Số liệu thống kê cho thấy, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại trong 9 tháng đầu năm rất khả quan. Tính chung 9 tháng, cả nước có 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 629,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% về số doanh nghiệp và tăng 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đó, 9 tháng năm nay, có 20.510 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên gần 102.000 doanh nghiệp.
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, điều này cho thấy khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới. Bà Minh cho rằng, sự khởi sắc trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ là một trong những động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế không chỉ trong những tháng cuối năm mà trong cả thời gian tới.
Đáng chú ý, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, xu hướng gia nhập thị trường của các khu vực doanh nghiệp trong 9 tháng qua là lành mạnh và tích cực, khi hầu hết các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đều đi vào sản xuất kinh doanh ngay sau khi thành lập. Đặc biệt, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong nhiều ngành mũi nhọn tăng mạnh cả về số lượng và số vốn đăng ký. Chẳng hạn, số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng lần lượt 99,1% và 242,5%; thông tin và truyền thông tăng 14,5% và 173,9%; sản xuất, phân phối điện, nước, gas tăng 19,2% và 113,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,1% và 110,7%;…
“Việc một lượng vốn rất lớn của hầu hết trong số hơn 80.000 doanh nghiệp thành lập mới đều được đưa vào lưu thông ngay và đầu tư cho sản xuất kinh doanh đã tác động rất tích cực tới toàn bộ nền kinh tế, thể hiện trong sự tăng trưởng GDP tháng 9. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập đều đầu tư nhà xưởng, thiết bị, máy móc, mua nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, đồng thời đầu tư trụ sở, mua sắm trang thiết bị cho hoạt động điều hành nên cũng góp phần gia tăng điểm trong chỉ số sản xuất kinh doanh các ngành nói chung”, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Hệ thống Tài khoản quốc gia nhận định.
Cùng với sự khởi sắc trong hoạt động gia nhập thị trường của doanh nghiệp, kết quả điều tra về triển vọng kinh doanh cuối năm của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh nghiệp nhìn nhận khá tích cực về triển vọng kinh doanh cuối năm. Theo đó, có 80,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III ổn định và tốt hơn quý trước, trong khi chỉ có 19,7% đánh giá còn gặp khó khăn.
Đáng chú ý, triển vọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong quý IV cũng được doanh nghiệp đánh giá một cách lạc quan. Theo đó, có tới có 85,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV sẽ ổn định và tốt lên, chỉ có 14,4% dự báo khó khăn hơn. Hơn 45,6% số doanh nghiệp dự kiến có số đơn đặt hàng trong quý IV cao hơn quý trước đó và 41% dự kiến có đơn hàng ổn định. Trong đó, số DN cho biết có đơn hàng xuất khẩu ổn định và tăng hơn so với quý III lên tới 85% số DN tham gia điều tra.
Xu hướng sử dụng lao động có chiều hướng tăng lên trong quý IV khi có 91,3% số doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng hoặc giữ ổn định quy mô lao động so với quý III.