Doanh nghiệp hưởng lợi khi tham gia CISG

(ĐTCK-online) "Khi Việt Nam gia nhập Công ước Viên 1980 (CISG), các DN có thể tiết kiệm chi phí và tránh được các tranh chấp trong việc lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng". Đó là một trong những lợi ích của việc tham gia CISG được ông Trần Hữu Huỳnh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khuyến cáo tại cuộc tọa đàm do VCCI tổ chức tại Hà Nội sáng 11/5.
Hầu hết các DN ngành gỗ chưa thấy sự cần thiết của việc tham gia CISG. Hầu hết các DN ngành gỗ chưa thấy sự cần thiết của việc tham gia CISG.

Sớm tham gia CISG

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ 26 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia bán gỗ cho Việt Nam chưa tham gia CISG như Lào, Campuchia, Malaysia, Nam Phi... Ngược lại, các nước nhập khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng còn nhiều quốc gia chưa phải là thành viên của CISG. Vì vậy, trong quá trình thương thảo hợp đồng mua bán hàng hóa giữa DN Việt Nam và đối tác nước ngoài hầu như không vận dụng đến CISG. Đó là một thực tế và không chỉ trong ngành lâm sản, hiện các DN ở nhiều ngành khác cũng còn khá xa lạ với CISG.

Theo Ủy ban Tư vấn về chính sách thương mại quốc tế của VCCI, trong quá trình hội nhập và phát triển, việc tham gia vào các điều ước quốc tế song phương và đa phương là tất yếu đối với Việt Nam, đặc biệt là các điều ước quốc tế trong lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây trong báo cáo do Trung tâm Thương mại quốc tế ITC thực hiện, mức độ tham gia của Việt Nam vào các điều ước quốc tế đa phương quan trọng có ảnh hưởng đến thương mại còn thấp hơn mức trung bình trong khu vực và trên thế giới.

TS. Nguyễn Minh Hằng, Đại học Ngoại thương, nhận xét, mặc dù đã có những bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam vẫn cần tăng cường tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong lĩnh vực thương mại.

"CISG về mua bán hàng hóa quốc tế là một trong số các điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất mà Việt Nam được khuyến nghị phê chuẩn trong thời gian sớm nhất có thể", TS. Hằng nhấn mạnh.

 

Lợi ích kinh tế và pháp lý

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia thống nhất nhận định, việc gia nhập CISG về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sẽ đem lại cho Việt Nam những lợi ích rất đáng kể, bao gồm cả các lợi ích kinh tế (đứng từ góc độ DN) và lợi ích về pháp lý (đứng từ góc độ hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật).

Cụ thể, khi Việt Nam trở thành thành viên của CISG, các thương nhân Việt Nam và các đối tác của họ tại 74 quốc gia khác trên thế giới sẽ có một khung pháp lý thống nhất, được áp dụng một cách tự động cho hợp đồng của mình. Các DN Việt Nam khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nhờ vậy sẽ tránh được một vấn đề luôn gây tranh cãi và khó khăn trong đàm phán, đó là vấn đề lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng.

TS. Hằng cho rằng, nếu tránh được vấn đề này, các DN sẽ có thể giảm bớt chi phí và thời gian đàm phán; giảm bớt các khó khăn và chi phí có thể phát sinh do luật được lựa chọn để áp dụng cho hợp đồng là luật nước ngoài; đồng thời tránh được việc phải sử dụng đến quy phạm xung đột trong tư pháp quốc tế sẽ xác định luật áp dụng cho hợp đồng.

"Cần phải nhấn mạnh rằng, những lợi ích nói trên có ý nghĩa rất lớn đối với các DN vừa và nhỏ khi tham gia vào các hoạt động kinh doanh quốc tế, vì những DN này ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp lý, cũng như có ít thế và lực trong vấn đề đàm phán lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng", bà Hằng nhấn mạnh.

Cũng từ việc Việt Nam tham gia CISG, DN Việt Nam sẽ có được một khung pháp lý hiện đại, công bằng, an toàn để thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và có căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp phát sinh, từ đó có điều kiện cạnh tranh sòng phẳng hơn trên trường quốc tế.

 

Cảnh báo

"Qua các phân tích trên, có thể khẳng định, Việt Nam không nên đứng ngoài một công ước có nhiều lợi ích thiết thực, đã được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực thương mại quốc tế", ông Huỳnh nói và cho biết, không có gì ngạc nhiên khi ngay thời điểm CISG có hiệu lực năm 1988, đã có nhiều đề xuất, kiến nghị từ phía các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về việc Việt Nam gia nhập CISG.

Theo ông Huỳnh, những kiến nghị này đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Vì vậy, Việt Nam gia nhập CISG càng sớm, các DN và nền kinh tế càng nhanh được lợi từ công ước này. Tuy nhiên, ông Huỳnh và nhiều chuyên gia khác cũng cảnh báo, việc tham gia CISG nhất thiết cần được tiến hành với lộ trình cụ thể, với nghiên cứu kỹ càng, song song với việc nâng cao nhận thức của DN, các cơ quan thực thi pháp luật..., để đảm bảo Việt Nam có thể thu nhận lợi ích tốt nhất từ việc tham gia CISG.

Minh Nhật
Minh Nhật

Tin cùng chuyên mục