Doanh nghiệp dược, thiết bị y tế vẫn sống khỏe trong suy thoái

Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của các doanh nghiệp ngành dược niêm yết trên 2 sàn chứng khoán cho thấy hầu hết những đơn vị này đều đạt doanh thu từ hàng trăm cho đến nghìn tỷ đồng qua 6 tháng đầu năm 2012.
Doanh nghiệp dược, thiết bị y tế vẫn sống khỏe trong suy thoái

Trên sàn TP HCM, 4 doanh nghiệp trong ngành dược phẩm và thiết bị y tế đã công bố báo cáo kiểm toán hợp nhất, theo số liệu do VNDIRECT cung cấp, 6 tháng đầu năm, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang đẫn đầu về lợi nhuận sau thuế với mức 260,7 tỷ đồng. 2 công ty còn lại là Dược phẩm IMEXPHARM (IMP) và Cổ phần SPM (SPM) có lợi nhuận sau thuế xấp xỉ nhau với 44 tỷ đồng.

Công ty cổ phần thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực thiết bị y tế công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán. 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này lãi gần 5,5 tỷ đồng, không cao nhưng vẫn khả quan hơn hàng chục doanh nghiệp thua lỗ khác trên sàn chứng khoán.

Doanh nghiệp dược, thiết bị y tế vẫn sống khỏe trong suy thoái ảnh 1

Đơn vị tính: Tỷ đồng. Số liệu: VNDIRECT

Xétvề doanh thu thuần, DHG đạt kết quả cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Riêng quý II/2012, đơn vị này thu về trên 691 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế doanh thu 6 tháng lên tới 1.311 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2011.

Cũng trong quý này, hoạt động tài chính đóng góp gần 334,7 tỷ đồng vào doanh thu cho DHG, trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này chỉ là 282 tỷ đồng.

Thêm vào đó, 6 tháng đầu năm, hầu hết các chi phí cơ bản đã được DHG kiểm soát ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011. Chi phí bán hàng là khoản tốn kém ngân sách của DHG nhất với 240,4 tỷ đồng, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 10%.

Hiện nay, vốn chủ sở hữu của DHG ước tính trên 1.500 tỷ đồng, tổng tài sản lên tới 2.117 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2012, tiền và các khoản tương đương tiền tại DHG đạt hơn 555 tỷ đồng.

Doanh nghiệp dược, thiết bị y tế vẫn sống khỏe trong suy thoái ảnh 2

Đơn vị tính: Tỷ đồng. Số liệu: VNDIRECT

IMP xếp thứ 2 với doanh thu thuần 6 tháng đầu năm trên 361 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài bán hàng và cung cấp dịch vụ, thu nhập từ hoạt động tài chính cũng đóng góp kha khá cho khoản lãi khiêm tốn của IMP năm nay, với 4,5 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2012, vốn chủ sở hữu tại IMP đạt trên 700 tỷ đồng, khối lượng tổng tài sản ước tính 792 tỷ đồng. Trị giá hàng tồn kho còn 199 tỷ đồng, giảm 11% so với hồi đầu năm.

SPM cũng thu về 222,6 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2012, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2011.

Riêng quý II/2012, doanh thu hoạt động tài chính tại SPM tăng mạnh, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, nâng lũy kế 6 tháng khoản mục này lên 30,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2011, mức này chỉ đạt 11,9 tỷ đồng.

Đến 30/6/2012, tổng tài sản của SPM ước tính trên 1.105 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 634,7 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng giảm nhẹ 9% kể từ đầu năm tới nay, còn 41 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực thiết bị y tế, 6 tháng đầu năm 2012, JVC đạt doanh thu gần 104,7 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính lại tăng đột biến trong quý II/2012 với 519,5 triệu đồng, kéo theo lũy kế 6 tháng lên 629,6 triệu đồng, tăng trên 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2011.

Tổng tài sản hiện nay của JVC ước tính hơn 1.110 tỷ đồng, riêng vốn chủ sở hữu đạt 532,8 triệu đồng.

Hết quý II, giá trị hàng tồn kho tại JVC lại tăng gấp 5,2 lần so với thời điểm cuối quý IV/2011, lên 401,6 tỷ đồng, chủ yếu là các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, vật tư tiêu hao y tế... Trong đó, khoảng 134,7 tỷ đồng đã được sử dụng để thế chấp các khoản vay ngân hàng.

Trên sàn Hà Nội, 2 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm sau kiểm toán là Công ty cổ phần dược phẩm Phong Phú (PPP) và Công ty cổ phần dược thú y Cai Lậy (MKV).

Doanh nghiệp dược, thiết bị y tế vẫn sống khỏe trong suy thoái ảnh 3

Đơn vị tính: Tỷ đồng. Số liệu: VNDIRECT

Trong đó, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của PPP đạt trên 1,45 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2011, trong khi MKV chỉ thu về gần 440 triệu đồng. Tuy nhiên, riêng quý II/2012, MKV đạt lãi sau thuế gần 270 triệu đồng, bù lỗ cho khoản âm 3,8 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Xét về doanh thu, từ đầu năm tới nay, PPP đạt 45,52 tỷ đồng, tăng 14,86% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính của PPP trong nửa đầu năm 2012 lại sụt giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm 2011, chỉ đạt 20,3 triệu đồng, trong khi mức này trước đó là 136 triệu đồng.

Hiện tại, tổng tài sản của PPP ước tính 102,4 tỷ đồng, tăng gần 40% so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt gần 30,6 tỷ đồng.

Doanh nghiệp dược, thiết bị y tế vẫn sống khỏe trong suy thoái ảnh 4

Đơn vị tính: Tỷ đồng. Số liệu: VNDIRECT

Tổng kết nửa đầu năm 2012, doanh thu thuần của MKV đạt 17,75 tỷ đồng, giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ năm 2011. Trị giá hàng tồn kho tăng nhẹ 10%, lên 5,95 tỷ đồng, trong khi đầu năm, mức này là 5,39 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo tài chính, tổng tài sản của MKV ước tính 19,11 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hiện đạt 12,3 tỷ đồng, tăng 1,6% so với hồi đầu năm.

Một chuyên gia phân tích chứng khoán lâu năm tại Hà Nội cho biết, dược phẩm là ngành có đặc thù riêng vì độ phổ biến và phục vụ số đông người dân, thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế vĩ mô Việt Nam. Hơn nữa, thủ tục cấp phép ngặt nghèo không phải doanh nghiệp nào cũng hoạt động được trong lĩnh vực này, vì thế sức ép cạnh tranh không cao, tạo lợi thế cho các công ty trên thị trường, ông chia sẻ.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục