Con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, trong 6 tháng đầu năm 2017, khu vực FDI đã đóng góp 70,8% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tương đương 69,26 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Đấy là con số không bao gồm phần xuất khẩu của cả dầu thô. Còn nếu tính cả dầu thô, con số này là 70,82 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ.
Với sự đóng góp to lớn này, kim ngạch xuất khẩu của cả nước sau 6 tháng ước đạt 97,78 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Đây là một tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh mà năm ngoái, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam (10%) đã không thể đạt được, khiến cuối cùng, Quốc hội chỉ quyết nghị mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm nay chỉ ở mức 6-7%.
Đồng tình với con số này, đại diện Bộ Công thương khi thảo luận tại Hội nghị giao ban về tình hình sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm 26/6, đã cho rằng, nhiều khả năng năm nay, tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt mức 10%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. “Tăng trưởng xuất khẩu năm nay rất khả quan và tiếp tục có sự đóng góp lớn của khu vực FDI”, vị này nói.
Nhìn con số thống kê, có thể thấy, xuất khẩu của khu vực trong nước đã có sự cải thiện rất đáng kể, với 26,96 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu đặt bên cạnh khu vực FDI, thì vẫn còn một sự “lép vế” khá đáng kể.
Thực tế, ngoài dầu thô - mặt hàng xuất khẩu truyền thống, với đóng góp gần như tuyệt đối của Liên doanh Vietsovpetro, thì những năm gần đây, ngày càng nhiều mặt hàng chế biến, chế tạo có kim ngạch xuất khẩu tăng rất cao. Và đóng góp lớn cho sự tăng trưởng này là các doanh nghiệp FDI.
Chẳng hạn, 6 tháng qua, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 20 tỷ USD, tăng 18,3%; xuất khẩu hàng điện tử và linh kiện đạt 11,28 tỷ USD, tăng 42,3%. Hai mặt hàng này hầu hết là phần xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, trong đó Samsung đóng vai trò chủ đạo, nhờ vào 3 tổ hợp công nghệ cao tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM. Chỉ riêng Samsung, theo kế hoạch, năm nay sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, nhập khẩu cũng lớn do vẫn phải nhập nhiều nguyên phụ liệu từ nước ngoài, tuy nhiên, khu vực FDI vẫn xuất siêu. Con số ước tính của 6 tháng đầu năm là 10,22 tỷ USD (nếu tính cả dầu thô) và 8,66 tỷ USD (nếu không tính dầu thô). Khi giá trị gia tăng mà khu vực FDI đóng góp cho nền kinh tế càng lớn, thì có nghĩa, hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI đối với kinh tế trong nước đã từng bước tăng lên.
Cũng theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khi khu vực FDI xuất siêu lớn, thì khu vực trong nước vẫn đang nhập siêu. Mức nhập siêu của doanh nghiệp trong nước trong 6 tháng qua đã lên tới 12,92 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, nhập khẩu cũng lớn do vẫn phải nhập nhiều nguyên phụ liệu từ nước ngoài, nhưng khu vực FDI vẫn xuất siêu.