Doanh nghiệp điện tìm cửa hút vốn ngoại

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp điện đang tính đến phương án gọi vốn ngoại để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, trong bối cảnh việc thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp khó khăn.

Doanh nghiệp điện tìm cửa hút vốn ngoại

Khó trông chờ dòng vốn nội

Lãi suất cao và các tiêu chuẩn ngặt nghèo là những rào cản lớn khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án điện khó có thể trông chờ vào nguồn vốn trong nước cho đầu tư các dự án dài hạn, quy mô lớn.

Với mức giá bán điện mặt trời mặt đất theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, là 7,09 cent/kW (khoảng 1.600 đồng/kW) và lãi suất của ngân hàng thương mại trong nước dao động từ 10 - 11,5 %/năm, tính toán của ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà cho thấy, hầu như doanh nghiệp không có lợi nhuận gì trong các dự án điện này.

“Theo tính toán tương ứng với suất đầu tư các dự án hiện tại, thời hạn hoàn vốn đầu tư thường phải trên 10 năm thì hiệu quả đầu tư không cao, không khuyến khích được các nhà đầu tư. Mức giá trên chỉ hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các doanh nghiệp vay được nguồn vốn nước ngoài có lãi suất thấp để đầu tư”, ông Tân nhìn nhận.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang lại đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thu xếp nguồn vốn từ các ngân hàng trong nước do bị giới hạn bởi các quy định cho vay đối với một dự án không quá 15%, đối với nhóm khách hàng có liên quan không quá 25% vốn tự có của các ngân hàng.

Theo Tổng giám đốc Ngô Quốc Hội, hiện doanh nghiệp đang đầu tư dự án nhiệt điện công suất 650 MW với tổng vốn hơn đầu tư ước tính lên tới 1 tỷ USD. Tuy nhiên, do là dự án độc lập do tư nhân đầu tư nên dự án không có bảo lãnh của Chính phủ khiến việc thu xếp vốn vay thanh toán cho hợp đồng EPC của dự án gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ bị giới hạn bởi các quy định cho vay, nhà đầu tư này còn phải chấp nhận một số điều kiện rất “khó nhằn” của phía ngân hàng mới có thể tiếp cận các khoản vay, chẳng hạn phải có phê duyệt của Bộ Công thương đối với sản lượng điện tối thiểu ở mức 90% sản lượng bình quân của vòng đời dự án trong tối thiểu 10 năm kể từ khi nhà máy vận hành thương mại.

“Điều này có nghĩa là ràng buộc việc EVN phải mua điện của doanh nghiệp trong mọi trường hợp, tức là khi nhà máy sẵn sàng phát điện mà kể cả EVN không huy động thì đơn vị này vẫn phải thanh toán 90% cho sản lượng này. Đây là điều kiện vô cùng khó khăn, nếu không nói là rào cản khiến doanh nghiệp khó có thể đáp ứng để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng trong nước”, ông Hội băn khoăn.

Tìm cửa hút vốn ngoại

Khó có thể trông chờ việc tháo gỡ được các rào cản để tiếp cận nguồn vốn trong nước, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TTP Phú Yên – chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại tỉnh Phú Yên cho biết, doanh nghiệp đã tiếp cận từ sớm với các nhà đầu tư ngoại, vốn rất quan tâm đến các dự án điện của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo với nhiều chính sách ưu đãi từ Nhà nước.

Doanh nghiệp này hiện đã đưa vào vận hành nhà máy với tổng công suất phát điện hơn 670 MW điện mặt trời, sắp tới dự kiến có thêm 400 MW điện gió. Cách thức giải bài toán vốn nhanh nhất chính là liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để huy động dòng vốn lớn này vào thị trường.

“Chúng tôi đã hợp tác với Tập đoàn B.Grimm Group của Thái Lan để thu xếp vốn cho Dự án tại tỉnh Phú Yên, nhờ đó nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ ADB với các điều kiện hợp tác khá phù hợp”, ông Tuấn thông tin.

Tương tự, Tập đoàn HBRE hiện đang đầu tư 5 dự án điện gió quy mô lớn tại Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đã chọn phương án hợp tác với nhà đầu tư Thái Lan và Pháp một cách hiệu quả, thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần, góp vốn cổ đông.

Theo tính toán của Chủ tịch HBRE Hồ Tá Tín, với hiệu suất sinh lợi tối thiểu 15%/năm, các nhà đầu tư điện gió trong nước hoàn toàn có thể tính tới phương án liên kết chuyển nhượng cổ phần với nhà đầu tư nước ngoài.

Đây cũng là lý do giải thích cho việc ngày càng nhiều tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc... trở thành ông chủ mới của các dự án điện mặt trời ở Việt Nam. Ngoài hợp tác triển khai với TTP Phú Yên để triển khai dự án tại Phú Yên, Công ty Năng lượng B.Grimm Power, một nhánh đầu tư của Tập đoàn Thái Lan B.Grimm còn mua cổ phần của Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh để triển khai dự án dự án điện mặt trời Dầu Tiếng (công suất 420 MW), một trong những dự án lớn nhất Đông Nam Á về năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, tập đoàn năng lượng cũng đến từ Thái Lan là Gulf Energy Development đã trở thành cổ đông chiếm 90 - 95% vốn tại hai dự án điện mặt trời tại Tây Ninh là TTC1 và TTC 2 và dự án năng lượng tại Bến Tre. Một nhà đầu tư Thái khác là Super Energy Corporation cũng đã mua lại cổ phần và đầu tư vào hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam và đã nâng dần sở hữu để trở thành cổ đông lớn tại các dự án này.

Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, TS. Cấn Văn Lực dự báo, xu hướng nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần các dự án điện lớn trong nước còn gia tăng mạnh trong thời gian tới, nhất là với các dự án có tiềm năng cho hiệu suất sinh lời ở mức hấp dẫn, ổn định.

Cửa sáng, nhưng không dễ

Tuy dòng vốn ngoại rất dồi dào, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng cũng ngày càng gia tăng, song cửa huy động vốn ngoại không hề dễ dàng đối với các doanh nghiệp điện. Giám đốc TTP Phú Yên cho biết, hiệu suất của dự án là yếu tố hàng đầu được nhà đầu tư ngoại cân nhắc đối với mỗi dự án.

Còn theo ông Hồ Tá Tín, “nếu hiệu suất sinh lợi tối thiểu của toàn vòng đời dự án dưới 15% thì khó có thể thu hút được nhà đầu tư ngoại, do đó, cơ chế giá nào để đảm bảo mức lợi nhuận thu hút đầu tư sau khi giá FIT kết thúc là yếu tố được các doanh nghiệp rất quan tâm”.

Ở góc nhìn của nhà đầu tư ngoại, bà Maria Goravanchi, Giám đốc điều hành khu vực Mê Kông, Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) nêu một thực tế là nhiều nhà đầu tư vẫn khá quan ngại về các rủi ro trong chuyển đổi ngoại tệ, chuyển tiền ra nước ngoài và lo ngại sự can thiệp của Chính phủ trên thị trường ngoại hối.

“Dù nhìn thấy cơ hội đầu tư vào Việt Nam, song nhà đầu tư quốc tế vẫn còn nhiều lo ngại về rủi ro pháp lý, chậm tiến độ xây dựng và vận hành dự án, khả năng hạn chế mua điện của EVN, rủi ro gián đoạn kinh doanh, hay bên bao tiêu mất khả năng thanh toán... Đây thực sự là những vấn đề lớn mà nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc khi rót vốn đầu tư các dự án”, ông Hugo Virag, đại diện Tập đoàn Astris Finance đồng quan điểm.

Các chuyên gia tài chính và các chuyên gia năng lượng quốc tế khuyến nghị, để huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập, Việt Nam cần phải tuân thủ các yêu cầu và luật chơi quốc tế và dòng vốn quốc tế sẽ chỉ dịch chuyển về các quốc gia đáp ứng 3 tiêu chí: có quy mô thị trường đủ lớn; khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn và rủi ro thấp.

Để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế, ông Mic Kang, Phó giám đốc Bộ phận Tài chính dự án cơ sở hạ tầng của Moody’s Investors Service cho rằng, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Bởi, “xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam sẽ giúp Chính phủ, định chế tài chính và doanh nghiệp khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn”.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục