Doanh nghiệp mạnh mẽ thay đổi để tăng trưởng bền vững trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không ngừng đổi mới, doanh nghiệp khẳng định vị thế dẫn dắt trong các hoạt động phát triển bền vững.
Doanh nghiệp mạnh mẽ thay đổi để tăng trưởng bền vững trong đại dịch

Phát triển bền vững - Xu hướng toàn cầu

Đại dịch Covid-19 đã gây sức ép rất lớn lên hoạt động của các doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp phải xoay đổi tầm nhìn và hướng đi để phát triển bền vững, không chỉ tìm kiếm lợi nhuận cho các nhà đầu tư, thu nhập cho người lao động mà còn phải thực hiện trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp.

Trong một tọa đàm về kinh doanh diễn ra vào tháng 8/2019, một nhóm giám đốc điều hành đến từ các tập đoàn hàng đầu nước Mỹ đã xác định lại mục đích hoạt động của doanh nghiệp là đem lại lợi ích cho nhiều bên liên quan như khách hàng, nhân viên, đối tác, cộng đồng và các cổ đông, chứ không chỉ đơn thuần là kiếm lợi nhuận cho các cổ đông.

Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch, RSM Việt Nam

Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch, RSM Việt Nam

Thông điệp trên được đưa ra sau nhiều năm gây áp lực buộc các doanh nghiệp phải thay đổi quan niệm và cách thức vận hành chú trọng tới việc quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (ESG - Environmental, Social and Governance).

Đại dịch Covid-19 đã chuyển dịch mối quan tâm của xã hội sang một hướng cấp thiết hơn - nhu cầu xây dựng một nền kinh tế toàn cầu khỏe khoắn hơn, một thế giới an toàn và bền vững hơn. Người dân trên khắp thế giới đang ngày càng theo dõi sát sao hơn hành động của các nhà lãnh đạo chính trị, xã hội và doanh nghiệp nhằm khắc phục những thiệt hại về kinh tế - xã hội do đại dịch Covid-19 gây nên. Những chính sách ứng phó linh hoạt với dịch bệnh đang được ứng dụng rộng rãi như giãn cách xã hội, làm việc tại nhà cho thấy thông điệp từ cuộc tọa đàm đã đạt được những ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng.

Nỗ lực hiện thực hóa các tiêu chí quản trị ESG của các công ty không chỉ chú trọng đến yếu tố môi trường, mà cần đầu tư nhiều hơn nữa vào yếu tố xã hội và quản trị doanh nghiệp. Trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay, doanh nghiệp không thể lơi lỏng sự quan tâm tới các vấn đề xã hội, đảm bảo an toàn cho người lao động, cũng như luôn chuẩn bị sẵn sàng kịch bản cho những biến động bất ngờ, và kịp thời chăm lo đời sống cho người lao động thông qua các chương trình phúc lợi. Tất cả hoạt động này sẽ thúc đẩy sự quan tâm đến báo cáo bền vững của công ty.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo, tốc độ gia tăng tài sản tại các quỹ ESG sẽ nhanh hơn trong năm 2021, nhất là khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện chương trình nghị sự bảo vệ môi trường.

Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp phải đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch đầu tư theo xu hướng ESG thay cho các chỉ số tài chính truyền thống. Theo thống kê của công ty dịch vụ tài chính Mỹ Morningstar, năm 2020, các quỹ ESG thu hút dòng tiền kỷ lục, gấp đôi so với năm trước. Tiền ròng từ các nhà đầu tư đổ vào các quỹ đầu tư bền vững đạt 51 tỷ USD, tăng lên mức cao kỷ lục năm thứ 5 liên tiếp.

Tiềm năng triển khai các yếu tố ESG ở Việt Nam

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do phần lớn dân số sinh sống ở các vùng trũng ven biển. Do đó, yếu tố môi trường, chữ “E” trong ESG, rõ ràng có tầm quan trọng hàng đầu.

Bên cạnh đó, các yếu tố xã hội (S) và quản trị (G) cũng ngày càng trở nên quan trọng đối với Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, Việt Nam đã có bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp chi tiết và đang trên đà đáp ứng được nhiều mục tiêu trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.

Quản trị doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng của khung tiêu chuẩn ESG. Nó đưa các quy định, quy trình, thủ tục để quản lý và dẫn dắt một tổ chức nhằm đạt được sự cân bằng lợi ích của các bên liên quan. Hiện tại, Việt Nam có những công ty đã làm rất tốt về chính sách cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhưng không nhiều.

Tại Việt Nam, đầu tư ESG tuy chưa quá phổ biến nhưng cũng không phải mới. Tháng 7/2017, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) đã giới thiệu Chỉ số phát triển bền vững Việt Nam (Substainability Index - VNSI) nhằm chọn ra 20 doanh nghiệp có thực hành ESG tốt nhất. Chỉ số này cho thấy hiệu quả đầu tư của các mã cổ phiếu bền vững, thu hút quỹ đầu tư tổ chức quốc tế hoạt động theo nguyên tắc đầu tư ESG.

Giữa bối cảnh khủng hoảng hiện tại, đầu tư bền vững có thể sẽ mang đến cho các công ty sự chuyển mình tích cực, cùng cơ hội tạo ra sự thay đổi và ổn định lâu dài. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn đang chỉ chú trọng vào tăng trưởng mà chưa tập trung nguồn lực để đầu tư việc tích hợp những yếu tố ESG vào các hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Tất nhiên, không có sự thay đổi nào là dễ dàng. Với những thiếu sót hiện nay, doanh nghiệp nên bắt đầu bằng việc tăng cường năng lực nhận biết điểm yếu cần khắc phục cũng như nâng cao nhận thức trong việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp phát triển bền vững.

Ai sẽ tạo ra sự thay đổi?

Các đơn vị kiểm toán luôn khách quan, đặt trọng tâm vào trách nhiệm và phân tích chuẩn mực sẽ là một phần lý tưởng của việc chuyển đổi này. Các kiểm toán viên biết cách đo lường và xác minh các chỉ số thúc đẩy hiệu suất, tiến hành phân tích, cũng như đưa ra các báo cáo về giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp. Những số liệu và chỉ số ấy rất quan trọng và từ đó, doanh nghiệp có thể xác định rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình.

Các công ty sẽ ngày càng tập trung vào bình đẳng xã hội, hành động vì khí hậu và đổi mới. Tuy nhiên, cách thức đo lường mỗi hoạt động lại khác nhau, tùy thuộc vào cách doanh nghiệp nhìn nhận vai trò của mình trong việc tạo ra các giá trị xã hội. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ hình thành những công ty thực sự cam kết với các vấn đề bền vững và phần còn lại chỉ muốn thu hút vốn từ nhà đầu tư.

Ở Việt Nam, báo cáo bền vững đã trở thành một trong lĩnh vực trọng tâm của một số tập đoàn. Các quỹ đầu tư như Tundra Frontier, AFC hay Dragon Capital cũng tập trung đầu tư và áp dụng 8 chỉ tiêu ESG để đánh giá cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu các tiêu chuẩn báo cáo ESG không được thiết lập rộng rãi, nhiều nhà lãnh đạo vẫn sẽ còn nghi ngờ về tính hiệu quả của nó.

Những việc doanh nghiệp cần làm

Doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức, chẳng hạn như chọn khung tiêu chuẩn phù hợp nhất với mục tiêu của tổ chức, cách đảm bảo toàn vẹn dữ liệu, hay chọn mức độ đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho việc truyền thông của các bên liên quan. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng có được câu trả lời dễ dàng, nhưng cũng còn nhiều công ty đang gặp khó khăn trong việc phát triển những phương án lâu dài. Các kiểm toán viên sẽ có thể là một phần của giải pháp. Các lãnh đạo doanh nghiệp có thể cân nhắc tham khảo các nguồn dưới đây để có thêm định hướng và góc nhìn phù hợp trong việc phát triển khung tiêu chuẩn ESG cho công ty của mình.

Đầu tiên là Nghị quyết số 136/NQ-CP của Chính phủ ban hành vào năm 2020 về phát triển bền vững đến năm 2030. Nghị quyết đặt ra các mục tiêu chung trong việc vừa duy trì phát triển kinh tế, vừa đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, bảo tồn môi trường và sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, cũng như chủ động phản ứng trước vấn đề biến đổi khí hậu.

Nguồn tham khảo tiếp theo là Tổ chức Principles for Responsible Investment (PRI), mạng lưới các nhà đầu tư quốc tế do Liên hợp quốc hỗ trợ. Các mục tiêu phát triển bền vững của PRI đã được áp dụng rộng rãi, bao gồm 17 vấn đề bền vững nghiêm trọng mà thế giới đang đối mặt. Cuối cùng là các ấn phẩm và báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và nhóm Sáng kiến Tài chính chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP FI).

Thiết lập tiêu chuẩn là một cuộc chạy marathon, chứ không phải cuộc đua nước rút và các kiểm toán viên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các phương án thực hành phù hợp. Tất nhiên, sẽ cần lắng nghe phản hồi từ thị trường để phát triển các phương pháp đánh giá, phân tích và sản phẩm mới nhằm đạt được mục tiêu bền vững. Khi đó, thái độ cũng như hành vi của các nhà đầu tư sẽ thay đổi và cần có những điều chỉnh tiếp theo.

Dù vậy, điều không thay đổi chính là sự quan tâm của các nhà đầu tư đến tính minh bạch và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Các kiểm toán viên cần biết những thách thức về tính bền vững mà doanh nghiệp đang gặp phải, từ đó linh hoạt đưa ra những đề xuất để đánh giá các hoạt động nào sẽ tạo ra nhiều giá trị và lợi ích lâu dài nhất.

Tóm lại, trong khi thế giới tiếp tục phải ứng phó với đại dịch, chúng tôi kỳ vọng sẽ được chứng kiến nhiều hơn nữa những tuyên bố mạnh mẽ của các doanh nghiệp dựa trên những nghiên cứu và giải quyết các vấn đề bền vững nghiêm trọng hiện tại. Những cam kết ấy sẽ đặt nền móng và thúc đẩy các công ty trong cộng đồng cùng thực hiện. Suy cho cùng, nếu con người và hành tinh không mạnh khỏe, chúng ta cũng sẽ không thể có được một nền kinh tế lành mạnh.

Lê Khánh Lâm
Đặc san Phát triển bền vững 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục