Doanh nghiệp logistics vẫn "chạy đà"

(ĐTCK) Ngành logistics được đánh giá khả quan trở lại từ cuối năm 2023, nhưng lợi nhuận quý I/2024 chưa như kỳ vọng và kế hoạch kinh doanh năm nay của các doanh nghiệp có sự phân hóa rõ nét.
Hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp trở lại, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics

Transimex kỳ vọng sẽ bứt tốc

Chia sẻ với cổ đông về tình hình các công ty thành viên kinh doanh không hiệu quả trong năm 2023, ông Bùi Tuấn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Transimex (mã chứng khoán TMS) cho biết, một số đơn vị thua lỗ như Công ty cổ phần Cảng Mipec, Công ty cổ phần Dịch vụ Vận tải và Thương mại. Trong khi đó, Công ty cổ phần Dịch vụ Logistics Thăng Long, Công ty TNHH Nippon Express (Việt Nam) có lãi, nhưng không hoàn thành kế hoạch. Đây là tình hình chung của ngành logistics Việt Nam năm 2023 - không doanh nghiệp nào đạt kế hoạch lợi nhuận. Toàn ngành gặp khó khăn về sản xuất, tất cả chuỗi cung ứng về may mặc, giày da, đồ gỗ đều bị ách tắc, kể cả hàng xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Tình hình chiến sự tại một số khu vực trên thế giới dẫn tới chi phí vận tải biển tăng vọt, khiến không ít doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, bức tranh vĩ mô dần sáng hơn kể từ cuối năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu bắt đầu nhộn nhịp trở lại, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, hạ tầng cho phát triển logistics đang được đẩy mạnh, Chính phủ quyết liệt thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông như Cao tốc Bắc - Nam, Sân bay Long Thành.

Theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam, tốc độ phát triển ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt 14 - 16%, với quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm.

Với động lực mới, Transimex đặt mục tiêu năm 2024 đạt doanh thu 2.895 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 419 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 95% so với mức thực hiện năm 2023, dù kết quả quý I không như kỳ vọng (quý I/2024, Trasimex ghi nhận 690,6 tỷ đồng doanh thu, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng do các chi phí đồng loạt tăng dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm 48%, xuống 27,3 tỷ đồng). Trong năm nay, Công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Trung tâm Logistics Vĩnh Lộc tại TP.HCM, giai đoạn 2 Kho lạnh tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, cũng như chuẩn bị cho việc khai thác dịch vụ sau khi đưa toàn bộ công trình vào sử dụng.

Theo Transimex, dự án kho lạnh tại Long An có 55.000 vị trí pallet (kệ kê hàng), lớn hơn bất kỳ kho nào của Công ty hiện nay và có 40.000 vị trí pallet ở kho đông. Kỳ vọng, hai kho lạnh này sẽ khai trương vào cuối tháng 6/2024. Dự kiến, trong năm đầu tiên đi vào vận hành, Logistics Long An sẽ đóng góp 23 tỷ đồng lợi nhuận cho Transimex.

Viettel Post thận trọng so với dự báo

Dự báo, lợi nhuận ngành cảng biển năm 2024 có thể tăng 15 - 20% so với năm 2023, nhờ sản lượng và giá cước trung bình được cải thiện.

Năm 2024, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã chứng khoán VTP) có kế hoạch áp dụng nhiều công nghệ mới như xây dựng mô hình logistics tinh gọn trực tiếp từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ, ứng dụng công nghệ robot tự hành tại các kho khai thác; đưa vào khai thác 12 đoàn tàu đường sắt nội địa Bắc - Nam và liên vận Việt - Trung, cung cấp dịch vụ vận tải, thông quan, vận chuyển container lạnh; triển khai 9 tuyến vận tải xuyên biên giới đường bộ giữa các nước ASEAN với Trung Quốc; thu hẹp mảng bán hàng (sim, thẻ điện thoại) để tập trung vào các mảng kinh doanh có biên lợi nhuận tốt hơn là chuyển phát và logistics.

Bà Nguyễn Ngọc Anh, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán KB Việt Nam dự báo, Viettel Post sẽ hưởng lợi đáng kể từ sự tăng trưởng nhanh của dịch vụ chuyển phát tại Việt Nam, do sở hữu lợi thế về quy mô với thị phần 19%, cùng hệ thống kho và bưu cục trải dài trên cả nước. Thị phần chuyển phát tính đến cuối năm nay có thể tăng lên 20 - 21%. Viettel Post còn có lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành nhờ chất lượng dịch vụ được cải thiện đáng kể sau khi đầu tư áp dụng công nghệ cao tại tất cả các trung tâm trên cả nước.

Tuy nhiên, Viettel Post vẫn thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh 2024, với mục tiêu doanh thu hợp nhất 13.189 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 370 tỷ đồng, lần lượt giảm 33% và 2,6% so với mức thực hiện năm 2023.

Gemadept và Hải An dự kiến lợi nhuận giảm

Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, lợi nhuận ngành cảng biển năm 2024 có thể tăng 15 - 20% so với năm 2023, nhờ sản lượng và giá cước trung bình được cải thiện. Các khu vực cảng nước sâu (như Lạch Huyện ở Hải Phòng và Cái Mép ở Bà Rịa - Vũng Tàu) có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.

Theo SSI Research, cạnh tranh về giá giữa các cảng trong năm nay sẽ rất khốc liệt, do các hãng tàu có lợi nhuận thấp và vẫn chịu áp lực cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, hầu hết các cảng mà đơn vị này nghiên cứu dự kiến sẽ có giá cước trung bình ổn định, nhờ nằm ở vị trí đắc địa, thậm chí một số cảng còn tăng giá cước, như Gemalink của Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán GMD).

Gemadept nhận định, năm 2024, kinh tế thế giới sẽ từng bước phục hồi, quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam dần tăng trở lại, đây là cơ hội để các doanh nghiệp dịch vụ logistics tìm lại đơn hàng, khôi phục hoạt động kinh doanh. Trong đó, Gemadept cũng được hưởng lợi từ triển vọng tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu. Thực tế, sản lượng một số tuyến qua các cảng của Công ty liên tục tăng và giá dịch vụ cảng có thể tăng do áp dụng quy định mới.

Gemadept đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án cao su ở Campuchia và các dự án bất động sản Saigon Gem, Gemadept Vientiane, nhằm tập trung vào hoạt động cốt lõi. Tuy nhiên, doanh nghiệp lo ngại về một số rủi ro như biến động thị trường nhanh và khó lường, áp lực cạnh tranh gia tăng, khó có được đối tác, dịch vụ, khách hàng mới.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam ước tính, năm 2024, Gemadept có thể đạt doanh thu 4.197 tỷ đồng, tăng 9%, trong đó doanh thu từ khai thác cảng chiếm phần lớn với 3.158 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2023. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế năm nay dự kiến đạt 1.301 tỷ đồng, giảm 28% so với năm ngoái.

Thực tế, kết thúc quý I/2024, Gemadept lãi sau thuế gần 656 tỷ đồng, tăng 157%, nhưng nguyên nhân là nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến lên gần 354 tỷ đồng, gấp 17 lần so với cùng kỳ năm 2023 (chủ yếu đến từ lãi chuyển nhượng Cảng Nam Hải). Nếu xét riêng hoạt động kinh doanh chính thì lợi nhuận của Công ty trong quý đầu năm 2024 giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt gần 292 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Hải An, mã chứng khoán HAH) dự kiến, năm 2024 đạt lợi nhuận sau thuế 290 tỷ đồng, giảm gần 25% so với mức thực hiện năm 2023, bởi lo ngại nguồn cung sức chở tăng, trong khi nhu cầu chưa phục hồi và bất ổn địa chính trị từ những điểm nóng trên thế giới dẫn tới rủi ro đứt gãy các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng.

Định hướng của Hải An là mở thêm các tuyến vận tải container trong nước, triển khai tuyến vận tải Việt Nam - Singapore đã ký thoả thuận với hãng tàu ONE, nghiên cứu mở tuyến Đông Bắc Á, tiếp tục tìm thêm nguồn vốn để phục vụ kế hoạch đóng mới và đầu tư thêm tàu khi có cơ hội.

Quý I/2024, Hải An ghi nhận lợi nhuận sau thuế 47,3 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm 2023 và là quý có lợi nhuận thấp nhất trong 13 quý gần nhất. Doanh nghiệp cho biết, trong quý I năm nay, sản lượng vận tải tăng do mở thêm tuyến vận tải, nhưng giá cước và giá cho thuê tàu giảm, dẫn tới lợi nhuận hoạt động khai thác tàu ở mức thấp. Ngoài ra, kết quả hoạt động kinh doanh của công ty con, công ty liên kết kém khả quan.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục