Giai đoạn 2017 - 2019, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dự báo, hoạt động khai thác đá xây dựng tăng trưởng 16% nhờ tăng trưởng ngành hạ tầng và công nghiệp (chiếm 70% nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng) dự báo tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2018 – 2021.
Các dự án quy mô lớn tập trung ở khu vực Nam Bộ như Sân bay Long Thành (giai đoạn 1 đến 2025, quy mô vốn đầu tư 114.000 tỷ đồng), đường vành đai 3 - 4, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, 8 tuyến metro… được triển khai trong giai đoạn tới là cơ hội lớn với các doanh nghiệp khai thác đá có mỏ ở xung quanh khu vực các dự án này. Biên lợi nhuận mảng khai thác đá, theo SSI, đạt trung bình 39% trong giai đoạn 2017 - 2019.
Doanh nghiệp niêm yết thuộc ngành khai thác đá xây dựng có CTCP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB), CTCP Đầu tư xây dựng 3-2 (C32), CTCP Hóa An (DHA), CTCP Đá Núi Nhỏ (NNC) và CTCP Đầu tư và phát triển Cường Thuận IDICO (CTI).
Trong đó, KSB, C32 được đánh giá là hai doanh nghiệp đang sở hữu mỏ đá có chất lượng tốt nhất (chủ yếu sử dụng cho bê tông mác cao cho các công trình) là Tân Đông Hiệp. Mỏ này có vị trí nằm gần khu vực trung tâm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, giúp tiết giảm đáng kể chi phí vận chuyển so với các khu vực khác.
Đầu quý III vừa qua, mỏ Tân Đông Hiệp được cấp phép khai thác sâu tới 120 m. Tuy nhiên, thời hạn khai thác còn lại chỉ còn hơn 1 năm, tức đến cuối năm 2019. Chính vì vậy, việc dừng khai thác mỏ Tân Đông Hiệp, mỏ Núi Nhỏ (gần mỏ Tân Đông Hiệp) từ năm 2020, cộng thêm nhu cầu lớn từ dự án sân bay Long Thành, các dự án cao tốc khác khiến các doanh nghiệp tích cực mua thêm mỏ mới, các mỏ càng gần Sân bay Long Thành càng được săn đón mạnh mẽ.
KSB, ngoài những mỏ hiện hữu như Tân Đông Hiệp, Phước Vĩnh, Tân Mỹ, trong năm 2018 đã mua thêm 3 mỏ mới là Thiện Tân 7, Gò Trường, Bãi Giang với tổng trữ lượng 18,9 triệu m3, thời gian khai thác còn lại từ 3 - 27 năm.
Sau Tân Đông Hiệp thì Tân Cang là mỏ đá có chất lượng tốt, với thời gian khai thác hơn 10 năm. Đặc biệt, mỏ Tân Cang có tiềm năng dài hạn với vị trí thuận lợi nhất để cung cấp cho dự án sân bay Long Thành và thay thế hai cụm mỏ Tân Đông Hiệp, Núi Nhỏ. KSB đang cấp tập đánh giá lại trữ lượng và rà soát thủ tục pháp lý các mỏ đá thuộc khu vực Tân Cang để thực hiện M&A các mỏ đá khu vực này. Hiện mỏ Tân Cang được chia thành 10 mỏ (đã có 9 mỏ được khai thác), mỗi mỏ do một đơn vị khác nhau khai thác.
Doanh nghiệp cùng ngành khác rất tiềm năng là DHA. Công ty hiện đang sở hữu 3 mỏ đá là Núi Gió, Tân Cang 3, Thanh Phú 2, có trữ lượng khoảng 18 triệu m3, thời gian khai thác còn dài đến năm 2020 - 2025. Sở hữu lợi thế trên, DHA trở thành mục tiêu hợp tác hoặc M&A của các doanh nghiệp lớn trong ngành.
Hiện C32 đang sở hữu 8% vốn tại DHA và nhiều luồng thông tin trên thị trường, C32 rất muốn mua chi phối doanh nghiệp này. Ngoài ra, C32 cũng đang sở hữu gần 29% tại CTCP Miền Đông (MDG), với điểm mạnh của doanh nghiệp này là hiện đang sở hữu quyền khai thác mỏ đá Tân Mỹ có diện tích khoảng hơn 40 ha tại Bình Dương
Không riêng C32, lãnh đạo KSB cũng từng chia sẻ Công ty đang đàm phán, thương thảo để có thể hợp tác hoặc mua lại phần vốn tại DHA. Báo cáo SSI nhận định, nếu KSB thực hiện M&A thành công một doanh nghiệp trong ngành và có mỏ đá tập trung ở khu vực Tân Cang, công suất khai thác tăng 1,2 lần so với hiện tại.
CTI vốn được biết đến là doanh nghiệp xây lắp trong lĩnh vực hạ tầng giao thông với các dự án BOT ở Đồng Nai. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm gần đây, Công ty đẩy mạnh khai thác đá xây dựng để bán ra ngoài thị trường, trong khi những năm trước chủ yếu khai thác để phục vụ nhu cầu nội bộ.
Hiện doanh nghiệp đang sở hữu tổng diện tích mỏ đá 134,98 ha tại khu vực tỉnh Đồng Nai, bao gồm Thiện Tân 10 (79 ha), Tân Cảng 8 (36 ha và Công ty mới khai thác 13 ha ở độ sâu 40 m) và Xuân Hòa (20 ha).
Các mỏ đều đang trong giai đoạn khai thác với tổng trữ lượng là 52 triệu m3, thuộc hàng lớn nhất trong khu vực. Công suất khai thác của mỗi mỏ đá khoảng 500.000 m3/năm và thời gian khai thác trung bình trên 30 năm.
Ông Trần Như Hoàng, Chủ tịch HĐQT CTI cho biết, giai đoạn 2018 - 2019, doanh thu mảng đá dự kiến tăng trưởng 8%/năm, lợi nhuận tăng trưởng 20%/năm. Theo đó, doanh thu mảng này tăng từ 160 tỷ đồng năm 2018 lên 180 tỷ đồng năm 2019 và từ năm 2020 phấn đấu đạt 250 tỷ đồng/năm. 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của CTI đạt hơn 709 tỷ đồng, trong đó mảng đá xây dựng hơn 83 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ.
Theo ông Hoàng, cơ sở cho việc đặt kế hoạch doanh thu mảng đá tăng mạnh của CTI đến từ các dự án lớn trong khu vực. Đặc biệt, dự án sân bay Long Thành kéo theo các dự án hạ tầng khác và khu tái định cư cho dự án này đã giúp cho nhu cầu về đá xây dựng tăng đáng kể.