Doanh nghiệp điện chờ… 2020

(ĐTCK) Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện kỳ vọng sẽ được cải thiện trong năm 2020 khi thời tiết được dự báo bớt khắc nghiệt hơn giúp tăng sản lượng và giá bán tăng. Nhóm doanh nghiệp nhiệt điện cũng được kỳ vọng duy trì tăng trưởng nhờ hưởng lợi từ giá bán điện và tình trạng thiếu điện tiếp tục diễn ra.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Năm 2019: Thủy điện suy giảm, nhiệt điện phân hóa

Dù vẫn còn hơn 1,5 tháng nữa mới kết thúc năm 2019, nhưng doanh thu, lợi nhuận cả năm suy giảm mạnh là điều được báo trước với hầu hết doanh nghiệp thủy điện.

Quản lý và vận hành nhà máy thủy điện công suất 150 MW tại Bình Phước, CTCP Thủy điện Thác Mơ (TMP) báo cáo doanh thu 9 tháng giảm 29,4% so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận trước thuế giảm 26%.

Cũng tại tỉnh Bình Phước, CTCP Thủy điện Cần Đơn (SJD) đã báo cáo doanh thu giảm 23,2% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức giảm 29,1% sau 9 tháng.

Tại khu vực miền Trung, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) thậm chí vừa báo lỗ 3,5 tỷ đồng trong quý III, ghi nhận quý thua lỗ đầu tiên từ khi lên sàn chứng khoán. Kết thúc 9 tháng, trong khi doanh thu của VSH giảm 46,1% thì lợi nhuận trước thuế giảm 61,1% so với cùng kỳ 2018.

Kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2018 cũng là tình trạng của nhiều doanh nghiệp thủy điện tại khu vực phía Bắc như Thủy điện Thác Bà (TBC), Thủy điện Bắc Hà (BHA)…. CTCP Thủy điện Nậm Mu (HJS) là một trong số ít doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng, nhưng chủ yếu từ thu nhập khác là khoản phí cấp quyền khai thác nước, còn lợi nhuận gộp vẫn đang giảm.

Hạn hán kéo dài khiến lưu lượng nước về các hồ thủy điện ít, sản lượng điện giảm mạnh so với cùng kỳ là nguyên nhân chung được các doanh nghiệp thủy điện lý giải cho tình trạng doanh thu, lợi nhuận giảm. Với những doanh nghiệp đang gánh chi phí lãi vay cao như BHA, lợi nhuận giảm sâu hơn, thậm chí còn thua lỗ.

Thực chất, khó khăn này đã được dự báo trước. Với hoạt động phụ thuộc vào tự nhiên, năm 2019 đã sớm được các cơ quan khí tượng trong nước và quốc tế dự báo khó khăn hơn khi tình trạng El Nino quay trở lại làm giảm lượng nước về các hồ chứa, ảnh hưởng đến hiệu suất phát điện của các nhà máy.

Trong khi nhóm thủy điện gặp khó, nhóm nhà máy nhiệt điện tất yếu hưởng lợi nhờ được huy động nhiều hơn.

Mặt khác, giá bán điện trên thị trường cạnh tranh cũng cao hơn khi nguồn điện giá rẻ khan hiếm. Tuy nhiên, không phải mọi doanh nghiệp nhiệt điện đều tăng trưởng, mà kết quả kinh doanh có sự phân hóa rất mạnh.

Tại khu vực phía Nam, CTCP Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) đã báo lãi trước thuế 9 tháng 578 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ, nhưng kết quả này không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà nhờ 43 tỷ đồng là lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện (cùng kỳ năm ngoái lỗ 28 tỷ đồng) và ghi nhận 37 tỷ đồng có được từ hoàn nhập quỹ khoa học, công nghệ (năm 2018 không có hoàn nhập).

Nếu loại trừ ảnh hưởng từ thu nhập bất thường và lãi tỷ giá, lợi nhuận từ hoạt động của NT2 đang giảm khoảng 14,9% so với cùng kỳ 2018.

Năm nay, dù giá bán trên thị trường phát điện cạnh tranh tăng và giá khí giảm hỗ trợ biên lợi nhuận, nhưng việc thiếu hụt nguồn cung khí và vấn đề kỹ thuật máy nén khí đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất hoạt động của NT2 trong nửa đầu năm.

Tình hình chỉ tốt hơn trong quý III khi nguồn cung khí ổn định hơn. Cần lưu ý là theo quy định, NT2 sẽ không được sử dụng lãi từ chênh lệch tỷ giá để chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức cho cổ đông.

CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) suy giảm 33,5% lợi nhuận sau 9 tháng do sản lượng sản xuất suy giảm. Lợi nhuận gộp sau 9 tháng đạt 51,9 tỷ đồng, giảm 44,1%.

Tại khu vực phía Bắc, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) báo lãi trước thuế 9 tháng giảm 12,6% so với cùng kỳ 2018. Trong khi doanh thu tăng 11,9%, chi phí nguyên vật liệu tăng đến 16,9% do ảnh hưởng của giá than tăng đã ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận 9 tháng của Công ty.

Trái ngược với sự suy giảm của NT2, PPC hay BTP, tình hình tại nhóm doanh nghiệp nhiệt điện khác như Hải Phòng (HND), Quảng Ninh (QTP) lại khả quan hơn khi doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng. Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP) cũng bớt lỗ nhiều so với năm trước.

Kỳ vọng 2020 sẽ sáng hơn

Quý IV hàng năm thường là mùa thuận lợi cho nhiều nhà máy thủy điện, bởi sau khi tích nước trong mùa mưa, thời tiết bước sang mùa khô sẽ khiến nhu cầu điện huy động tăng, giá điện trên thị trường cạnh tranh tốt hơn giúp tăng doanh thu, cải thiện biên lợi nhuận.

Với các nhà máy nhỏ (công suất dưới 30 MW), giá điện tính theo biểu giá chi phí tránh được cũng được cộng thêm giá công suất giờ cao điểm mùa khô giúp giá bán bình quân tăng.

Doanh nghiệp điện chờ… 2020 ảnh 1

Kết quả kinh doanh 9 tháng 2019 của một số doanh nghiệp ngành điện. Nguồn: KIS, trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (NHCMF) 

Tuy vậy, trong quý IV/2019, tình hình được đánh giá không khả quan bởi theo cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối tháng 8/2019, tần suất nước về của các hồ chứa thủy điện vẫn còn thấp so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2018, với tần suất dao động từ 75 - 99%.

Chẳng hạn, tại hồ thủy điện Hòa Bình - thủy điện cuối cùng trên hệ thống bậc thang thủy điện lưu vực sông Đà - tính từ đầu năm đến hết ngày 30/9/2019, lượng nước về hồ chỉ đạt 32,75 tỷ m3, bằng 74% so cùng kỳ trung bình nhiều năm, so cùng kỳ năm 2018 (51,92 tỷ m3), lượng nước đang thấp hơn 37%.

Lưu lượng nước giảm, mực nước tại các hồ chứa thấp, công suất phát điện của các nhà máy sẽ bị ảnh hưởng, do đó, doanh thu, lợi nhuận quý IV dự báo sẽ tiếp tục giảm so với 2018.

Bước sang năm 2020, tình hình dự báo sẽ bớt khó khăn hơn khi thời tiết chuyển sang pha El Nino yếu, trước khi bước vào pha trung tính trong năm 2021, lượng mưa tăng dần giúp các nhà máy tăng hiệu suất phát điện.

Song song với tăng trưởng sản lượng nhờ yếu tố thời tiết, giá điện trên thị trường cạnh tranh (CGM) tiếp tục gia tăng sẽ đem lại thuận lợi cho các nhà máy thủy điện lớn (trên 30 MW). Với các nhà máy thủy điện nhỏ là mức tăng giá biểu giá chi phí tránh được.

Báo cáo phân tích tháng 10/2019 của CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cập nhật trong vòng 5 năm, giá CGM trần đã tăng 52%, từ mức 868 đồng/kWh năm 2012 lên 1,319 đồng/kWh năm 2019. Đối với năm 2020, giá trần CGM được KIS ước tính tăng trên 16% khi Nhiệt điện Cà Mau 1&2 tham gia thị trường điện.

Nguyên nhân là bởi, theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 45/2018/TT-BTC, vào tháng 9/2019, giá trần của thị trường điện bán buôn được quy định không thấp hơn chi phí biến đổi của các tổ máy nhiệt điện trực tiếp chào giá trên thị trường.

