Khó khăn bao vây
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Môi giới bất động sản Thăng Long tại quận Tân Bình (TP.HCM) vừa phát đi thông báo đóng cửa tạm thời Công ty, cho nhân viên môi giới ở nhà làm việc, nhưng vẫn trả lương cơ bản cho nhân viên.
“Công ty tôi có 4 sàn giao dịch với hơn 100 nhân viên, nhưng đầu tháng 3 thì đã đóng cửa 3 sàn, còn lại một sàn với hơn 50 nhân viên, thì giờ cũng phải cho họ làm việc tại nhà. Đây là cách để giảm chi phí điện, nước… cho Công ty”, ông Dũng nói.
Còn ông Lê Văn Đức, Giám đốc Công ty Môi giới bất động sản H&M tại quận 2 (TP.HCM) cho biết, hiện công ty ông đang bán dự án tại quận 9. Thường khách hàng sẽ được nhân viên môi giới mời tham quan dự án vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, khi khách đồng ý tham quan dự án sẽ được Công ty thuê xe ô tô để đưa đón. Trong năm 2019, mỗi tuần có khoảng 70 khách hàng coi dự án, nhưng hiện mỗi tuần chỉ có một, hai khách hàng đồng ý tham quan dự án và lượng hàng chốt mua thấp kỷ lục.
Từ đầu tháng 3 tới nay, hơn 30 nhân viên môi giới chỉ bán được 3 sản phẩm căn hộ chung cư, mức hoa hồng chỉ mấy chục triệu đồng. Trong khi đó, tiền thuê văn phòng, điện, nước, chi phí vệ sinh… mỗi tháng mất 150 triệu đồng.
“Nếu từ nay tới cuối tháng 3, tình hình kinh doanh vẫn ảm đạm thì buộc chúng tôi phải dừng hoạt động, trả mặt bằng vì không thể gồng được nữa”, ông Đức nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, hàng loạt sàn môi giới bất động sản đang lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất.
Theo ông Đính, năm 2019, toàn quốc có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Trong đó, có những doanh nghiệp có tới hàng ngàn nhân viên môi giới như Công ty cổ phần PropertyX, một công ty con của Tập đoàn Hưng Thịnh Corp có tới hơn 2.000 nhân viên môi giới, còn những sàn nhỏ cũng có tối thiểu vài chục nhân viên.
“Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 tới nay, khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, tình hình hoạt động của các sàn đang rất thê thảm. Có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư dự án không mở bán sản phẩm. Việc không có hàng để chào bán, nên các sàn không có nguồn thu để nuôi bộ máy, trả chi phí điện nước, mặt bằng... Vì vậy, nhiều sàn tạm dừng hoạt động để chờ thời cơ hồi phục của thị trường, một số thậm chí còn đóng cửa hẳn”, ông Đính nói.
Theo ông Đính, số liệu thống kê chưa đầy đủ của Hội cho thấy, hiện có khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Các sàn này có hai phương án về tổ chức hoạt động trong mùa dịch bệnh là cho nhân viên nghỉ một phần và chia nhân sự thành nhiều nhóm nhỏ, các nhóm sẽ làm việc và nghỉ phép luân phiên để giảm việc, giảm lương mà vẫn duy trì được bộ máy. Tình trạng này diễn ra tại những công ty môi giới vẫn còn hàng để bán, vẫn còn hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư.
Tìm mọi cách để tồn tại
Để có thể tồn tại, nhiều công ty môi giới đã tìm mọi cách để vượt qua những khó khăn trong thời điểm hiện nay. Đơn cử như Công ty cổ phần PropertyX quyết định không tăng giá ở các sản phẩm Công ty đang bán, đồng thời đưa ra chương trình ưu đãi mua nhà được tặng xe, tặng đồ gia dụng…
Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land hiện đang bán dự án Vạn Phúc City thì đưa ra chính sách thanh toán đặc biệt linh hoạt lần đầu tiên áp dụng cho sản phẩm nhà phố. Cụ thể, thanh toán 25% giá trị căn nhà rồi ký hợp đồng mua bán, thay vì 30% như trước đây, sau 24 tháng nhận nhà mới thanh toán phần còn lại thay vì thanh toán theo tiến độ xây dựng từng tháng.
Tập đoàn Trần Anh với 16 sàn môi giới bất động sản thì cho biết, đang triển khai công cụ bán hàng online bằng các clip giới thiệu sản phẩm trên Youtube, cũng như app (ứng dụng) bán hàng để không phải tổ chức các buổi bán hàng tập trung trong mùa dịch.
“Chúng tôi đưa ra chính sách thanh toán thay vì 30% giá trị sản phẩm bước đầu mới làm hợp đồng, thì sẽ thanh toán 15%. Bên cánh đó, hỗ trợ khách vay ngân hàng và khuyến mãi hoặc giảm giá cho khách hàng… Tất cả nhằm kích cầu để có thể tồn tại qua thời điểm khó khăn này”, ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Trần Anh cho biết.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp môi giới đều cho rằng, đó chỉ là giải pháp tức thời để cầm cự trong khoảng thời gian vài tháng nhất định. Nếu dịch bệnh và khó khăn kéo dài quá lâu, thì các doanh nghiệp môi giới sẽ đối diện với nguy cơ đóng cửa cao vì không thể chịu được chi phí.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group cho rằng, đây là thời điểm thê thảm nhất của thị trường trong nhiều năm gần đây. Thông thường quý I, lượng sản phẩm chào bán ra thị trường không cao bằng quý IV, nhưng trước giờ không có tình trạng không có sản phẩm nào để chào bán ngay sau Tết Nguyên đán như năm nay.
Thực tế cho thấy, sự khó khăn của thị trường do thiếu nguồn cung, nhiều dự án đình trệ không chỉ do quá trình thanh kiểm tra của cơ quan chức năng, mà còn đến từ dịch bệnh Covid-19. Do ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, toàn bộ các hoạt động chào bán, mở bán hoặc các buổi giới thiệu sản phẩm ra thị trường của chủ đầu tư lẫn nhà phân phối đều không thể thực hiện.
Bên cạnh đó, đã xuất hiện tâm lý lo ngại kinh tế sụt giảm do dịch bệnh nơi người mua. Nhiều người dù có nhu cầu về nhà đất, căn hộ, nhưng vẫn chờ đợi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động kinh tế ổn định thì mới tính đến việc mua nhà. Mối quan tâm ưu tiên của người tiêu dùng vẫn là phòng chống dịch bệnh.
“Những yếu tố trên làm thị trường lao dốc thê thảm, cách cứu thị trường hiện tại chỉ có thể là kiểm soát được dịch bệnh sớm và Chính phủ có các gói kích cầu kinh tế”, ông Phúc nói.
Còn ông Lê Tiến Vũ, Phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Địa ốc Cát Tường Group cho rằng, trong khoảng thời gian này, để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản có thể thay đổi phương thức bán hàng, gia tăng chính sách ưu đãi, tập trung vào việc đầu tư hạ tầng, tiện ích, đảm bảo tiến độ xây dựng dự án.
Về phương thức bán hàng, nên hạn chế các hoạt động tham quan dự án, bán hàng tập trung quy mô lớn. Nếu có chỉ nên tổ chức quy mô nhỏ, thực hiện nghiêm các quy tắc phòng bệnh cá nhân hiệu quả, đo thân nhiệt cho khách hàng trước khi tham gia sự kiện. Toàn bộ nhân viên phải mặc trang phục bảo hộ đầy đủ. Nếu đủ uy tín, các doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ, tư vấn dự án trực tuyến qua các phần mềm, ứng dụng; giao dịch thông qua điện thoại, email và chuyển phát nhanh.
Các chính sách ưu đãi hấp dẫn về phương thức thanh toán và chiết khấu là một trong những yếu tố kích cầu hiệu quả. Các nhà đầu tư nhạy bén luôn hiểu rằng, khi thị trường gặp khó, các chính sách chiết khấu và ưu đãi từ doanh nghiệp bất động sản là cơ hội hiếm có phải nắm bắt. Bởi chỉ cần vượt qua ngưỡng thời gian này, họ đã cầm chắc trong tay một khoảng lợi nhuận hấp dẫn.
Ngoài ra, khi “sân chơi” chung ít sản phẩm cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ có thời gian tập trung vào việc đầu tư hạ tầng, tiện ích, đảm bảo tiến độ xây dựng dự án. Đó là cách thị trường sàng lọc dự án chất lượng, cũng như giúp doanh nghiệp khẳng định tiềm lực tài chính và năng lực triển khai dự án của mình. Từ đó gia tăng niềm tin và uy tín cho khách hàng.
“Tại Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, từ đầu năm đến nay, mặc dù lượng giao dịch có giảm so với mục tiêu đề ra do ảnh hưởng chung của thị trường, nhưng chúng tôi cũng rất may mắn là đơn vị giữ được tỷ lệ tiêu thụ tốt. Phần lớn khách hàng của chúng tôi là khách có nhu cầu ở thực và nhà đầu tư thân thiết, nên dịch Covid-19 không ảnh hưởng quá nhiều đến số lượng giao dịch ở thời điểm hiện tại. Tôi tin rằng, với sự kiểm soát tốt của Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của toàn quân, toàn dân Việt Nam, dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng được đẩy lùi. Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục sôi động trở lại. Nếu như kịch bản xấu nhất xảy ra, thời gian dịch bệnh kéo dài, thì bất động sản cũng chính là kênh trữ tiền an toàn nhất cho nhà đầu tư đang có vốn nhàn rỗi”, ông Vũ nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com