Doanh nghiệp hiến kế để du lịch đón “mùa vàng”

0:00 / 0:00
0:00
Để ngành kinh tế xanh thực sự cất cánh khi mở cửa lại du lịch, các doanh nghiệp hàng không, du lịch đã có nhiều đề xuất, hiến kế với Chính phủ và các bộ, ngành.
Để mở cửa du lịch quốc tế, các doanh nghiệp kiến nghị thủ tục càng đơn giản càng tốt Để mở cửa du lịch quốc tế, các doanh nghiệp kiến nghị thủ tục càng đơn giản càng tốt

Khó kết nối lại thị trường

Cánh cửa du lịch Việt Nam đã mở toang với những chính sách được cho là không thể thông thoáng hơn. Điều đó cho thấy quyết tâm cao và kỳ vọng lớn lao của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cùng các bộ, ngành liên quan đối với việc phục hồi và thúc đẩy ngành kinh tế xanh bứt phá.

Tuy nhiên, sau 2 năm du lịch quốc tế đóng băng, khi tái khởi động, doanh nghiệp khó trăm bề. Theo ông Phạm Hải Quỳnh, CEO Công ty Vân Hải Xanh, nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp lữ hành hiện nay là cần nhiều thời gian, nguồn lực và không dễ để kết nối lại với các đối tác cũng như tìm kiếm thị trường, bởi nhiều đối tác của họ tại nước ngoài vẫn đóng cửa hoặc chuyển sang lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour cần khảo sát, đánh giá lại toàn bộ sản phẩm, dịch vụ thì mới có thể thiết kế tour, do lữ hành phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến, trong khi nhiều cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng bị xuống cấp, nhà hàng đóng cửa…

Đặc biệt, muốn bán được sản phẩm, bắt buộc phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, thông tin tới đối tác, khách hàng, nhưng nguồn lực của các hãng lữ hành lại đang kiệt quệ. Mặt khác, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, châu Á đã đi trước trong việc mở cửa du lịch, do vậy, họ có lợi thế hơn bởi đã có độ phủ truyền thông khá rộng về chính sách, thủ tục, giá cả…

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, để sớm đón được du khách quốc tế, cần ưu tiên tiếp cận các thị trường có đường bay ngắn, chính sách cởi mở, có nhiều ưu đãi để quảng bá sản phẩm.

Thay vì chờ đợi các chương trình xúc tiến tại nước ngoài, Việt Nam cũng cần chủ động tổ chức các chương trình Presstrip, Famtrip cho báo chí, doanh nghiệp du lịch nước ngoài sang Việt Nam để họ trực tiếp cảm nhận, đánh giá độ mở cửa của chúng ta. Đây là cách truyền thông nhanh nhất, hiệu quả nhất.

“Việc nối lại thị trường gặp vô vàn khó khăn khi các hội chợ du lịch quốc tế cũng chưa được mở lại để tìm kiếm đối tác mới, vì thế nguồn khách từ đối tác là rất hạn chế. Đặc biệt, đội ngũ nhân lực phụ trách công tác tiếp thị và kinh doanh các thị trường quốc tế đã nghỉ và chuyển sang các ngành nghề khác để mưu sinh, nên giờ không có nhân sự để làm việc. Ngoài ra, nhiều thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn chưa mở lại du lịch, xung đột Nga - Ukraine gây khó khăn cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel chia sẻ.

Nhận định về giá tour du lịch quốc tế đến Việt Nam và đưa du khách Việt Nam đi nước ngoài, ông Tài cho rằng, giá sẽ tăng hơn trước, bởi hiện mới chỉ có một số ít hãng hàng không mở lại đường bay, số chỗ trống còn nhiều, do đó, chưa tạo cạnh tranh về giá vé.

Mở lại các khu vui chơi, giải trí như trước dịch

Đối với thị trường outbound, ông Phùng Gia Tuấn, CEO Công ty Khám phá Mỹ cho biết, hiện du khách vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu thông tin.

“Trong khi thông tin thị trường vẫn khá mù mờ, cả doanh nghiệp và du khách đều không nên nôn nóng bởi tiềm tàng nhiều rủi ro”, ông Tuấn nói và cho biết, doanh nghiệp này đang lên kế hoạch tổ chức chương trình Famtrip Mỹ cho các doanh nghiệp lữ hành khu vực miền Trung, nhưng nhanh nhất cũng phải đến đầu tháng 9 mới có thể khởi hành.

Vấn đề lo ngại nhất của ông Tuấn cũng như nhiều doanh nghiệp tổ chức tour đi Mỹ hiện nay là trường hợp không may khách nhiễm Covid-19 thì thủ tục cách ly, điều trị ra sao, chi phí như thế nào, bởi chi phí cho những vấn đề này tại Mỹ cực kỳ đắt đỏ, nhất là với những trường hợp không nằm trong hệ thống bảo hiểm của nước này.

Để hấp dẫn du khách quốc tế, bà Trần Nguyện, Trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Sun Group đề xuất Chính phủ, Bộ Ngoại giao tiếp tục nghiên cứu, cho phép 15 quốc gia thị trường nguồn có khách đến Việt Nam nhiều nhất được kéo dài thời hạn tạm trú tại Việt Nam từ 15 lên 30 ngày, bởi hiện nay du khách châu Âu, Australia và nhiều thị trường khách có xu hướng du lịch dài ngày, trung bình lên tới 21 ngày. Bên cạnh đó, đại diện Sun Group đề xuất Bộ Ngoại giao đàm phán song phương với các quốc gia thị trường chiến lược như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, châu Âu, Mỹ… để cùng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách du lịch lẫn nhau.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đông Hòa, Phó tổng giám đốc Saigontourist Group đề xuất, Tổng cục Du lịch quan tâm đến việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm và quảng bá du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện) ra quốc tế. Trong giai đoạn 2021-2022, đây sẽ là dòng sản phẩm giúp ngành kinh tế xanh thu hút lượng lớn du khách quốc tế với doanh thu cao.

Về quảng bá, xúc tiến, ông Hòa kiến nghị Tổng cục Du lịch có nghiên cứu, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng. Từ đó, có kế hoạch cụ thể với các mốc thời gian, sự kiện ở từng thị trường trọng điểm để các doanh nghiệp, địa phương góp sức giúp công tác quảng bá du lịch đến đúng đối tượng mục tiêu và đạt hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt, muốn đón du khách, ông Hòa mong muốn Chính phủ cùng các bộ, ngành, chính quyền địa phương cho phép mở lại tất cả các khu vui chơi giải trí, nhà hàng như trước dịch.

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục