Lãnh đạo doanh nghiệp (đề nghị không nêu tên) cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, nhất là tại các thị trường lớn như EU và Mỹ, ngành dệt may bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều khách hàng lớn đề nghị giãn, hoãn đơn hàng. Tình hình khó khăn như vậy, nhưng do yêu cầu vẫn cần đảm bảo tính liên tục trong chuỗi cung ứng dệt may, buộc doanh nghiệp phải áp dụng giải pháp trên. Ban lãnh đạo công ty cũng không muốn sa thải hàng loạt nhân công nên sẽ áp dụng giải pháp tất cả cùng chia sẻ khó khăn, cùng giảm thu nhập để cùng ở lại.
“Cực chẳng đã, song chúng tôi buộc phải làm vậy để duy trì dòng tiền, mong các đối tác chia sẻ, tiếp tục đồng hành và đảm bảo cung cấp hàng hóa và dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất cho doanh nghiệp được đúng thời gian và kịp thời”, vị này cho biết.
Tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco (AST), doanh thu của Công ty chủ yếu dựa vào số lượng hành khách, nên dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến Công ty. AST ước tính lợi nhuận giảm 50%, thậm chí lỗ trong năm nay tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh.
Dù không vay nợ, AST đã sớm triển khai một số biện pháp cắt giảm chi phí, bao gồm cả việc đàm phán với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để giảm chi phí thuê mặt bằng.
Trong kịch bản dịch bệnh dự kiến sẽ kết thúc vào nửa đầu năm 2020 và không có những phản ứng dây chuyền về chậm thanh toán, nợ khó đòi, ACV được dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 13.200 tỷ đồng và 4.100 tỷ đồng, giảm lần lượt 27,6% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trao đổi về câu chuyện này, tổng giám đốc một công ty chứng khoán nhận định, rất có thể phương án chia cổ tức 2019 của nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ phải điều chỉnh tại mùa đại hội đồng cổ đông năm nay.
Thay vì cổ tức bằng tiền, doanh nghiệp có thể sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc điều chỉnh giảm tỷ lệ cổ tức để duy trì tiền mặt “phòng xa”.
Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS Bluescope Việt Nam cho biết, việc sụt giảm doanh số trong ngắn hạn là hiển nhiên. Ðể đảm bảo dòng tiền, Công ty dự kiến cắt giảm một số chi phí sao cho không ảnh hưởng nhiều tới người lao động và khách hàng như chi phí marketing, tổ chức sự kiện, những hoạt động không thường xuyên...
“Trong khủng hoảng, vấn đề dòng tiền rất quan trọng. Doanh nghiệp cần lưu ý quản lý dòng tiền thật tốt, bao gồm nợ từ phía khách hàng, thanh toán cho nhà cung cấp... Doanh nghiệp cũng cần chiến lược đảm bảo bản cân đối kế toán tốt, tính toán lại danh mục đầu tư trên tinh thần thận trọng”, ông Nhựt khuyến nghị và nhấn mạnh các lãnh đạo doanh nghiệp cần cẩn trọng trong việc sử dụng vốn vay, nhất là vay dài hạn trong thời điểm này.
Bên cạnh tìm kiếm chia sẻ từ các đối tác, doanh nghiệp hiện đang trông chờ vào các giải pháp giãn hoãn thuế, chậm nộp bảo hiểm xã hội, cho phép giãn hoãn nợ ngân hàng. Ðược biết, tuần qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Dự thảo Nghị định quy định, các doanh nghiệp trong diện hỗ trợ sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng (GTGT) phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II năm 2020 (đối với trường hợp kê khai theo quý).
Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Ðồng thời, gia hạn 5 tháng thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước và số thuế tạm nộp của quý I, quý II năm 2020.
Ước tính của Bộ Tài chính cho biết, số tiền tiền hoãn, giãn nộp thuế lên tới hơn 80.000 tỷ đồng.
Khủng hoảng đang gây ra sự đứt gãy liên kết, thiếu nguồn nguyên liệu, thiếu đơn hàng, giảm tiêu thụ tại hàng loạt doanh nghiệp thì việc kết nối lại càng quan trọng.
Chia sẻ nguồn lực, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, cùng nhau tồn tại và tạo tiền đề cho mối liên kết mạnh mẽ hơn trong tương lai là quan điểm được lãnh đạo các doanh nghiệp thống nhất trong bản báo cáo cập nhật tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty gửi tới Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới đây.