Doanh nghiệp giữ vững nhịp độ sản xuất tại tâm dịch

Dù đang phải đối diện với khó khăn khi phải vừa sản xuất vừa bảo đảm yêu cầu chống dịch, nhưng cả doanh nghiệp và người lao động đều đang vững tin để bảo đảm nhịp độ sản xuất.
Công ty Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công đảm bảo vừa sản xuất vừa phòng dịch.

Từ nhiều ngày nay, các doanh nghiệp trên địa bàn quận Tân Phú, TP.HCM vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”.

Đó là sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Đồng thời đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trong thời điểm này được thẩm định yếu tố phòng, chống dịch Covid-19 một cách chặt chẽ. Toàn bộ người lao động trong các doanh nghiệp được đo thân nhiệt mỗi ngày.

Cùng với đó xây dựng các phương án phòng, chống dịch khi có xảy ra các trường hợp F0 trong doanh nghiệp để ứng phó kịp thời.

Theo đánh giá của đoàn công tác của Bộ Y tế ở một số doanh nghiệp lớn Tân Phú như Công ty VIFON; Công ty CP Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công cho thấy các cơ sở đều đã thực hiện các hướng dẫn của ngành Y tế về phòng dịch.

Việc sát khuẩn, khai báo y tế áp dụng từ cổng doanh nghiệp. Các khu vực nhà ăn, nhà vệ sinh, khu vực ngủ, nghỉ đều có các hướng dẫn phòng, chống Covid-19.

Đại diện Công ty Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công cho biết, phương án 3 tại chỗ được doanh nghiệp huy động 1.800 lao động trong tổng số 4.400 lao động đang làm việc.

Doanh nghiệp đã bố trí việc nghỉ lại cho công nhân ở các tòa nhà văn phòng. Ngoài ra, còn lấy xưởng may không sản xuất để bố trí cho công nhân ngủ, nghỉ.

Công ty cũng sẽ đổi hoạt động thành 2 ca. Cứ ca này làm thì ca kia nghỉ. Thực hiện giãn cách, trang bị sát khuẩn đầy đủ. Đảm bảo cứ 12 người có 1 nhà vệ sinh, nhà tắm.

Công ty Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công có phòng khám đa khoa với khoảng 60 y bác sĩ nên thực hiện công tác phòng dịch rất tốt. Những ngày dịch này phòng khám sẽ test nhanh Covid-19.

Người lao động trước khi vào xưởng đều được test nhanh Covid-19, nếu kết quả âm tính với SARS-CoV-2 thì mới vào làm việc.

Ngay cả các cán bộ ở bên ngoài, muốn vào công ty cũng phải có xét nghiệm có kết quả âm tính mới được vào. Công ty cũng đã thành lập Tổ Covid-19 của doanh nghiệp để ứng phó kịp thời với các tình huống.

Tại Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè, Q. 7, TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Lân, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, doanh nghiệp có hệ thống trải khắp cả nước với hơn 20.000 lao động ở các tỉnh, thành.

Tại đây là trung tâm đầu mối để điều động lượng hàng xuất khẩu và phụ liệu nhập khẩu. Các mặt hàng thời trang của doanh nghiệp chủ yếu xuất đi các thị trường như Mỹ và Châu Âu.

Tổng công ty đã ký hợp đồng đến hết quý 1/2022, tất cả đơn hàng đã hoàn thành, vấn đề hiện nay là nhân lực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã làm việc với khách hàng chuyển bớt hàng sang thị trường khác để giảm bớt áp lực thời gian giao hàng, giảm áp lực cho người lao động về tăng ca.

Dù đang phải đối diện với khó khăn khi phải vừa sản xuất vừa bảo đảm yêu cầu chống dịch nhưng cả doanh nghiệp và người lao động đều đang vững tin để bảo đảm nhịp độ sản xuất.

Tuy nhiên, với khối lượng hàng hiện tại, đặc biệt nhiều đơn hàng phải gấp rút hoàn thành thì việc duy trì sản xuất là điều cần phải nỗ lực. Từ ngày 9/7, Tổng công ty đã hoàn thành chuẩn bị “3 tại chỗ” và vận động người lao động vào doanh nghiệp.

Niềm vui của đội ngũ lãnh đạo công ty là ngay sau khi vận động, đã có hơn 650 người lao động tình nguyện ở lại, đồng hành cùng doanh nghiệp duy trì sản xuất. Đặc biệt, trong đó có khoảng 35 người lao động là F1 liên quan đến ca bệnh COVID-19.

Ngoài tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động về suất ăn, nơi sinh hoạt, mỗi người lao động được hỗ trợ 100-150 nghìn đồng/ ngày, để bảo vệ tối đa cho người lao động, công ty thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt việc ra vào, duy trì đo thân nhiệt và tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch.

Riêng 35 người lao động là F1 được lao động và sinh hoạt tại một khu nhà riêng biệt. Đến nay, đã là ngày thứ 12 công ty thực hiện “3 tại chỗ”, tất cả người lao động bao gồm 35 F1 sức khoẻ tốt, tinh thần lạc quan và cùng vững tin đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt.

Ông Nguyễn Ngọc Lân chia sẻ thêm, Công ty đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa an toàn sản xuất.

Song song đó, doanh nghiệp mong muốn giảm áp lực cho ngành Y tế của địa phương bằng việc sẵn sàng các phương án cách ly những F0 không triệu chứng ngay tại công ty trong trường hợp công ty có phát sinh ca bệnh.

Về phía ban Quản lý các Khu chế xuất & Công nghiệp TP.HCM (HEPZA), ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng ban cho biết, đến 13 giờ ngày 20/7, đã có 618 doanh nghiệp đăng ký sản xuất “3 tại chỗ”.

Ban quản lý HEPZA đã phối hợp với các ban ngành liên quan thực hiện kiểm tra đối với 386 doanh nghiệp, trong đó có 338 doanh nghiệp đủ điều kiện, với số lượng người lao động là 38.412 người; 48 doanh nghiệp không đủ điều kiện.

Trong 618 doanh nghiệp đăng ký, có một số doanh nghiệp chủ yếu là nhân viên bảo trì thiết bị, vệ sinh máy móc, bảo vệ trong thời gian doanh nghiệp nghỉ sản xuất.

Ban quản lý HEPZA đang lập lại danh sách và không đi kiểm tra đối với các doanh nghiệp đó. Các doanh nghiệp còn lại, Ban quản lý sẽ tiếp tục phối hợp và thực hiện kiểm tra trong những ngày tới.

D.Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục