Doanh nghiệp ngại niêm yết trái phiếu vì sao?

(ĐTCK-online) Ngày 10/4, hơn 14,976 triệu trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội sẽ đáo hạn, mặc dù mới niêm yết chưa được nửa năm (tháng 9/2010). Đây là một trong số rất ít DN thực hiện niêm yết trái phiếu chuyển đổi, cho dù lượng phát hành khá lớn.
Năm 2010, các DN đã phát hành 116.000 tỷ đồng qua TTCK Năm 2010, các DN đã phát hành 116.000 tỷ đồng qua TTCK

Phát hành nhiều

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), năm 2010, các DN đã phát hành 116.000 tỷ đồng qua TTCK, trong đó có 86.000 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu, số còn lại là từ phát hành trái phiếu và trái phiếu chuyển đổi. Trước sức ép lãi suất và sự khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nhiều DN đã thực hiện phát hành trái phiếu và trái phiếu chuyển đổi. Các trường hợp phát hành thường tập trung vào ngành bất động sản và ngân hàng. Một số DN phát hành trái phiếu với số lượng lớn như ngân hàng VCB, BIDV, ACB; Tập đoàn Hòa Phát; CTCP Sông Đà Thăng Long…

Phần lớn trái phiếu có kỳ hạn 3 - 5 năm, với lãi suất thả nổi từ năm thứ 2. Đối với DN, phát hành trái phiếu được lựa chọn nhiều do là một hình thức vay vốn nhưng DN chủ động sử dụng nguồn vốn huy động được mà không phải chịu sự giám sát chặt chẽ cho từng mục đích sử dụng như đối với nguồn vốn vay ngân hàng. DN phát hành trái phiếu không phải chịu sức ép về cổ tức từ cổ đông mới như phát hành cổ phiếu. Ngoài ra, do lãi trả trái chủ được tính là chi phí trước thuế thu nhập nên DN giảm được phần thuế thu nhập phải nộp tương ứng.

 

Niêm yết ít

Mặc dù phát hành nhiều nhưng số mã trái phiếu DN niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) hiện nay có thể đếm trên đầu ngón tay. Trái phiếu của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) là một trong những "của hiếm" này, cho dù thời gian niêm yết rất ngắn. Đại diện của SHB giải thích về sự đặc biệt này là Ngân hàng thực hiện cam kết khi phát hành với các cổ đông đồng thời là trái chủ, nhằm tạo thêm tính thanh khoản cho trái phiếu. Thông thường, các trái phiếu chuyển đổi có thời gian phát hành dưới 5 năm nên nhiều DN không muốn niêm yết. Ngoại trừ việc phát hành cho các cổ đông hiện hữu, phần lớn các DN chào bán riêng lẻ trái phiếu cho đối tác lớn nên nhu cầu chuyển nhượng là không nhiều.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, khi DN phát hành trái phiếu, rất cần đưa vào giao dịch nhằm tạo thanh khoản. Hiện các DN ít đưa vào giao dịch trái phiếu do phải chuẩn bị hồ sơ (trong đó, việc làm bản cáo bạch chiếm nhiều thời gian), thủ tục trong khi thời gian giao dịch lại không dài. Vẫn theo bà Lan, hiện nay, các DN phát hành trái phiếu rất nhiều nhưng các trái phiếu này có thực chất là trái phiếu hay không thì còn phải xem xét. Nhiều trường hợp chỉ là chứng chỉ ghi nhận nợ chứ không đủ điều kiện để gọi là trái phiếu.

Theo quy trình của HNX, để thực hiện đăng ký giao dịch trái phiếu, DN nộp hồ sơ về HNX. Trong vòng 5 ngày kiểm tra, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ sẽ được Sở chấp thuận. Trong vòng 5 ngày tiếp theo, Sở và DN sẽ hoàn tất thủ tục đăng ký ngày giao dịch đầu tiên của chứng khoán. Nhưng với những DN chưa làm quen với TTCK (chưa niêm yết cổ phiếu), thì việc đưa trái phiếu vào giao dịch mất thời gian hơn. Trong khi lãi suất ngân hàng cao và không dễ tiếp cận, phát hành cổ phiếu sẽ dẫn đến pha loãng thì nhiều DN sẽ tiếp tục tìm đến phương thức huy động vốn bằng phát hành trái phiếu trong năm 2011. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi, khi thông qua kế hoạch phát hành, các cổ đông nên yêu cầu DN niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trái phiếu tại HNX.

Nguyên Thành
Nguyên Thành

Tin cùng chuyên mục