Mức trần được nâng lên để phù hợp với định hướng đưa các nhà máy điện sử dụng nguồn nhiên liệu khí có giá thành cao như khí LNG, khí Lô B và sau này là khí Cá Voi Xanh.

Giá điện tăng cùng với tình trạng thiếu điện diễn ra ngày càng trầm trọng sẽ giúp các nhà máy nhiệt điện cũng tăng sản lượng phát, doanh thu, lợi nhuận dù nguồn thủy điện được huy động nhiều hơn trong năm tới.

Doanh nghiệp điện chờ… 2020 ảnh 2

Cổ phiếu điện: Phân hóa theo nhu cầu đầu tư

Là nhóm ngành thiết yếu, đầu ra được đảm bảo bởi các hợp đồng mua bán dài hạn, không có tồn kho, hầu như không có rủi ro thanh toán là những lợi thế của doanh nghiệp kinh doanh ngành điện.

Nhóm doanh nghiệp này cũng thường có dòng tiền kinh doanh dồi dào và lớn hơn lợi nhuận (do chi phí khấu hao) nên không chỉ có khả năng giảm nợ hàng năm, giúp giảm dần lãi vay, cải thiện lợi nhuận mà còn có khả năng chi trả cổ tức tiền mặt ổn định với tỷ suất hấp dẫn.

Như tại SJD, năm 2019, Công ty đặt kế hoạch cổ tức tiền mặt 2.300 đồng/cổ phần, so với thị giá phiên 8/11/2019 là 20.350 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ suất cổ tức trên thị giá là 11,3%. NT2 đặt kế hoạch cổ tức 2.500 đồng/cổ phiếu trong năm nay, tương ứng tỷ suất cổ tức trên thị giá hiện nay là 10,9%. SHP, TBC… cũng có mức tỷ suất cổ tức trên thị giá từ 8 - 10%.

Cùng với thị giá tăng trưởng, các cổ phiếu này có thể đem đến tỷ suất lợi nhuận hàng năm từ 10 - 15% cho nhà đầu tư, khá hấp dẫn với mục tiêu đầu tư dài hạn.

Không ít doanh nghiệp điện, nhất là nhóm nhiệt điện vẫn luôn ẩn chứa những cơ hội có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong lợi nhuận giữa các kỳ.

Nếu nhóm thủy điện khá đồng nhất về đặc điểm sản xuất, phụ thuộc vào thời tiết thì nhóm nhiệt điện lại có sự khác biệt về nguồn nhiên liệu sử dụng (than, khí) dẫn đến chi phí sản xuất (biến phí) khác nhau. Công nghệ khác biệt, chi phí đầu tư (định phí) khác nhau, do đó có biên lợi nhuận biến động khác nhau.

Phần lớn các nhà máy nhiệt điện cũng đang có dư nợ ngoại tệ lớn với nguồn vay ngoại tệ đa dạng, từ USD, EUR đến KRW, JPY… khiến chi phí tài chính thường xuyên biến động mạnh và ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tại HND, từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu đã tăng gần 70% theo sự đột biến của lợi nhuận nhờ tỷ giá USD, JPY thuận lợi giúp Công ty giảm lỗ tỷ giá, dù lợi nhuận gộp chỉ tăng 2,7%. Hay cổ phiếu QTP có mức tăng giá là 35% trong cùng thời gian.

Tất nhiên, những yếu tố này cũng có thể đem đến sự đột biến theo hướng bất lợi. Cổ phiếu NT2 sau khi tăng giá mạnh trong những tháng đầu năm đã giảm 25% trong 7 tháng qua do nhà đầu tư lo ngại việc đàm phán lại giá điện theo hợp đồng mua bán điện (PPA) có thể làm suy giảm lợi nhuận của Công ty trong năm 2020. Cổ phiếu PPC sau khi tăng giá hơn 70% trong 6 tháng đầu năm cũng đã giảm 17% trong 4 tháng qua.

Do vậy, dù chọn phương thức đầu tư dài hạn hay lướt sóng tại những cổ phiếu ngành điện, nhà đầu tư cần thận trọng để lựa chọn cổ phiếu phù hợp với nhu cầu, cũng như cân nhắc thời điểm mua vào phù hợp.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục