Doanh nghiệp “họ” Vicem lao đao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Doanh nghiệp ngành xi măng vẫn đối mặt với khó khăn kéo dài, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) và các công ty thành viên đều ghi nhận lợi nhuận âm.
Tồn kho xi măng tăng cao do sức cầu tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu đều yếu Tồn kho xi măng tăng cao do sức cầu tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu đều yếu

Tiêu thụ chậm, giá bán giảm mạnh

Theo Bộ Xây dựng, ước tính 6 tháng đầu năm xuất khẩu clinker đạt 5,4 triệu tấn, gần bằng cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản lượng sản xuất clinker và xi măng toàn quốc trong nửa đầu năm đạt khoảng 44 triệu tấn xi măng, tương đương cùng kỳ năm 2023 và chỉ đạt khoảng 70 - 75% tổng công suất thiết kế. Tồn kho lũy kế khoảng 5 triệu tấn xi măng và clinker, dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước khoảng 50 triệu tấn.

Giá xuất khẩu xi măng và clinker đang sụt giảm mạnh. Nếu như năm 2022, giá FOB xuất khẩu trung bình với clinker và xi măng lần lượt là 46 - 48 USD/tấn và 51 - 53 USD/tấn thì ở thời điểm tháng 5/2024 đã tụt xuống mức 31 - 32 USD/tấn đối với clinker và 38 - 48 USD/tấn đối với xi măng. Riêng xi măng rời giá chỉ còn khoảng 36 - 37 USD/tấn.

Trung Quốc - thị trường xuất khẩu xi măng, clinker lớn của Việt Nam - giảm nhập khẩu xi măng là nguyên nhân chính khiến bức tranh xuất khẩu xi măng của ngành xi măng ảm đạm. Ngoài ra, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, một số nước nhập khẩu xi măng, clinker của Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước với hàng rào kỹ thuật thương mại. Trong đó, Philippines là thị trường nhập khẩu lớn nhất nhưng lại tiếp tục áp thuế chống bán phá giá tạm thời với xi măng Việt Nam. Một số thị trường khó tính như châu Âu thực hiện cơ chế giảm phát thải khí các-bon nên việc mở rộng thị trường gặp khó khăn.

Thị trường nước ngoài gặp khó, thị trường trong nước cũng đối diện nhiều thách thức. Bộ Xây dựng cho biết, do tình hình thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng vẫn rất khó khăn, giá vật liệu, nhiên liệu biến động tăng, tỷ giá ngoại tệ tăng cao, cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhất là vật liệu xây dựng. Các doanh nghiệp trong ngành sản xuất cầm chừng, kinh doanh thua lỗ, nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch được giao.

Thua lỗ lớn

Sáu tháng đầu năm 2024, Vicem thua lỗ 863 tỷ đồng.

Sáu tháng đầu năm 2024, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) thua lỗ đến 863 tỷ đồng. Trước đó, năm 2023, Vicem ghi nhận doanh thu đạt 24.006 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022; lỗ sau thuế hơn 1.129 tỷ đồng.

Lãnh đạo Vicem cho biết, năm 2023 là năm khó khăn chưa từng thấy của ngành xi măng. Nhu cầu tiêu thụ xi măng thấp, sản lượng tiêu thụ của toàn Tổng công ty sụt giảm, làm tăng chi phí cố định trên tấn sản phẩm, giá thu về giảm. Khó khăn ấy tiếp tục kéo dài sang năm 2024. Vicem là doanh nghiệp ghi nhận thua lỗ lớn nhất trong khối các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng trong 6 tháng đầu năm nay.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng dịch chuyển từ xi măng bao sang xi măng rời ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng tiêu thụ của Vicem với các thương hiệu gắn liền với xi măng bao. Vicem hiện đang quản lý 10 nhà máy trên cả nước với 16 dây chuyền sản xuất, công suất 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng mỗi năm. Một số nhà máy xi măng nổi tiếng như Hà Tiên, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hải Phòng, Hoàng Mai… Tuy nhiên, một số đơn vị thuộc Vicem hoạt động kém hiệu quả.

Chẳng hạn, năm 2023, Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (mã chứng khoán BCC) ghi nhận doanh thu hơn 3.081 tỷ đồng và thua lỗ 205 tỷ đồng. Năm nay, dù đặt mục tiêu doanh thu tăng nhẹ, lên mức 3.095 tỷ đồng, song kế hoạch lợi nhuận sau thuế của Xi măng Bỉm Sơn vẫn là con số âm 158,8 tỷ đồng.

Quý I/2024, Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận doanh thu thuần 690 tỷ đồng, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ hơn 49 tỷ đồng. Đây là quý thứ 7 liên tiếp thua lỗ của Công ty. Công ty vẫn gặp các khó khăn, thách thức, đặc biệt là áp lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường xi măng trong nước dư thừa nguồn cung ở mức báo động, nhiều nhà máy sản xuất xi măng phải giảm công suất hoặc dừng lò nung để hạn chế tồn kho. Ngoài ra, giá nguyên, nhiên liệu vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tiếp tục duy trì ở mức độ cao.

Tại Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên (Vicem Hà Tiên, mã chứng khoán HT1), kết thúc quý I, Công ty thua lỗ 25 tỷ đồng; doanh thu sụt giảm gần 12%, về còn 1.495 tỷ đồng. Tuy nhiên, sản lượng của Vicem Hà Tiên được kỳ vọng phục hồi từ quý II khi ngành bất động sản ấm dần lên và hoạt động xây dựng phục hồi. Từ năm 2025, kết quả kinh doanh của HT1 được nhận định sẽ khả quan hơn và có tăng trưởng. SSI Research dự phóng doanh thu năm 2024 của HT1 ước đạt 7.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 115 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và tăng 542% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có kết quả giống bức tranh chung của các doanh nghiệp trong ngành, Công ty cổ phần Xi măng Bút Sơn (mã chứng khoán BTS) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý I/2024, với lợi nhuận sau thuế âm 55 tỷ đồng và doanh thu đạt 514 tỷ đồng, giảm 21% so với thực hiện của cùng kỳ năm ngoái.

Năm nay, Xi măng Bút Sơn đặt kế hoạch doanh thu tăng 3,4% so với năm ngoái, lợi nhuận âm 110 tỷ đồng (năm ngoái lỗ 96 tỷ đồng). Khó khăn vẫn còn hiện hữu đối với doanh nghiệp này.

Trong bối cảnh kinh doanh đầy khó khăn, thách thức, Vicem lên mục tiêu tổng doanh thu năm nay đạt 29.814 tỷ đồng nhưng không đưa ra mục tiêu về lợi nhuận. Với việc 6 tháng đầu năm thua lỗ nặng, việc đưa lợi nhuận của Vicem về số dương trong năm nay là một bài toán khó. Vicem lên kế hoạch sản xuất 17,03 triệu tấn clinker, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng sản lượng tiêu thụ 24,31 triệu tấn, tăng 7,7% so với năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa đạt 18,57 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2023.

Chi phí đầu vào tăng cao trong khi sản lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sụt giảm dẫn đến cung vượt cầu, doanh nghiệp xi măng đang đối diện với giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử. Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế để bảo đảm tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu, việc điều chỉnh này cũng đồng thời phù hợp với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về việc không đánh thuế xuất khẩu hàng hoá. Hiện thuế xuất khẩu clinker đang là 10%, được kiến nghị đưa về 0% nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành xi măng.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục