Doanh nghiệp nhà nước phải được làm những việc khác thường - Bài 2: Điểm nghẽn của “vua tiền mặt”

Được phong là “vua tiền mặt”, với hàng trăm ngàn tỷ đồng dưới dạng tiền gửi ở các ngân hàng, nhưng doanh nghiệp nhà nước chưa bao giờ được coi là nhà đầu tư tiềm lực.
Các dự án mới của doanh nghiệp nhà nước được triển khai và thực hiện rất ít trong giai đoạn vừa qua, kéo theo hệ quả là năng lực cạnh tranh của khu vực này bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong ảnh: Kho cảng LNG, một trong những công trình trọng điểm quốc gia, được khánh thành tháng 10/2023

Bài 2: Điểm nghẽn của “vua tiền mặt”

Được phong là “vua tiền mặt”, với hàng trăm ngàn tỷ đồng dưới dạng tiền gửi ở các ngân hàng, nhưng doanh nghiệp nhà nước chưa bao giờ được coi là nhà đầu tư tiềm lực.

Ngàn tỷ để làm gì

Báo cáo tài chính quý II/2024 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho thấy, tiền gửi và tương đương tiền của doanh nghiệp lên đến 27.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, khoản tiền này là vô giá và là ước mơ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân.

Với những kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính, có sự cọ xát với thực tế doanh nghiệp, lãnh đạo SCIC nhìn thấy cơ hội của “vua tiền mặt” ở những khoản đầu tư hấp dẫn, có cơ hội sinh lời tốt hơn cho đồng vốn. Thậm chí, trong các cuộc chia sẻ với truyền thông, lãnh đạo SCIC cũng không giấu khát vọng được đầu tư ở các dự án mới, cũng như ngay trong các doanh nghiệp đang nắm vốn. Nhưng thực tế, tiền vẫn để trong ngân hàng.

Không chỉ SCIC là “vua tiền mặt”. Trong báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023 của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) được kiểm toán bởi EY công bố hồi tháng 6/2024, tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Tập đoàn đạt gần 104.943 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm.

Đáng nói là tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng chiếm gần 61.000 tỷ đồng, tương đương 58% tổng tài sản của VNPT. Số tiền này mang về gần 3.740 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023 cho Tập đoàn, trung bình mỗi ngày nhận về 10,2 tỷ đồng tiền lãi.

Tại thời điểm này, bảng cân đối kế toán của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng ghi nhận các khoản tiền mặt và tiền gửi gần 347.600 tỷ đồng trên tổng tài sản 1,1 triệu tỷ đồng.

So với SCIC, thì VNPT và PVN là các doanh nghiệp sản xuất. Câu hỏi ở đây là, phải chăng các ý tưởng đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty này đang thiếu, hay có điều gì khiến dòng tiền tỷ này chọn nơi trú ẩn trong các ngân hàng.

Trong khi đó, tình hình giải ngân các dự án đang triển khai của khu vực doanh nghiệp nhà nước theo báo cáo cập nhật vẫn khá khiêm tốn. Chỉ tính riêng 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu, đến hết tháng 9/2024, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất ước đạt 89.621 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch năm và bằng 130% so với cùng kỳ.

Trước đó, trong báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư gửi Chính phủ vào tháng 6/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao (sản xuất chip bán dẫn, hydrogen...) chưa được đầu tư nguồn lực thích đáng. Các dự án mới của doanh nghiệp nhà nước được triển khai và thực hiện rất ít trong giai đoạn vừa qua.

Hệ quả thấy trước của việc không thực hiện các dự án đầu tư mới là năng lực và khả năng cạnh tranh của khu vực này trong giai đoạn tới không theo kịp xu hướng phát triển của đất nước, không cạnh tranh được với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực tại khu vực và quốc tế...

Tâm tư “người cầm tiền”

Bức tranh nhiều màu xám về hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thực sự không mới. Thậm chí, doanh nghiệp có kinh nghiệm đầu tư nhất, đang định hướng phát triển thành “nhà đầu tư của Chính phủ” là SCIC cũng phải kiến nghị rằng, với cơ chế hoạt động hiện nay, SCIC gặp nhiều khó khăn, hạn chế, cả về nguồn lực tài chính, về pháp lý, cơ chế chính sách đầu tư…

Đơn cử, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69), hội đồng thành viên doanh nghiệp chỉ được quyết định đầu tư dự án có quy mô vốn dưới 50% vốn điều lệ, không quá dự án nhóm B (2.300 tỷ đồng).

Ông Lê Thanh Tuấn, Phó tổng giám đốc SCIC phân tích, các quy định về phân loại dự án nhóm A, B hoặc C được áp dụng với các dự án đầu tư công, dẫn chiếu theo Luật Đầu tư công. Nhưng hoạt động đầu tư của SCIC thường là đầu tư tài chính, ví dụ gia tăng vốn cho doanh nghiệp.

“Cơ quan cấp trên không có cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư, nên không thể cấp phép đầu tư. Đương nhiên, SCIC không thể làm gì”, ông Tuấn trăn trở.

Đặc biệt, ông Tuấn nói, nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn của Luật 69 đang trói chặt các quyết định đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, dù họ có sẵn tiền.

Chia sẻ quan điểm này, ông Phí Mạnh Cường, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) kể, nhiều khi nhìn thấy cơ hội mua bán, sáp nhập (M&A), sẽ đạt được mục tiêu tổng thể là tái cơ cấu doanh nghiệp, tăng lợi thế trong ngành và quan trọng hơn là tìm kiếm được các cổ đông chiến lược nước ngoài, nhưng cũng đành bước qua.

“Doanh nghiệp bình thường có thể làm, đã làm và có lợi nhuận. Doanh nghiệp nhà nước không thể, vì nếu làm, sẽ phải chấp nhận lỗ 1-2 năm đầu”, ông Cường tâm tư.

Ông Cường luôn nhớ, Luật 69 quy định việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp cũng như đánh giá bảo toàn vốn của doanh nghiệp dựa trên kết quả hoạt động của doanh nghiệp và từng dự án đầu tư, yêu cầu là phải có hiệu quả. Nghĩa là một dự án lỗ, thì 10 dự án hiệu quả cũng coi như không thực hiện đúng quy định. Thậm chí, thời gian chịu đựng và cầm cự lỗ được phép của doanh nghiệp nhà nước trong liên doanh cũng được giới hạn là tối đa 5 năm.

Cũng vì điều này mà lâu rồi, Vinafor chưa có dự án mới, ngoài dự án liên doanh với Nhật Bản đầu tư nhà máy viên nén gỗ đã triển khai nhiều năm...

Những điểm nghẽn thường trực

Năm vừa rồi, chúng tôi lên kế hoạch đầu tư một Dự án xây dựng nhà máy tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với mục tiêu là tranh thủ đón đầu dòng vốn chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc, nghĩa là cần rất nhanh. Đề án trình Tập đoàn với các tính toán hiệu quả đầu tư trong 10 năm, nhưng các thủ tục từ lúc có được sự ủy quyền của Tập đoàn đến xây dựng, mua sắm dây chuyền sản xuất… dự tính mất tới 3 năm. Giả thiết là 3 năm có nhà máy, thì các dự kiến 10 năm có còn như tính toán?

- Ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc VNPT Technology

Khi các phiên bản đầu tiên của Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đưa ra lấy ý kiến vào khoảng tháng 6/2024, nhiều doanh nghiệp cảm thấy bất an. Tâm lý lo lắng lên cao trào, khi các nội dung về đầu tư của doanh nghiệp, về giám sát, kiểm tra, thanh tra… quy định Nhà nước can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư khác (doanh nghiệp F2), dù trong các doanh nghiệp này, Nhà nước chỉ là một cổ đông, thành viên góp vốn…

Các doanh nghiệp F2 và cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngay lập tức gửi kiến nghị tới Ban Soạn thảo Dự luật và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Quan điểm thống nhất là, việc này không phù hợp với Luật Doanh nghiệp, không khả thi thực tế, không phù hợp với các nguyên tắc quản trị công ty trên thế giới và mang tính khiên cưỡng trong công tác quản lý nhà nước. Ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc VNPT Technology thậm chí còn đặt câu hỏi: Nhà nước sẽ quản lý dòng vốn đến đâu, tới “F nào” thì dừng?

Cho tới phiên bản trình Quốc hội của Dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều nội dung đã thay đổi. Tin mừng nhất, theo các doanh nghiệp, là đối tượng điều chỉnh chỉ là F1. Chương IV về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp không còn bị bãi bỏ, đảm bảo điều kiện quan trọng để doanh nghiệp nhà nước có cơ hội chơi cùng luật chơi với các doanh nghiệp khác về quản trị doanh nghiệp...

Nhưng câu hỏi về sự thống nhất trong tư duy về doanh nghiệp nhà nước tiếp tục dấy lên, vì nhiều nội dung chưa thể hiện được nguyên tắc xây dựng luật đã được thống nhất. Đó là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư hoạt động bình đẳng theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, Nhà nước không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp, thực hiện vai trò là chủ sở hữu phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp; vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp...

Thậm chí, nhiều quy định được cho là sẽ gây thêm tầng nấc thủ tục, làm khó cho doanh nghiệp nhà nước ở cả vai trò doanh nghiệp và nhà đầu tư. Cụ thể, quy định liên quan đến quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp, trong đó nhắc tới tỷ lệ nộp về ngân sách nhà nước tương ứng tỷ lệ phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp với số dư quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp khi doanh nghiệp không có nhu cầu, không có kế hoạch sử dụng, khiến nhiều công ty cổ phần có tỷ lệ vốn nhà nước chi phối bức xúc và cho rằng không thể thực hiện.

Lấy Quỹ đầu tư phát triển của Petrolimex làm ví dụ. Đến cuối quý II/2024, Quỹ đang có gần 2.100 tỷ đồng. Giả thiết phải nộp về ngân sách nhà nước 78%, tương ứng phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, câu hỏi là các cổ đông khác như nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản, hay các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có chấp nhận không, có được hỏi ý kiến không? Tiền của quỹ này thực chất là lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp để lại, các cổ đông, gồm cả cổ đông Nhà nước, đều có quyền bình đẳng như nhau, kể cả quyết định rút tiền về.

Quy định còn bất hợp lý ở chỗ, sau khi trích nộp về ngân sách tỷ lệ tương ứng phần vốn nhà nước, cổ đông Nhà nước vẫn muốn được hưởng quyền lợi như các cổ đông khác với phần còn lại, tức là hưởng nhiều lần trên số tiền lợi nhuận để lại của doanh nghiệp… “Như vậy, có ai còn dám chơi với cổ đông Nhà nước, với doanh nghiệp nhà nước nữa”, TS. Nguyễn Đình Cung đau đáu.

Dường như các doanh nghiệp nhà nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh một cách bình thường còn khó, chưa nói đến đầu tư lớn, đầu tư đổi mới, sáng tạo.

(Còn tiếp)

Khánh An - Phong Lan
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục