“Doanh nghiệp mải lo cơm áo trước mắt sẽ lắm rủi ro”

(ĐTCK) Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc VCCI cho biết như vậy trước thực trạng các doanh nghiệp Việt Nam (với 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ) chưa mấy quan tâm đến phát triển bền vững.
Phát triển bền vững là vấn đề thuộc về đạo đức kinh doanh, mà đã là đạo đức, thì còn cao hơn cả pháp luật

Với đặc thù quy mô nhỏ, có trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh còn hạn chế, phát triển bền vững là chuyện xa vời với đa phần doanh nghiệp Việt. Ông nhìn nhận gì về hiện trạng này?

Nếu doanh nghiệp chỉ mải lo cơm áo, gạo tiền, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà quên đường hướng phát triển bền vững, thì họ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thương trường ngày càng gay gắt, nhất là khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Không thể phủ nhận trình độ phát triển, cũng như bối cảnh chung của một nền kinh tế có tác động đến mức độ quan tâm cao hay thấp của cộng đồng doanh nghiệp về phát triển bền vững nói chung, lập và công khai báo cáo phát triển bền vững nói riêng. Tuy nhiên, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, kể cả những doanh nghiệp chỉ có 3 - 5 nhân sự, nhưng vẫn thể hiện được sự ấn tượng và sắc nét về phát triển bền vững thông qua chiến lược rõ ràng, cũng như những bước đi cụ thể xoay quanh lõi phát triển bền vững.

Đây là điều các doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi, chứ đừng nghĩ phát triển bền vững là chuyện của những doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ kiếm sống đã khó, quan tâm đến chuyện này làm gì cho… nặng đầu, tốn thời gian, tiền bạc mà đã nhận được ngay ích lợi đâu.

Trong bối cảnh biên giới kinh doanh trên toàn cầu ngày càng mờ đi, quy mô doanh nghiệp nhỏ hay to không quá quan trọng, vấn đề mà giới đầu tư, các cổ đông quan tâm là doanh nghiệp có vận hành và quản trị minh bạch hay không, có giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường tốt không… Việc trả lời các câu hỏi này có liên quan chặt với chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Vinh 
Ông có thể giải đáp giúp doanh nghiệp một câu hỏi mà họ đang quan tâm là: coi trọng phát triển bền vững, họ được gì?

Phát triển bền vững thường không mang lại những giá trị trong ngắn hạn, thậm chí doanh nghiệp cần biết cách hy sinh một vài lợi ích trước mắt để tạo dựng các giá trị bền vững. Thực tế chứng minh, khi đã có chiến lược và lộ trình phát triển bền vững, doanh nghiệp được đền đáp bằng nhiều phần thưởng: uy tín doanh nghiệp, năng suất và sức cạnh tranh trên thương trường đều được nâng lên. Nếu chỉ mải mê lo cho lợi ích trước mắt, với đường hướng phát triển chắp vá, doanh nghiệp không chỉ đối mặt với nhiều rủi ro hơn, mà còn có nguy cơ bị lạc hậu, đào thải khỏi thị trường mạnh hơn.

Khi doanh nghiệp quan tâm và đầu tư thỏa đáng cho lập báo cáo phát triển bền vững, họ nhận được nhiều giá trị. Đầu tiên là đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các cổ đông, nhà đầu tư về việc doanh nghiệp cần minh bạch hoạt động càng nhiều càng tốt. Bất kỳ nhà đầu tư, cổ đông nào khi muốn đầu tư vào một doanh nghiệp, điều họ quan tâm nhất là doanh nghiệp có vận hành kinh doanh minh bạch, nhất quán và chuyên nghiệp không.

Một khi báo cáo phát triển bền vững giải đáp sâu, chân thực những câu hỏi này, khi đó giá trị của doanh nghiệp gia tăng trong con mắt cổ đông, giới đầu tư. Đây là giá trị thực, chứ không phải là những dòng chữ, con số trên bản báo cáo, vì để tạo dựng được các giá trị phát triển bền vững, doanh nghiệp phải đầu tư cả về tài chính, công sức và phải trải qua một quá trình theo đuổi bền bỉ với những bước đi bài bản, cụ thể trong sản xuất - kinh doanh, cũng như ý thức minh bạch thông tin.

Thứ hai, báo cáo phát triển bền vững như một công cụ để doanh nghiệp tương tác hữu hiệu hơn với các cổ đông, nhà đầu tư, người lao động. Qua đó, giúp các đối tượng này hiểu sâu và rộng về doanh nghiệp, trên cơ sở đó có mối liên hệ gắn kết hơn, góp phần nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trong cái nhìn của giới đầu tư, thị trường, cũng như của các cấp quản lý, xã hội.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, báo cáo phát triển bền vững thực sự phản ánh hoạt động của doanh nghiệp, thể hiện những thông điệp từ tâm của người chèo lái doanh nghiệp sẽ chạm đến trái tim của người xem báo cáo, qua đó, chiếm lĩnh được tình cảm của họ. Một trong những lý do nhà đầu tư quyết định chọn mua doanh nghiệp nào đó, mua nhiều sản phẩm của doanh nghiệp, vì thông qua báo cáo phát triển bền vững, họ hiểu về doanh nghiệp, nhất là trong cách doanh nghiệp ứng xử với môi trường, người lao động… 

Thứ ba, báo cáo phát triển bền vững như một công cụ hỗ trợ doanh nghiệp quản lý rủi ro tốt hơn. Các công ty đa quốc gia trên thế giới thường thuê công ty kiểm toán độc lập xác nhận tính trung thực, khách quan của báo cáo phát triển bền vững. Trên cơ sở ý kiến của kiểm toán, cũng như thông tin phản hồi đa chiều từ các đối tượng có liên quan, doanh nghiệp sẽ nhận ra những hạn chế của mình để có những điều chỉnh kịp thời và hoàn thiện mình hơn. Trên thế giới, chẳng có doanh nghiệp nào hoàn hảo, chỉ có những doanh nghiệp hướng đến sự hoàn hảo mà thôi. Những doanh nghiệp định kỳ xây dựng và công khai báo cáo phát triển bền vững chính là đang hướng tới sự hoàn hảo.

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng của báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp trên thế giới?

Thành viên của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam có nhiều công ty đa quốc gia, nên hàng năm Hội đồng nhận được rất nhiều báo cáo phát triển bền vững của các công ty này. Do có nhiều kinh nghiệm và có nguồn lực, nên họ làm báo cáo phát triển bền vững rất chuyên nghiệp, ấn tượng. Như đã chia sẻ ở trên, không chỉ tập trung đầu tư cho khâu lập báo cáo phát triển bền vững, các công ty đa quốc gia còn thuê các công ty kiểm toán tầm cỡ toàn cầu xác nhận tính trung thực, khách quan của báo cáo phát triển bền vững.

Đây là việc quan trọng, bởi doanh nghiệp xây dựng báo cáo phát triển bền vững là chuyện của họ, còn báo cáo này có trung thực, khách quan hay không thì cần phải có đơn vị kiểm toán độc lập xác nhận. Ở Việt Nam, hiện mới chỉ có một doanh nghiệp đang niêm yết trên HOSE thuê công ty kiểm toán xác nhận báo cáo phát triển bền vững.

Tuy còn khoảng cách khá xa so với chất lượng báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp trên thế giới, nhưng chất lượng báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2015 đang tốt dần lên, nhất là một số doanh nghiệp đang niêm yết trên HOSE.

Thậm chí, có doanh nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên lần đầu tiên xây dựng báo cáo phát triển bền vững, nhưng chất lượng tương đối tốt. Nếu doanh nghiệp này tiếp tục quan tâm đầu tư và gọt giũa cách làm, thì báo cáo phát triển bền vững trong những năm tới sẽ tốt hơn… Thực tế này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm và chú trọng hơn đến lập báo cáo phát triển bền vững, vì họ nhận ra những lợi ích mà báo cáo này đem lại.

Các nước có đưa ra quy định áp đặt doanh nghiệp phải lập và công bố báo cáo phát triển bền vững không, thưa ông?

Rất nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới đều yêu cầu doanh nghiệp niêm yết phải cung cấp ra thị trường các báo cáo phi tài chính (trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…). Phát triển bền vững là vấn đề thuộc về đạo đức kinh doanh, mà đã là đạo đức, thì còn cao hơn cả pháp luật.

Gần đây, trên thế giới có xu hướng đưa ra các quy định pháp lý để định khung về xây dựng, minh bạch báo cáo phát triển bền vững. Từ năm 2006, Trung Quốc đã có nghị định buộc tất cả doanh nghiệp nhà nước phải lập báo cáo trách nhiệm xã hội hàng năm. Hay năm 2015, Liên minh châu Âu đã thông qua một đạo luật yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng từ 500 lao động trở lên phải lập báo cáo phát triển bền vững.

Từ kinh nghiệm trên, theo ông, Việt Nam có nên quy định buộc doanh nghiệp lập và công khai báo cáo phát triển bền vững, mà trước mắt là các doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn trên TTCK?

Tuy hiện tại chưa có quy định pháp lý nào mang tính ràng buộc doanh nghiệp phải lập báo cáo phát triển bền vững, nhưng họ vẫn làm vì nhận thấy đây là thông lệ quốc tế tốt, cũng như mang lại những giá trị và lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, để việc lập và công khai báo cáo phát triển bền vững đi vào nền nếp, coi đây là một trong những yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu với thế giới, Việt Nam nên tính đến việc định ra các quy định pháp lý yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ các chuẩn về lập và công khai báo cáo phát triển bền vững, mà trước hết là áp dụng đối với các doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn trên TTCK.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lần đầu tiên trong năm 2016 này, VCCI đang phối hợp với các bộ, ngành, trong đó có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai Chương trình đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bền vững 2016 thông qua sử dụng Bộ chỉ số về phát triển bền vững (Corporate Sustainability Index-CSI) để chấm điểm các doanh nghiệp. Tham gia Chương trình này, doanh nghiệp không phải tốn chi phí, không bị giới hạn về quy mô hoạt động. Hạn nộp hồ sơ kéo dài đến ngày 15/8 và lễ tôn vinh các doanh nghiệp đạt điểm cao về phát triển bền vững sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 11/2016 tại Hà Nội.

Hữu Hòe thực hiện.
Theo Đặc san Báo cáo thường niên 2016

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục