Doanh nghiệp nhà nước công khai thông tin: Cần kỷ luật sắt

(ĐTCK) Hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lâu nay vẫn bị cho là kém minh bạch. Để cải thiện tình trạng này, ngày 18/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg, yêu cầu hầu hết DNNN phải công khai những thông tin quan trọng để công chúng biết và giám sát.
Quyết định 36/2014/QĐ-TTg xác lập cột mốc quan trọng trong công khai thông tin của khối DNNN Quyết định 36/2014/QĐ-TTg xác lập cột mốc quan trọng trong công khai thông tin của khối DNNN

Về vấn đề tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin, hiện nhiều công ty cổ phần đại chúng vi phạm nghĩa vụ này, nhưng vẫn chưa bị chế tài. Đơn cử, hạn cuối để các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý III/2014 đã qua, nhưng Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mới chỉ công bố báo cáo tài chính bán niên. Điều này có thể dẫn đến sự hoài nghi về khả năng tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin của các DNNN, nhất là những thông tin được coi là nhạy cảm như lương, thưởng.

Hiện nay, công ty cổ phần đại chúng cũng như các thành viên trên TTCK bắt buộc phải có website để công bố thông tin. Những thông tin công bố phải được để trong các mục cụ thể như “quan hệ cổ đông”, “công bố thông tin”… trên website. Doanh nghiệp còn phải chỉ đường dẫn đến tận nơi thông tin được công bố.

Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 36/2014/QĐ-TTg nêu trên yêu cầu DNNN cũng phải lập website, nhưng không buộc phải mở chuyên mục công bố thông tin. Như vậy, nếu vì một lý do nào đó mà những thông tin doanh nghiệp công bố để lẫn lộn với những thông tin khác như khai trương, động thổ, kỷ niệm thành lập, khuyến mãi…, thì công chúng không biết đường nào mà lần!

Thực ra, Quy chế có yêu cầu DNNN khi công bố thông tin phải đồng thời gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đăng trên Cổng thông tin doanh nghiệp www.business.gov.vn, nhưng doanh nghiệp không gửi thì chưa thấy có chế tài.

Bên cạnh đó, đối với công ty cổ phần đại chúng, khá nhiều thông tin phải được công bố trên báo. Tuy nhiên, không có thông tin nào của DNNN thuộc diện công bố theo quy định tại Quy chế bắt buộc phải đăng báo.

Quyết định 36/2014/QĐ-TTg có một số quy định được cho là chưa chi tiết, chưa cụ thể như nêu trên, nhưng đã xác lập một cột mốc quan trọng trong công khai thông tin của DNNN, nhằm nâng cao tính minh bạch của khối doanh nghiệp này, qua đó xã hội có thể giám sát tình hình hoạt động.

Các thông tin được yêu cầu phải công bố là: báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp; báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp; chiến lược và kế hoạch phát triển dài hạn của doanh nghiệp; kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư hàng năm của doanh nghiệp; kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp và kết quả thực hiện; báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải báo cáo cho cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu trong thời hạn 24 giờ và công bố công khai thông tin bất thường trong thời hạn 72 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện như: quyết định vay có giá trị từ 30% vốn điều lệ trở lên tại thời điểm báo cáo gần nhất, quyết định thay đổi phương pháp kế toán áp dụng, quyết định về việc thành lập, mua, bán hoặc giải thể công ty con, đầu tư vào công ty liên kết…

Đối tượng áp dụng của Quyết định là các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp khác do Nhà nước sở hữu 100% vốn, trừ một số doanh nghiệp có liên quan đến an ninh, quốc phòng. Theo thống kê, đến tháng 6/2014, cả nước có 1.210 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Theo đánh giá của một lãnh đạo Bộ Tài chính, nghĩa vụ công khai thông tin của DNNN theo Quy chế ban hành kèm Quyết định 36/2014/QĐ-TTg có một số nội dung đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn và áp lực hơn so với nghĩa vụ của công ty cổ phần đại chúng theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.

Các doanh nghiệp không bảo đảm việc công bố thông tin đầy đủ, đúng quy định sẽ bị xem xét, đánh giá và xếp loại theo quy định của Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về công bố thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.         

Hà Thái

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục