Tuy nhiên, các khuyến nghị đó rất có thể sẽ không kịp đến địa chỉ cần thiết là các bộ, ngành đang hoàn tất các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, cho dù VCCI cam kết sẽ chuyển tải ngay các ý kiến này tới Chính phủ. Theo kế hoạch, toàn bộ dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh sẽ phải trình Chính phủ ban hành trước ngày 1/7/2016. Đến nay, trong số 50 dự thảo nghị định cần phải ban hành, chỉ còn 11 dự thảo đang được hoàn tất. Số còn lại đã được trình lên Chính phủ.
“Chúng tôi vẫn phải làm vì đang có quá nhiều lo ngại về các dự thảo này từ phía doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) lý giải.
Mối lo lớn nhất là từ chính quy trình soạn thảo các nghị định này. Do các bộ bắt tay rà soát điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư rất chậm (mới 2 - 3 tháng gần đây), trong khi Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, nên để đảm bảo yêu cầu về thời hạn, các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh được Chính phủ cho phép áp dụng theo quy trình rút gọn. Hệ quả là, xuất hiện các dự thảo nghị định 8 không: không đăng dự thảo trên mạng; không lấy ý kiến doanh nghiệp; không tổ chức hội thảo; không đánh giá tác động; không tổng kết thi hành; không kiểm soát thủ tục hành chính; không thuyết minh; không giải trình ý kiến.
“Ngay cả với các dự thảo chúng tôi tiếp cận được, có ý kiến góp ý, thì cũng không biết được các cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ra sao và giải trình lý do thế nào nếu không tiếp thu. Nhiều dự thảo rất rối rắm, khó hiểu và quan trọng là không đáp ứng đúng quy định của Luật Đầu tư về điều kiện kinh doanh. Điều này sẽ gây ra những hệ lụy quan trọng khi các văn bản này được ban hành, doanh nghiệp sẽ phải thực thi”, ông Tuấn chia sẻ nghi ngại.
Theo quy định của Luật Đầu tư, các điều kiện kinh doanh phải thỏa mãn các yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội; đạo đức xã hội; sức khỏa cộng đồng. Nhưng Dự thảo Nghị định điều kiện kinh doanh tài nguyên môi trường đưa ra điều kiện chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản phải nắm vững kiến thức pháp luật về khoáng sản, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thăm dò khoáng sản...; máy móc, thiết bị chuyên dùng phải đảm bảo số lượng, chất lượng...
Dự thảo Nghị định điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm quy định điều kiện diện tích mặt bằng phù hợp với quy mô sản xuất. Dự thảo Nghị định điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn quy định cửa hàng là nhà kiên cố, khô ráo, thoáng gió...
“Chưa nói đến sự mơ hồ, khó xác định của các điều kiện trên, thì tình trạng các điều kiện kinh doanh có tên trong các dự thảo nghị định không đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Đầu tư rất nhiều”, ông Tuấn phân tích.
Thậm chí, ông Lê Văn Hà, chuyên gia tư vấn về doanh nghiệp và đầu tư sau 2 ngày nghiên cứu Dự thảo nghị định về 23 ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự bình luận rằng, doanh nghiệp sẽ rất khó thực hiện nếu được ban hành.
“Tôi có chuyên môn mà đọc từng điều kiện còn rất khó theo dõi. Tôi tin là, các doanh nghiệp nhỏ, các hộ gia đình sẽ rất khó làm được hồ sơ để thỏa mãn điều kiện này”, ông Hà nói.
Đó là chưa kể những dự thảo nghị định là sự “nâng cấp” cơ học của các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh, trong số đó, có nhiều thông tư đã được doanh nghiệp đề nghị sửa đổi, thay thế từ trước.
“Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Bộ Công thương về Thông tư 20/2011/TT-BCT vừa lại được “cắt dán” đưa lên thành nghị định với yêu cầu nhà nhập khẩu phải được chỉ định hoặc được ủy quyền của chính hãng. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều về lý giải điều kiện này, chưa được trả lời, nay lại nâng lên thành Nghị định”, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc bức xúc.
Ông Đỗ Quốc Bình, Hiệp hội Taxi Việt Nam còn than phiền, các điều kiện kinh doanh đang bó chân, bó tay doanh nghiệp taxi đã cả chục năm nay rồi, giờ lại tiếp tục bó.
“Chúng tôi hy vọng lần này mở hết mức điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp phát triển”, ông Bình kiến nghị.
Được biết, ngày 17/6, trong cuộc họp thường trực Chính phủ về nội dung này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI sẽ trực tiếp tham dự và báo cáo các kiến nghị từ doanh nghiệp.
“Tôi tin rằng, Chính phủ rất muốn nghe các ý kiến này”, ông Lộc nói.