Doanh nghiệp khởi nghiệp là đối tượng có rủi ro tín dụng cao

Cứ 10 doanh nghiệp khởi nghiệp thì chỉ có 2 doanh nghiệp thành công sau 3 năm, 8 doanh nghiệp còn lại gặp khó khăn về vốn, thị trường…
Hiện nay, cứ 10 doanh nghiệp khởi nghiệp thì chỉ có 2 doanh nghiệp thành công. (Ảnh minh họa: KT)

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam có hơn 90 triệu dân nhưng mới chỉ có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động.

Phần lớn các doanh nghiệp này đang ở giai đoạn khởi đầu, còn hạn chế về năng lực, mô hình kinh doanh và thiết kế sản phẩm.

Hiện các doanh nghiệp khởi nghiệp mới chỉ tập trung ở một số ngành nghề, chưa có các sản phẩm sáng tạo mang tính đột phá, tính công nghệ và khả năng bùng nổ đều hạn chế.

Phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp có xu hướng sao chép nhiều hơn là mang tính sáng tạo mới. Đây là những khó khăn để doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội,  hiện nay cứ 10 doanh nghiệp khởi nghiệp thì chỉ có 2 doanh nghiệp thành công sau 3 năm, 8 doanh nghiệp còn lại gặp khó khăn về vốn, thị trường cũng như cơ chế chính sách.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái cho khởi nghiệp còn hạn chế, thị trường vốn cho khởi nghiệp chưa hình thành đồng bộ, còn mang tính chất manh mún, tự phát, chưa có sự kết nối như 1 hệ thống hùng mạnh để yểm trợ cho các nhà khởi nghiệp.

Hơn nữa, các doanh nghiệp khởi nghiệp mới chỉ tập trung vào việc phát triển sản phẩm. Trong khi để đưa được sản phẩm ra thị trường thì cần có tổ chức tài chính hỗ trợ nguồn vốn đủ mạnh.

Lý giải vì sao các doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, ông Tạ Việt Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm Khách hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Khối khách hàng doanh nghiệp ngân hàng Vietinbank cho biết, loại hình doanh nghiệp này còn quá non trẻ, chưa có lịch sử hoạt động để các ngân hàng có cơ sở đánh giá, phương án kinh doanh chưa khả thi, đây là đối tượng có rủi ro tín dụng cao và chưa có đủ điều kiện tài sản đảm bảo.

Ông Bắc cho rằng, để nhận được vốn đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có kế hoạch chi tiết về sử dụng vốn, kế hoạch kinh doanh thật kỹ càng cho các nhà đầu tư.

Nếu không có được những yếu tố này, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy e ngại khi đầu tư vào những công ty non trẻ như các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Vai trò của nhà đầu tư trong giai đoạn đầu đối với các công ty khởi nghiệp là rất quan trọng. Nếu không có giai đoạn này thì họ rất khó để tiếp cận với các nguồn vốn lớn hơn trong tương lai.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo chương trình khởi nghiệp quốc gia đánh giá, khả năng hiện thực hóa của nhiều dự án khởi nghiệp tại Việt Nam chưa cao.

Nguyên nhân một phần do tính thực hành trong đào tạo về công nghệ còn hạn chế, cho nên khi hình thành các dự án khởi nghiệp thì hầu hết tính thực tiễn không cao.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng của các dự án khởi nghiệp, cần có cải cách quan trọng trong hệ thống đào tạo, tăng cường tính thực tiễn của hệ thống giáo dục thì sẽ mang lại kiến thức bổ ích cho các nhà khởi nghiệp, từ đó có thể đưa ra những dự án có tính thực tiễn cao hơn.

Ông Lộc kỳ vọng, với các chính sách dành cho khởi nghiệp sắp tới sẽ tạo  niềm tin, tạo động lực cho các nhà đầu tư thiên thần, cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc biệt cho các doanh nghiệp dẫn đầu trong nền kinh tế, bởi đây là nguồn cung ứng vốn đầu tư đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục