Nửa số doanh nghiệp nhà nước không chịu minh bạch
Hai ngày trước thời hạn cuối cùng nhận góp ý cho Dự thảo Báo cáo tình hình công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước năm 2017 theo yêu cầu của Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (ngày 14/3), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không nhận được một phản hồi nào.
Có nghĩa là, khoảng 357 doanh nghiệp (trong tổng số 622 doanh nghiệp nhà nước) chưa thực hiện công bố thông tin đã không phản biện thêm gì về lý do im lặng.
Trong số này có những tên tuổi lớn, như Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch…
Cũng chưa có đại diện chủ sở hữu nhà nước nào của các doanh nghiệp này tham gia ý kiến cho báo cáo trên.
Theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP, các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, các công ty con do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ phải công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, đồng thời gửi các báo cáo công bố thông tin về cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố thông tin.
Tính đến hết năm 2017, mới có 265 doanh nghiệp hoàn tất nhiệm vụ, chiếm 42,6% số doanh nghiệp nhà nước. Năm 2016, tỷ lệ này chỉ là 38,87%.
Cũng chỉ có mới có 6/15 bộ và cơ quan ngang bộ (chỉ tính các đơn vị có doanh nghiệp nhà nước), 8/63 tỉnh, thành phố thuộc trung ương và các tập đoàn kinh tếthuộc diện phải thực hiện công bố thông tin có chuyên mục riêng về công bố thông tin theo quy định này.
Như vậy, mới chỉ có 20/84 cơ quan chủ sở hữu (chiếm 23,81%) thực hiện đúng quy định về tổ chức thực hiện công bố thông tin nêu trên.
Khi Nghị định 81/2015/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực vào tháng cuối năm 2015, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đặt kỳ vọng vào khả năng thay đổi hiện trạng về thông tin của khu vực doanh nghiệp đang nắm trong tay phần lớn tài sản, nguồn lực của Nhà nước.
Lý do, thông tin là công cụ tốt nhất để việc giám sát sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các doanh nghiệp, kiểm soát gian lận, sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí các nguồn lực nhà nước.
Nhưng đáng tiếc, sau 2 năm thực hiện, trách nhiệm tưởng như tối thiểu và dễ thực thi nhất vẫn bị quá nửa số doanh nghiệp nhà nước lờ đi.
Không thể trông cả vào “siêu ủy ban”
Trong khi các cán bộ Cục Quản lý doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mòn mỏi đợi thông tin phản hồi, góp ý cho báo cáo về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, thì cuộc họp Tổ công tác của Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp diễn ra vào đầu tuần (ngày 12/3) đã được khởi động với nguyên tắc minh bạch trong công tác tổ chức của cơ quan được gọi là “siêu ủy ban” này.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác đã yêu cầu các bộ, ngành chủ động tuyển chọn, đề xuất lên Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp danh sách cán bộ chất lượng cao của bộ, ngành, lĩnh vực để quyết định.
“Danh sách cán bộ phải cụ thể, chi tiết về tên tuổi, nghiệp vụ, năng lực. Làm minh bạch ngay từ đầu càng tốt cho Ủy ban về sau”, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ nhấn mạnh.
Trong số 21 tập đoàn, tổng công ty dự kiến chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 20 tập đoàn, tổng công ty đã có báo cáo sơ bộ (chưa có báo cáo quyết toán...), còn 1 doanh nghiệp là SCIC chưa có báo cáo.
Tổng tài sản của 20 tập đoàn, tổng công ty này là trên 1,6 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước là khoảng 800.000 tỷ đồng.
Riêng Bộ Xây dựng sẽ vẫn giữ lại Vụ Quản lý doanh nghiệp vì không có doanh nghiệp nào chuyển giao về Ủy ban, nhưng cũng chỉ tồn tại cho đến khi Bộ Xây dựng hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp theo kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt và chuyển đại diện chủ sở hữu nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Như vậy, trách nhiệm công bố thông tin về phần lớn doanh nghiệp nhà nước sẽ thuộc về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi các thủ tục pháp lý hoàn tất.
Trong Dự thảo Quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao trách nhiệm soạn thảo, Ủy ban phải có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ hoặc đột xuất về việc thực hiện nhiệm vụ được giao, về kết quả, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, cũng như trách nhiệm theo dõi, thu thập, tổng hợp, báo cáo, công bố thông tin về hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Nhưng ngay từ bây giờ, trách nhiệm và nghĩa vụ minh bạch đã phải thực hiện ngay, bắt đầu trong công tác tuyển dụng, lựa chọn cán bộ. “Ủy ban là cơ quan trực tiếp thực thi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nên nhân sự phải đảm đương nhiệm vụ được ngay là rất quan trọng, để công việc không bị đình trệ”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Có nghĩa là mọi yêu cầu cao nhất về kỷ luật hành chính, kỷ luật thị trường của khu vực doanh nghiệp sẽ đặt lên vai cơ quan mới này. Nhưng cho dù “siêu ủy ban” tới đây làm tốt trách nhiệm, thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhà nước nằm ngoài diện chuyển về “siêu ủy ban”.
Trong số đó, nhiều cái tên đang có trong danh sách chưa công bố thông tin mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ công khai danh tính.
“Cách này nhằm thúc đẩy và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước, qua đó góp phần tăng cường tính minh bạch trong hoạt động và nâng cao tính tự chủ, tự giác của các doanh nghiệp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ.