRU-Bảo vệ 24/7 do Prudential phát hành, kênh Shopee chiếm hơn một nửa. Còn thống kê sơ bộ tính đến giữa tháng 5/2022, có hơn 66.000 hợp đồng bảo hiểm được phát hành tại Gian hàng online Prudential Vietnam trên Shopee.

Trong một động thái khác, nếu không có gì thay đổi, trong tháng 6/2022, một “ông lớn” nhân thọ khác sẽ chính thức đưa sản phẩm của mình lên bán trên một nền tảng công nghệ mới nổi.

“Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và nhanh chóng hơn. Khách hàng giờ đây đã quen hơn với việc tìm hiểu sản phẩm, mua sắm hàng hóa, yêu cầu bồi thường, sử dụng dịch vụ... trên môi trường trực tuyến. Không nằm ngoài xu hướng đó, thói quen sử dụng ngân hàng trực tuyến và mua bảo hiểm trực tuyến cũng tăng cao sau dịch. Đây là cơ hội cho mảng bancassurance số phát triển mạnh mẽ”, ông Huỳnh Thanh Phong - Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo hiểm FWD chia sẻ trong một bài phỏng vấn mới đây.

Được biết, để đón đầu xu hướng chuyển dịch sang bancassurance số, FWD đã cho ra mắt nhiều sản phẩm bancassurance trên nền tảng công nghệ, chẳng hạn khách hàng của đối tác Vietcombank có thể mua sản phẩm bảo hiểm của FWD Việt Nam trên website và ứng dụng ngân hàng số Digibank.

Cũng theo ông Phong, để thành công trong “bình thường mới”, các công ty triển khai bancassurance cần tạo ra một hệ sinh thái xoay quanh khách hàng, trong đó công nghệ kỹ thuật số sẽ đóng vai trò cốt lõi và như một điều tất yếu, bancassurance số sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng nhanh hơn.

“Trong tương lai gần, nhà bảo hiểm nào hiểu được tiềm năng của bancassurance số và hành động nhanh chóng sẽ chiếm ưu thế trên thị trường”, vị chuyên gia kỳ cựu trong ngành bảo hiểm nhân thọ này nhìn nhận.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục