Doanh nghiệp FDI, những vấn đề nổi cộm

(ĐTCK-online) Từ năm 2005 đến nay, các loại hình DN đã có được khung pháp luật chung, “một sân chơi” bình đẳng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Nhóm tư vấn chính sách thuộc Dự án hỗ trợ phân tích chính sách tài chính, các chính sách về quản lý DN FDI vẫn còn một số hạn chế đáng kể.
Cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách quản lý khối doanh nghiệp FDI

Từ năm 2005 tới nay, các DN Việt Nam, bao gồm DN không có vốn nhà nước, có vốn nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài cùng hoạt động theo một khung pháp luật chung, "một sân chơi" bình đẳng; các thủ tục đầu tư đã được tạo điều kiện khá thuận lợi nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, theo đánh giá của Nhóm tư vấn chính sách thuộc Dự án hỗ trợ phân tích chính sách tài chính (Bộ Tài chính), các chính sách về quản lý DN FDI vẫn còn một số hạn chế đáng kể.

>> Bài 1: Bốn nguy cơ hiển hiện

 

Bài 2: Những khuyến nghị chính sách

 

Vốn đầu tư và vốn điều lệ

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, vốn góp vào DN được góp bằng tài sản. Tuy nhiên, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP lại quy định, vốn đầu tư của DN bao gồm cả tài sản, các khoản nợ và các hình thức vay nợ khác; các quyền theo hợp đồng… Điều này thể hiện sự chưa thống nhất khái niệm về nguồn hình thành vốn đầu tư của DN FDI. Trên thực tế, vốn là thể hiện giá trị của tài sản. Do đó, nếu vốn đầu tư được hình thành từ cả tài sản và nợ sẽ dẫn đến sự trùng lặp và không xác định chuẩn xác được giá trị vốn đầu tư của DN.

Ngoài ra, vốn đầu tư của DN FDI khi mới thành lập được đăng ký và ghi trong giấy phép đầu tư. Trong quá trình kinh doanh, vốn đầu tư được gọi là vốn kinh doanh, được hình thành từ vốn góp của chủ DN và nợ phải trả. Trong đó, vốn góp của chủ DN hình thành nên vốn điều lệ. Tùy điều kiện từng DN mà vốn đầu tư đăng ký và vốn kinh doanh có thể bằng nhau hoặc chênh lệch nhau khi dự án đi vào hoạt động. Vì vậy, việc so sánh giữa vốn đầu tư đăng ký với vốn thực tế giải ngân chỉ có ý nghĩa khi dự án mới đăng ký và triển khai. Khi xem xét tình hình thực hiện của dự án thì phải xem xét trên cơ sở số vốn đã giải ngân, chứ không nên tính trên số vốn đăng ký.  

Qua điều tra, vốn điều lệ của đa số DN FDI đều tăng sau một số năm hoạt động tại Việt Nam. Điều này thể hiện quy mô hoạt động của các DN ngày càng được mở rộng; trách nhiệm của DN đối với các chủ nợ cũng tăng tương ứng với mức tăng của vốn điều lệ; lợi ích của nhà đầu tư phụ thuộc vào kết quả kinh doanh. Do đó, đối với các DN có kết quả kinh doanh bị lỗ, kể cả lỗ lũy kế, lớn hơn hoặc bằng vốn điều lệ đã góp thì DN đã lâm vào tình trạng tài chính thiếu lành mạnh, có nguy cơ phá sản. Các quy định hiện nay chưa có chế tài giám sát các DN rơi vào tình trạng này và chưa có quy định bắt buộc DN phải bổ sung thêm vốn điều lệ như thông lệ quốc tế.

 

Về giá trị thương hiệu

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về việc quản lý, sử dụng và giao dịch các quyền về sử dụng thương hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN FDI đã thực hiện rộng rãi việc sử dụng thương hiệu thông qua hai hình thức: trả phí thương hiệu trên doanh thu hoặc chuyển nhượng thông qua mua bán DN. Do chưa có quy định về quản lý và sử dụng thương hiệu, khống chế mức chi phí sử dụng thương hiệu tối đa, nên dễ dẫn đến bị lợi dụng khi DN làm gia tăng chi phí sử dụng thương hiệu, giảm thu nhập chịu thuế TNDN và làm giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.

 

Cơ chế giám sát tài chính

Trong khi Việt Nam đã có hàng nghìn dự án đầu tư nước ngoài thì hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế giám sát về tài chính đối với các dự án. Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn về phân công, phân cấp giữa trung ương và địa phương về thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát trong quá trình triển khai hoạt động của nhà đầu tư về thực hiện pháp luật về tài chính, kế toán, thuế liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài. Do đó, rất khó khăn trong việc đánh giá hoạt động của các DN thuộc khối này...

Theo quy định tại Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì báo cáo tài chính của DN FDI được gửi cho một số cơ quan, trong đo, có cơ quan tài chính. Tuy nhiên, chưa có sự phân luồng: báo cáo tài chính của DN FDI cỡ nào thì gửi cho cơ quan tài chính cấp trung ương, DN FDI nào thì gửi cho cơ quan tài chính địa phương. Vì sự thiếu rạch ròi này nên hiện tại, việc gửi và tiếp nhận báo cáo tài chính của DN FDI còn chưa thống nhất, khó kiểm soát được việc chấp hành chế độ báo cáo của DN, thậm chí còn nhiều DN không nộp báo cáo tài chính.

Hiện cũng không có cơ quan nào quản lý giám sát báo cáo tài chính của DN đã được kiểm toán hay chưa được kiểm toán, dẫn đến mặc dù chế độ chính sách bắt buộc các DN FDI phải kiểm toán, nhưng nếu DN không thuê kiểm toán báo cáo tài chính thì cũng không bị xử lý. Chế tài xử lý việc các DN không nộp, nộp chậm báo cáo tài chính hoặc đã nộp báo cáo tài chính nhưng chưa được kiểm toán, cũng chưa được ban hành.

 

Chính sách thuế

Các DN FDI hiện đang áp dụng khung chính sách thuế chung cho các DN Việt Nam, trừ các ưu đãi trước đây và đến nay DN vẫn được hưởng. Bên cạnh đó, các ưu đãi về thuế TNDN khi đạt tỷ lệ xuất khẩu hoặc đạt tỷ lệ nội địa hóa cũng không còn nữa, do Việt Nam phải thực hiện các cam kết khi tham gia WTO.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề bất cập về chính sách thuế. Chẳng hạn như thuế suất ưu đãi áp dụng chung cho các địa bàn đặc biệt khó khăn và khó khăn, mà không phân biệt ngành nghề. Do đó, không khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề có đặc thù tỷ suất lợi nhuận thấp, đòi hỏi vốn đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn chậm; trong khi nhu cầu xã hội và sự phát triển của đất nước cần thiết phải có (như cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp, lâm nghiệp...).

Những bất cập về chính sách nêu trên là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến một bộ phận không nhỏ trong khối DN FDI kinh doanh thua lỗ hoặc cố tình lỗ giả, lãi thật, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Để các DN khối này đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế, bên cạnh việc thu hút đầu tư mới, bịt những lỗ hổng chính sách, nhất là chính sách quản lý tài chính, đối với các đơn vị đã kinh doanh tại Việt Nam là việc cần làm ngay.

Phan Hoài Hiệp, Chuyên gia tư vấn - Nhóm Tư vấn chính sách
Phan Hoài Hiệp, Chuyên gia tư vấn - Nhóm Tư vấn chính sách

Tin cùng chuyên mục