Doanh nghiệp ngành than: Vừa phục hồi vừa lo

(ĐTCK) Bức tranh ngành than nửa đầu năm 2017 tuy đã mang gam màu tươi sáng hơn, song ngành này vẫn đang phải gồng mình vượt khó, đối diện với tỷ lệ hàng tồn kho gia tăng và những món nợ lớn phải trả.
Nhiều doanh nghiệp ngành than ghi nhận 
kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay Nhiều doanh nghiệp ngành than ghi nhận kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay

Tăng trưởng nhỏ giọt

Kết thúc quý II/2017, CTCP Than Mông Dương-Vinacomin (MDC) ghi nhận doanh thu 399 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 562,5 triệu đồng, trong khi cùng kỳ 2016 lỗ ròng 3,442 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quế Thanh, Giám đốc MDC cho biết, nhờ doanh thu tăng và chi phí tài chính giảm, nên MDC đã có lãi trong nửa đầu năm.

CTCP Than Đèo Nai-Vinacomin (TDN) cũng đã thoát lỗ và có lãi trở lại sau 6 tháng đầu năm. Cụ thể, TDN lãi ròng 3 tỷ đồng trong quý II, còn cùng kỳ 2016 lỗ 2,12 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng 2017, TDN lãi ròng 3,3 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ 2016. Ông Phạm Duy Thanh, Giám đốc TDN cho biết, quý II/2016, Công ty đã trích dự phòng tài chính cho khoản đầu tư tại CTCP Nhiệt điện Cẩm Phả-Vinacomin. Quý II/2017, TDN hoàn trích dự phòng tài chính 3,5 tỷ đồng, dẫn đến tăng lợi nhuận.

Tương tự, CTCP Than Cọc Sáu (TC6) cũng đã tạm qua “cơn bĩ cực”. Cụ thể, sau khi thua lỗ 8,8 tỷ đồng vào quý III/2016, TC6 đã ghi nhận doanh thu 585 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2,2 tỷ đồng trong quý II/2017 (cùng kỳ 2016 chỉ đạt gần 298 triệu đồng), nâng lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng lên 5,8 tỷ đồng.

Đạt lợi nhuận cao nhất trong các doanh nghiệp ngành than đang niêm yết phải kể đến CTCP Than Hà Lầm-Vinacomin (HLC), với con số lãi ròng quý II/2017 đạt 23,1 tỷ đồng. Theo Giám đốc HLC, ông Trần Mạnh Cường, đạt được kết quả này là do năm 2017, tình hình tiêu thụ than của Công ty ổn định, doanh thu tăng mạnh, từ đó đạt lợi nhuận cao.

Những nỗi lo

Mặc dù kết quả kinh doanh có nhiều khả quan, song cổ phiếu của phần lớn các doanh nghiệp ngành than trên sàn đều không có nhiều đột biến, thậm chí nhiều cổ phiếu liên tiếp giảm điểm như TVD, MDC, TC6… Ngay với HLC, dù có lợi nhuận cao nhất, song cổ phiếu cũng giảm điểm. Cụ thể, từ 3/8-9/8, cổ phiếu HLC có 3 phiên đứng giá ở mức 24.800 đồng/CP, trước khi giảm điểm 2 phiên liên tiếp về 20.200 đồng/CP. 

Bên cạnh đó, bức tranh của doanh nghiệp ngành than cũng chưa hẳn “toàn màu hồng” khi đang phải đối mặt với các vấn đề về hàng tồn kho lớn, hay gánh nặng nần cả trong ngắn và dài hạn.

Đơn cử, tại MDC, lợi nhuận tài chính trong quý II/2017 không khả quan khi bị âm 11 tỷ đồng. Báo cáo tài chính của MDC cho thấy, tính đến 30/6/2017, Công ty lỗ 391 triệu đồng trong hoạt động đầu tư, phải chi 30 tỷ đồng cho các chi phí lãi vay. Nợ phải trả của MDC tính đến hết tháng 6/2017 là hơn 988,5 tỷ đồng, trong đó có 444,6 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 543,8 tỷ đồng nợ dài hạn.

Là doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao nhất, song HLC cũng là đơn vị gánh khoản nợ lớn nhất trong khối các doanh nghiệp than trên sàn. Tính đến 30/6/2017, nợ phải trả của HLC là 4.018 tỷ đồng, trong đó có 963,5 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 3.005 tỷ đồng nợ dài hạn.

Về hàng tồn kho, TDN có tổng hàng tồn kho từ đầu năm đến ngày 30/6/2017 đạt khoảng 167 tỷ đồng. Đáng chú ý, hàng tồn kho của TDN có xu hướng tăng cao hơn so với đầu năm (tăng hơn 40 tỷ đồng) chủ yếu đến từ chi phí sản xuất-kinh doanh dở dang và các sản phẩm thành phẩm.

Cùng với đó, TDN cũng có nỗi lo phải trả về các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn. Báo cáo tài chính quý II/2017 của TDN cho thấy, Công ty có 150 tỷ đồng khoản vay ngắn hạn và hơn 211 tỷ đồng khoản vay dài hạn.

Tương tự, TC6 cũng đang “đau đầu” xử lý hàng tồn kho. Cụ thể, tính đến 30/6/2017, doanh nghiệp này ghi nhận 338 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm (175,8 tỷ đồng). Trong khi đó, TC6 lại không có dự phòng giảm giá hàng tồn kho và nợ phải trả tính đến hết tháng 6 năm nay lên tới 1.382 tỷ đồng.

Bước vào quý III, các doanh nghiệp ngành than sẽ còn đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề về thời tiết khi bắt đầu vào mùa mưa, gây nhiều bất lợi cho hoạt động khai thác.

Theo giới quan sát, quý III là thời điểm khó khăn nhất trong năm đối với các doanh nghiệp ngành than. Để vượt qua thách thức, các doanh nghiệp cần tính toán cẩn trọng, giải quyết đồng bộ các tồn tại về nhân sự, quy mô ngành, điều kiện địa chất…, mới mong bớt lỗ và duy trì tốc độ tăng trưởng.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục