Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ĐBSCL là khu vực có tiềm năng rất lớn, có điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, nông thủy sản và du lịch cũng như là vựa lúa của cả nước, chiếm tới 70% sản lượng cung cấp trái cây và hơn 60% lượng thủy sản của cả nước.
ĐBSCL cũng là vùng tiếp giáp, gúp các doanh nghiệp (DN) thâm nhập vào thị trường Campuchia và xa hơn là Thái Lan.
Tuy nhiên, kết quả thu hút nguồn lực của ĐBSCL, nhìn chung vẫn rất khiêm tốn do thiếu nguồn vốn đầu tư tại chỗ, nguồn vốn đầu tư nước ngoàì đã thu hút chỉ đạt hơn 18 tỷ USD, tức bằng 6,2% của cả nước; lượng vốn ODA chỉ đạt khoảng 4 tỷ USD, bằng 6,7% của cả nước. Kết quả sản xuất công nghiệp và thương mại cũng còn hạn chế. Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ, đời sống dân sinh cũng chưa phát triển như mong muốn.
Cũng theo nhận định của Ban, DN ĐBSCL ít xuất hiện tại thị trường Hà Nội còn do khoảng cách xa xôi về địa lý, làm giảm sức hấp dẫn của sản phẩm địa phương, nhất là đối với hàng nông, thủy sản.
Nguyên nhân là do cước phí cao, khả năng đóng gói, vận tải và tồn trữ hạn chế; thiếu sự kết nối giữa các DN sản xuất và phân phối.
Về lĩnh vực du lịch, ông Hà Văn Siêu, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng hiệu quả khai thác, phát triển dịch vụ du lịch của ĐBSCL còn khiêm tốn, thể hiện qua nhiều loại dịch vụ, sản phẩm na ná như nhau nên khó lưu giữ, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Để tận dụng thế mạnh của ĐBSCL,Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định Hà Nội, với vai trò và vị thế là Thủ đô, đại diện cho khu vực phía Bắc sẵn sàng hợp tác, giao thương và mở rộng hoạt động đầu tư với các tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL thông qua việc hợp tác, hỗ trợ các địa phương bạn trong đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi thông tin thị trường, giới thiệu nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu khẳng định DN Hà Nội mong muốn tiêu thụ hàng hóa có thế mạnh của ĐBSCL, hợp tác trong việc nâng cao hiệu quả, phổ biến giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo ông Sửu, hai bên cần tập trung rà soát thế mạnh, các sản phẩm tiêu biểu nhằm đẩy mạnh giao thương, nhân rộng các mô hình hợp tác phù hợp; hỗ trợ nhau trong quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu; trao đổi giống cây trồng vật nuôi và nâng cao năng lực quản lý để phối hợp nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới.