Doanh nghiệp “đói” nhân lực chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp, tổ chức đang đau đầu bởi bài toán thiếu nhân lực chuyển đổi số, công nghệ thông tin (CNTT)…
Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hầu hết các chỉ tiêu về nguồn nhân lực của Việt Nam đều đang ở thứ hạng thấp. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hầu hết các chỉ tiêu về nguồn nhân lực của Việt Nam đều đang ở thứ hạng thấp.

Nhân lực vừa thiếu, vừa yếu

Với định hướng trở thành tập đoàn công nghệ cao, đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam, mỗi năm Viettel cần hàng ngàn nhân lực công nghệ cao. Mới đây, trong hơn 1.000 hồ sơ ứng tuyển, Viettel chỉ chọn được hơn 100 ứng viên để đào tạo tham gia các dự án quan trọng phục vụ chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Để mở rộng dây chuyền sản xuất, kinh doanh, cung ứng thiết bị viễn thông cho đối tác trong nước và xuất khẩu, Công ty TNHH Sản xuất Thái Bình Dương Việt Nam cần tuyển nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ thông tin phụ trách điều hành hệ thống máy chủ, kết nối các hoạt động giao dịch quốc tế với mức lương khởi điểm 23 triệu đồng/tháng. Sau hơn 6 tháng, doanh nghiệp này mới tuyển được 3 người.

“Chúng tôi đang ‘đói’ nhân sự. Chúng tôi rất cần nhân sự CNTT cho việc mở rộng quy mô, công suất của nhà máy, nhưng không tuyển dụng được”, ông Đặng Văn Đảm, Tổng giám đốc Công ty Thái Bình Dương Việt Nam cho biết.

Tập đoàn CMC hợp tác với Samsung cung cấp nhân lực, dù trong bối cảnh dịch bệnh, Samsung vẫn yêu cầu CMC cung cấp hàng ngàn nhân lực mỗi năm. Tuy nhiên, thực tiễn chỉ có khoảng 30% là đảm bảo đáp ứng được yêu cầu.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC cho biết, Việt Nam có nhu cầu rất cao về nguồn nhân lực chuyển đổi số, CNTT, nhưng khả năng đáp ứng cả về số lượng và chất lượng còn hạn chế.

Theo ông David Wei, Tổng giám đốc Huawei Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 47 triệu lao động trong lĩnh vực CNTT vào năm 2030, với chi phí cơ hội hàng năm là 4.238 tỷ USD. Qua khảo sát, hơn 50% giám đốc điều hành trong khu vực cũng cho hay, rất khó tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chỉ ra, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hầu hết các chỉ tiêu về nguồn nhân lực của Việt Nam đều đang ở thứ hạng thấp. Về chỉ số nguồn nhân lực, Việt Nam xếp thứ 70/100, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, thì Việt Nam xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và chỉ xếp hạng tương đương Campuchia. Về chỉ số lao động có chuyên môn cao, Việt Nam thuộc nhóm cuối bảng với thứ hạng 81/100. Đây là thách thức đối với các quốc gia đang phát triển trong tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số.

Lời giải duy nhất

Số liệu của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật: CNTT, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin. Hàng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này vào khoảng hơn 50.000. Nếu tính cả đào tạo nghề ở bậc cao đẳng, trung cấp, con số này vào khoảng hơn 62.000. Nguồn nhân lực ít ỏi này không đảm bảo cho kế hoạch chuyển đổi số quốc gia trên mọi lĩnh vực.

“Các đơn vị đào tạo chính thống về CNTT chỉ cung cấp được 40% nhu cầu thực tế. Nhiều doanh nghiệp đưa ra những mức lương hấp dẫn, nhưng vẫn không tìm được ứng cử viên phù hợp. Thực tế, chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (chiếm gần 30%) trong tổng số hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành CNTT tốt nghiệp hàng năm đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu mà doanh nghiệp cần”, TS. Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX cho biết.

Lời giải cho bài toán nhân lực chuyển đổi số, CNTT là tăng số lượng và chất lượng đào tạo. Nhưng muốn vậy, các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng phải cùng đồng hành để hỗ trợ, đặt hàng cho cơ sở đào tạo.

TS. Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco chia sẻ: “Chúng tôi là doanh nghiệp, nên cảm nhận rõ nhất về những tác động to lớn của cuộc cách mạng 4.0. Nếu chúng ta không kịp thời nắm bắt thì sẽ phá sản. Không thể có chuyện đi tắt đón đầu nếu chúng ta không có nền tảng cơ bản, cốt lõi nhất là nguồn nhân lực. Các cơ sở giáo dục phải thay đổi, các chương trình, đề án phải xác định cho được phương pháp tiếp cận chuyển đổi số để từ đó xác định rõ chúng ta có làm được không, làm ra có sử dụng hay không, làm ra có bị bỏ phí hay không”.

PGS-TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cũng cho rằng, mô hình hiệu quả trong đào tạo nhân lực CNTT trình độ cao là mô hình liên kết nhà trường, Nhà nước và nhà tuyển dụng. Trong đó, Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý, ban hành chính sách, xây dựng chiến lược ở mức vĩ mô và cấp thêm ngân sách. Nhà trường cải tiến chương trình đào tạo, áp dụng các mô hình sư phạm mới (đặc biệt là ứng dụng Internet), tuyển dụng thêm giảng viên, xây thêm phòng học và phòng thực hành, mở rộng quy mô đào tạo. Doanh nghiệp hỗ trợ các trường đại học như tài trợ xây dựng thêm cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu; bổ sung thêm nhiều học bổng; nhận sinh viên thực tập; phối hợp cùng thực hiện dự án…

Có thể thấy, nhân lực là mấu chốt quyết định thành bại chuyển đổi số tại doanh nghiệp, tổ chức. Nếu không có kế hoạch tháo gỡ điểm nghẽn này, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành “cường quốc số” sẽ mãi chỉ là giấc mơ.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam chỉ đạt hơn 1%. Đây là tỷ lệ thấp.

Để nâng tỷ lệ lên tối thiểu 2%, Việt Nam cần đào tạo được ít nhất 70.000 sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng khoảng 40% so với hiện nay. Không chỉ là vấn đề số lượng, chất lượng nhân lực cũng là thách thức lớn. Các công nghệ số đang có tốc độ phát triển nhanh, trong khi đó, chương trình đào tạo lại chưa theo kịp.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục