Một quy định, vướng mắc tám năm
Các hội và hiệp hội ngành hàng thực phẩm gồm Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Hội sản xuất Nước mắm TP. Phú Quốc, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) vừa tham gia góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, ngày 29/1/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09) quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Trong đó, tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 6 quy định “Muối…, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” và “Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” khiến cộng đồng doanh nghiệp nhiều ngành hàng thực phẩm vô cùng quan ngại.
Nguyên nhân là do, Nghị định 09 khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn suốt gần 8 năm qua đối với cả chế biến thực phẩm cho xuất khẩu, tiêu dùng nội địa nhưng lại thiếu hiệu quả trong cải thiện vi chất cho người dân và đang đi ngược với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, dẫn đến nguy cơ tổn hại sức khỏe cho nhóm đối tượng đủ và thừa vi chất.
Hội thảo “Góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm”. |
Đứng trước tình hình này, FFA và các hội ngành nghề đã nhiều lần kiến nghị về nội dung này bằng văn bản và thông qua các buổi làm việc trực tiếp với Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm và Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) với mong muốn kịp thời tháo gỡ khó khăn, tồn tại cho doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, sau khi Bộ Y tế ban hành công văn 6134/BYT-PC ngày 27/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP (Nghị quyết 19) ngày 15/5/2018 và Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch 618/KH-BYT về kế hoạch sửa đổi Nghị định 09 cùng thời điểm này… nhưng chưa thấy kết quả.
Do đó, từ tháng 3/2023 đến tháng 1/2024, Văn phòng Chính phủ đã ban hành 2 văn bản (1526/VPCP-KGVX và 265/VPCP-KGVX) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà “…giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 19-2018/NQ-CP và Công văn 10520/VPCP-KGVX …” và “…trình Chính phủ trong quý III/2024”. Dự thảo Nghị định sửa đổi do Bộ Y tế chủ trì vừa xây dựng xong và đang gửi lấy ý kiến góp ý từ các Bộ ngành, các tổ chức quốc tế và chỉ 1-2 Hiệp hội ngành thực phẩm.
Do nội dung Dự thảo nghị định sửa đổi hầu như giữ nguyên các quy định bất cập của Nghị định 09 và đang gây quan ngại cho các ngành hàng thực phẩm.
“Sau khi nghiên cứu, phân tích các nội dung trong bộ tài liệu xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 09, Bộ Y tế đang lấy ý kiến thì chúng tôi phải khẳng định rằng những lập luận của Dự thảo hoàn toàn thiếu cơ sở chính trị, pháp lý; thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn; quá bất hợp lý và gây khó khăn cho sản xuất-kinh doanh; Không phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và báo cáo tác động chính sách chưa đầy đủ và chưa đủ cơ sở thuyết phục”, bà Chi nhận định.
Khó có khả năng cạnh tranh
Câu chuyện cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài được nhiều đơn vị, hiệp hội Việt đặt ra Dự thảo Nghị định sửa đổi được áp dụng trong thời gian tới.
Theo ông Phạm Trung Thành, Trưởng ban đối ngoại Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, thực tế, việc thực hiện Nghị định 09 đã có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí là ảnh hưởng đến chiến lược bán hàng của doanh nghiệp.
Thứ nhất, doanh nghiệp gặp khó khăn trong thủ tục xuất khẩu tới nhiều thị trường có cơ chế kiểm duyệt phức tạp đối với thực phẩm nhập khẩu có bổ sung vi chất sắt, kẽm, i-ốt như Nhật Bản, Nauy, Đan Mạch, Philippines, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan... Do đó, khi xuất khẩu sang các thị trường này, công ty phải kê khai vi chất chi tiết trên bao bì hoặc bổ sung nội dung tem dán (Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan...) khiến tốn thêm thời gian và chi phí.
Tại Nhật Bản, i-ốt lại không thuộc danh sách những vi chất dinh dưỡng được phép sử dụng dựa theo Điều 12 trong Luật an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Ngoài ra, sắt và kẽm cũng phải tuân theo các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, đặc biệt kẽm không được phép bổ sung trong các thực phẩm khác ngoài các sản phẩm thay thế sữa mẹ và thực phẩm được dùng để duy trì sức khỏe theo đúng chỉ định cụ thể của Nhật Bản.
Vì vậy, “để mì Hảo Hảo xuất đi Nhật Bản, chúng tôi buộc phải sử dụng nguyên liệu không bổ sung các vi chất dinh dưỡng trên và tổ chức sản xuất riêng biệt với sản phẩm Hảo Hảo nội địa và sản phẩm xuất khẩu. Điều này khiến hiệu suất sản xuất mì xuất khẩu Nhật Bản không cao, tăng thêm nhiều chi phí, khó có khả năng cạnh tranh”, ông Thành chia sẻ.
Hiện cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội ngành thực phẩm cũng mong muốn dự thảo Nghị định 09 sửa đổi ban hành sẽ phù hợp với cơ sở khoa học và quản lý rủi ro.
Bà Nguyễn Thị Tình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) thông tin, doanh nghiệp không thể đầu tư mua mới dây chuyền sản xuất để dành riêng cho sản xuất nội địa và xuất khẩu riêng biệt. Nguyên nhân là do, chi phí đầu tư quá lớn (từ 100-150 tỷ đồng) và đơn hàng không đảm bảo để khai thác không hết công suất của nhà máy, sẽ gây lãng phí nguồn lực.
Vì vậy, đại diện Vifon mong muốn được Nhà nước hỗ trợ cởi trói với những chính sách bất cập như quy định tại Nghị định 09 này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp sản xuất, phát triển, cạnh tranh với các đối thủ từ các quốc gia lân cận.