Doanh nghiệp Mỹ vật lộn với xu hướng mạnh lên của đồng bạc xanh

0:00 / 0:00
0:00
Đối với các nhà nhập khẩu Mỹ, sự tăng giá của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt như euro, yen hoặc bảng Anh là một điểm cộng, bởi khi đó các sản phẩm nhập khẩu sẽ rẻ hơn.
Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN) Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sự tăng giá nhanh chóng của đồng USD kể từ đầu năm đến nay được ví như “con dao hai lưỡi” đối với các công ty đa quốc gia Mỹ. Chiều hướng này đã khiến một vài công ty buộc phải định vị lại các hoạt động ở nước ngoài của họ.

Ngoài tầm kiểm soát

Đối với các nhà nhập khẩu Mỹ, sự tăng giá của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt như euro, yen hoặc bảng Anh là một điểm cộng, bởi khi đó các sản phẩm nhập khẩu sẽ rẻ hơn.

Tuy nhiên, đối với một công ty xuất khẩu, các sản phẩm được bán bằng đồng USD sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Điều này làm tăng nguy cơ để mất khách hàng, khiến doanh số bán hàng giảm sút. Ngoài ra, các công ty cũng chịu bất lợi khi chuyển đổi doanh thu từ nước ngoài thành đồng USD.

Nhiều công ty đã điều chỉnh dự báo thu nhập của họ trong năm nay, trong đó phản ánh việc tỷ giá hối đoái thay đổi. “Gã khổng lồ” Microsoft đã cảnh báo doanh thu hàng quý sẽ giảm 460 triệu USD và lợi nhuận ròng giảm 250 triệu USD, do ảnh hưởng của việc đồng USD mạnh lên.

Trong khi đó, lần lượt Adobe, Salesforce, Biogen và Pfizer cũng cho rằng sự tăng giá nhanh chóng của đồng USD sẽ tác động lớn hơn dự kiến đến các hoạt động của họ.

Theo Kyriba, một nền tảng quản lý tiền mặt công ty, các công ty tạo ra phần lớn doanh thu bên ngoài nước Mỹ là những công ty có doanh thu lớn nhất, đứng đầu là những “gã khổng lồ” công nghệ, sau đó là các nhà sản xuất thiết bị y tế và công ty dịch vụ.

Kyriba ước tính các công ty thuộc S&P 500 có thể đã để mất đến 40 tỷ USD thu nhập trong nửa đầu năm 2022 dưới các tác động của biến động tiền tệ.

Các yếu tố như quyết định tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để chống lại lạm phát tràn lan, kết hợp với xu hướng dòng tiền đầu tư ồ ạt chảy vào nước Mỹ để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh còn nhiều bất ổn, đã thúc đẩy xu hướng đi lên của đồng USD.

Đồng bạc xanh đã tăng đến 13% so với đồng euro trong 12 tháng qua và tăng đến 22% so với đồng yen Nhật Bản.

Chuyên gia Desmond Lachman thuộc Viện nghiên cứu về các doanh nghiệp Mỹ cho biết: “Về ngắn hạn, đó là một điều tốt cho kinh tế Mỹ vì điều đó có nghĩa là tất cả các mặt hàng nhập khẩu đều rẻ hơn, từ đó làm giảm áp lực lạm phát.”

Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, tác động đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ mang nhiều sắc thái hơn, bởi nếu xuất khẩu giảm, "thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ mở rộng và khi đó nợ nước ngoài sẽ tăng cao."

Tất nhiên, các công ty đa quốc gia "không thể kiểm soát những vấn đề này", ông Desmond Lachman giải thích. Mặc dù vậy, họ có thể giảm thiểu tác động của biến động ngoại tệ bằng cách áp dụng các chiến lược phòng ngừa rủi ro, ví dụ như sử dụng các công cụ tài chính nhằm cung cấp bảo hiểm chống lại những tổn thất do biến động tỷ giá hối đoái gây ra.

Microsoft cảnh báo doanh thu hàng quý sẽ giảm. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Microsoft cảnh báo doanh thu hàng quý sẽ giảm. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Hầu hết các tập đoàn đã sẵn có các chương trình bảo hiểm rủi ro này và họ đã thay đổi kế hoạch của mình hàng quý hoặc thậm chí hàng tháng. Họ thậm chí còn cố gắng dự đoán về các chuyển động tiền tệ trong tương lai, chuyên gia Bob Stark của Kyriba cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia Stark cho rằng đây không phải là một việc dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường lạm phát còn nhiều bất ổn và khả năng xảy ra suy thoái kinh tế đang ngày càng lớn.

Các công ty không có nhiều cơ hội để đối phó

"Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, các giám đốc tài chính của doanh nghiệp đã trở nên nhạy bén hơn trong việc nhận diện các khả năng và đưa ra kịch bản thích ứng," chuyên gia Stark nói.

Chẳng hạn, “gã khổng lồ” hàng thể thao Nike đã cảnh báo rằng tác động của thị trường tiền tệ sẽ làm giảm doanh thu hàng năm của hãng. Tuy nhiên, mức giảm lợi nhuận sẽ thấp hơn nhiều vì công ty được hưởng lợi từ các loại bảo hiểm rủi ro.

Tuy nhiên, biến động hiện nay trên thị trường ngoại hối cũng đồng nghĩa với việc chi phí phòng ngừa rủi ro cao hơn, vì vậy một số công ty đã lựa chọn không sử dụng các công cụ này.

Một số công cụ khác được sử dụng có thể kể đến là yêu cầu thanh toán bằng đồng USD cho các nhà cung cấp Nhật Bản, thương lượng lại giá cả hoặc tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia khác nhau. Các công ty thậm chí có thể đợi cho đến khi đồng tiền Mỹ suy yếu để thu hồi lợi nhuận.

Tuy nhiên, theo Nikolai Roussanov, Giáo sư tài chính tại Đại học Pennsylvania, một khi tỷ giá hối đoái tăng cao, các công ty không có nhiều cơ hội để đối phó, đặc biệt là khi giá cả leo thang do các vấn đề về chuỗi cung ứng và chi phí năng lượng.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục