Những khó khăn lớn của các doanh nghiệp cà phê trong nước như chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), khó vay được vốn ngân hàng… dự kiến sẽ được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Tổng kết niên vụ cà phê năm 2012/2013 và bàn phương hướng niên vụ 2013/2014 do Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức ngày 1/11 tới, tại TP. HCM. Có ý kiến cho rằng, những khó khăn này đang “góp phần” đẩy thị trường cà phê Việt Nam rơi vào tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện cả nước có khoảng 13 doanh nghiệp FDI thu mua và xuất khẩu khoảng 50% sản lượng cà phê của Việt Nam. Các doanh nghiệp này được ưu đãi về thuế, được vay vốn ngoại tệ từ công ty mẹ ở nước ngoài với mức lãi suất thấp, nên hoàn toàn chủ động trong việc mua nguyên liệu cà phê...
Thống kê của Vicofa và Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho thấy, trong niên vụ 2008/2009, doanh nghiệp FDI xuất khẩu chiếm khoảng 20% sản lượng cà phê Việt Nam; niên vụ 2009/2010 tăng lên 31%; niên vụ 2010/2011 tăng lên 38% và đến niên vụ 2011/2012 là trên 50%.
Trong niên vụ 2013/2014, nhiều khả năng, tỷ lệ trên sẽ tăng cao hơn nữa, bởi những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn trong top 20 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam đang vướng quy định hoàn thuế VAT, nên hạn chế thu mua cà phê từ đầu vụ.
Theo Vicofa, trước những khó khăn của doanh nghiệp cà phê do vướng mắc Công văn số 7527/BTC-TCT ngày 12/6/2013 của Bộ Tài chính về hoàn thuế VAT, ngày 15/10/2013, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 13706/BTC-TCT gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn một số nội dung về hoàn thuế VAT, trách nhiệm của cơ quan thuế trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh.
Tuy nhiên, việc triển khai văn bản mới này còn chậm, chưa phát huy tác dụng.
Ngày 28/10/2013, giá cà phê nhân tại các tỉnh Tây Nguyên chỉ xoay quanh mức 32.000 đồng/kg, giảm khá sâu so với giá bán 39.000 đồng/kg hồi tháng 7/2013. Với mức giá này, thông thường, doanh nghiệp sẽ tranh thủ mua vào trữ trong kho. Tuy nhiên, do “nút thắt” thuế VAT, nên doanh nghiệp vẫn hạn chế mua vào.
Một số ý kiến cho rằng, nếu doanh nghiệp trong nước chậm thu mua cà phê nguyên liệu, có thể doanh nghiệp FDI mạnh về vốn sẽ đẩy mạnh mua vào.
Cuối vụ mùa, doanh nghiệp trong nước không mua được nguyên liệu, sẽ phải mua lại của doanh nghiệp FDI, để đáp ứng đơn hàng. Tình trạng này đã diễn ra khá phổ biến ở những niên vụ cà phê trước, mà hệ lụy là hàng loạt doanh nghiệp ngành cà phê phải chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác, hoặc tuyên bố phá sản.
>> Đại gia cà phê Nestlé tiếp tục thách thức phần còn lại
>> Thị trưởng PhinDeli: “Mua Buford để quảng bá cà phê Việt”