Từ đầu năm 2019 tới nay, xu hướng này được duy trì với các khoản mua lại cổ phiếu trị giá 740 tỷ USD - mức cao thứ hai từ khi các dữ liệu được ghi nhận, theo Howard Silverblatt, chiến lược gia phân tích chỉ số S&P Dow Jones Indices cao cấp.
Việc mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ đã trở thành phương thức được ưa chuộng nhất mà các công ty niêm yết Mỹ sử dụng để bơm tiền mặt cho cổ đông. Tuy nhiên, hành động này đón nhận 2 luồng ý kiến chỉ trích lớn.
Thứ nhất, việc mua lại cổ phiếu tuy mang lại lợi ích cho cổ đông, nhưng ảnh hưởng không tích cực tới người lao động, bởi lượng tiền này đáng lẽ cần được sử dụng dể tái đầu tư sản xuất - kinh doanh, hoặc trả cho người lao động.
Dẫn đầu quan điểm này là 2 ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Elizabeth Warren và Bernie Sanders, những người ủng hộ việc ban hành quy định cấm mua cổ phiếu quỹ trên thị trường.
Thứ hai, một góc nhìn tuy ít phổ biến hơn, nhưng ngày càng thu hút sự chú ý, đó là việc mua lại cổ phiếu không hẳn tốt cho cổ đông.
Thực tế, hành động này mang lại nhiều lợi ích cho ban lãnh đạo, nhân sự cấp cao của doanh nghiệp hơn là những cổ đông thông thường, bởi đây là những người biết trước kế hoạch mua cổ phiếu quỹ và có thể tận dụng thành công việc giá cổ phiếu leo dốc nhờ tin mua cổ phiếu quỹ (các cổ phiếu mà đối tượng này nắm giữ thường tới từ việc được nhận cổ phiếu thưởng, hoặc được lựa chọn mua cổ phiếu ưu đãi).
Người dẫn đầu quan điểm này là Robert Jackson, Ủy viên hội đồng của Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC).
Trong 2 năm qua, các công ty thuộc S&P 500 đã sử dụng 58% lợi nhuận hoạt động vào việc mua lại cổ phiếu.
Phương pháp này làm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, nâng cao chỉ tiêu thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS).
Đáng chú ý, các công ty thuộc S&P 500 đã chi nhiều hơn cho việc mua lại cổ phiếu so với cổ tức trong mọi năm kể từ năm 2010 tới nay. Đà tăng của giá cổ phiếu có được từ việc mua lại cổ phiếu không bị đánh thuế cho tới khi các cổ phiếu này bị bán đi, trong khi cổ tức sẽ phải chịu thuế.
Các công ty thuộc S&P 500 đã chi nhiều hơn cho cổ phiếu quỹ so với cổ tức từ năm 2010 tới nay.
Robert Jackson và các đồng nghiệp đã thực hiện 385 nghiên cứu về hoạt động mua lại cổ phiếu trong thời gian gần đây.
Các kết quả cho thấy, giá cổ phiếu tăng khoảng 2,5% so với mức tăng kỳ vọng trong ngày thông báo mua lại cổ phiếu được đưa ra.
So với các ngày giao dịch bình thường, số lượng các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu trong 8 ngày sau khi thông báo mua cổ phiếu quỹ tăng gấp đôi. Giá trị của các giao dịch cũng theo hướng đi lên.
Cụ thể, trong những ngày trước khi có tin mua cổ phiếu quỹ, những người nội bộ bán ra lượng cổ phiếu với giá trị trung bình chưa tới 100.000 USD.
Tuy nhiên, sau ngày có tin mua lại cổ phiếu, con số này tăng gấp hơn 5 lần.
Chưa kể, theo những nghiên cứu của William Lazonick, giáo sư Đại học Massachusetts, các doanh nghiệp Apple, Boeing, Cisco Systems, Merck và Pfizer đang đặt người lao động vào tình thế chịu tổn thất, đồng thời làm giảm sức mạnh cạnh tranh trong tương lai khi chi trả quá nhiều cho cổ đông, trong khi đầu tư không tương xứng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cho rằng, nếu được giảm thuế đánh vào nguồn lợi nhuận mang về từ các thị trường nước ngoài, doanh nghiệp Mỹ sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư, nhưng điều này không hề diễn ra.
Theo số liệu của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed), các doanh nghiệp mang về quê nhà 777 tỷ USD năm 2018, nhưng tính tới tháng 8/2019, chỉ có hoạt động mua lại cổ phiếu là được thúc đẩy, trong khi tác động tới đầu tư là không rõ ràng.
Trong bối cảnh này, Robert Jackson đang muốn SEC thay đổi các quy định liên quan tới hoạt động mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp, hoặc ít nhất cần có quy định ngăn lãnh đạo doanh nghiệp bán ra cổ phiếu ngay sau khi có thông tin mua cổ phiếu quỹ.