Doanh nghiệp địa ốc và chiến lược “bám” giao thông để phát triển

(ĐTCK) Đường mở đến đâu, dự án mọc lên đến đó, thậm chí nhiều chủ đầu tư chấp nhận “đánh bạc” đổ tiền vào những điểm nghẽn giao thông với hy vọng những nút cổ chai này “kiểu gì” rồi cũng được Nhà nước tháo gỡ.
Các dự án hướng sông luôn hút hàng Các dự án hướng sông luôn hút hàng

Đẩy nhanh tiến độ hạ tầng

Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Bất động sản, giao dịch bất động sản tại khu vực phía Tây Sài Gòn đang chững lại. Nguyên nhân có thể là do một số tuyến đường chính như đường Âu Cơ hay Lạc Long Quân thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

Ghi nhận từ thị trường, khu vực đang sôi động nhất là khu phía Đông Sài Gòn, nơi có sự kết nối đồng bộ với các đường vành đai, cao tốc liên vùng. Tính đến năm 2020, khu Đông TP.HCM có khoảng 11 dự án hạ tầng, tổng kinh phí thực hiện lên tới gần 250.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án lớn nhất là tuyến vành đai 2, 3, 4 và tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.

"Nơi nào có hạ tầng phát triển, nơi đó sẽ thu hút được sự quan tâm của khách hàng".

- Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam.

Theo báo cáo của Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, về cơ bản, tiến độ xây dựng các gói thầu trên cao, bao gồm đúc và lắp đặt dầm chữ “U” đến thời điểm này đã hoàn thành hơn 90% khối lượng. Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý dự án cho biết, đang nỗ lực tăng tốc thi công trên toàn tuyến, chậm nhất là cuối năm 2020 phải đưa vào khai thác, sử dụng.

Bên cạnh đó, dự án cầu vượt, hầm chui tại nút giao Mỹ Thủy (quận 2) đã được ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM ra “tối hậu thư” là phải hoàn thành sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch. Nguyên do đây là dự án trọng điểm để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại giao lộ Vành đai 2 và Nguyễn Thị Định (hướng vào cảng Cát Lái).

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng đã chấp thuận và giao cho các sở ngành, phối hợp cùng địa phương nghiên cứu và lên phương án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định và Lương Định Của...

Bất động sản lên giá theo hạ tầng

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, một trong những điểm nhấn của thị trường bất động sản là sự bứt phá hạ tầng. Nơi nào có hạ tầng phát triển, nơi đó sẽ thu hút được sự quan tâm của khách hàng.

Tại TP.HCM, khu Đông được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng hiện đại, kết nối thuận tiện với khu vực trung tâm. Đây là những yếu tố được các doanh nghiệp đầu tư địa ốc xác định là tiêu chí để phát triển dự án.

Nhờ lợi thế từ cơ sở hạ tầng, thị trường khu vực Mai Chí Thọ và Bình Trưng Tây trở nên sôi nổi với ưu thế gần trung tâm thành phố. Những dự án có tầm nhìn ra sông Sài Gòn sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, có thể kể đến một số dự án lớn của các thương hiệu uy tín như: Kusto Home, Keppel Land, Novaland…

Cũng tại khu vực này, sau khi tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thông xe, thì dự án tại đây sẽ mọc lên như nấm. Các chủ doanh nghiệp đã tăng tốc đầu tư để phát triển dự án và mức độ thanh khoản khá tốt.

Novaland, một trong số các doanh nghiệp có thương hiệu uy tín nhất thị trường cũng đang triển khai tới 10 dự án ở cửa ngõ phía Đông, với số lượng gần 9.000 căn hộ, tổng vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng. Ngay điểm bắt đầu dẫn lên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Novaland đang triển khai Dự án khu đô thị Lakeview City.

Hạ tầng giao thông phát triển không chỉ tác động trực tiếp đến những nơi dự án đi qua mà còn tác động đến những vùng lân cận.

Bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty Kim Oanh chia sẻ, hạ tầng phát triển khiến tình hình giao dịch ngay tại các khu vực vùng ven TP.HCM như Bình Dương và Đồng Nai khá sôi động. Các khu vực này nằm rất gần TP.HCM, trong khi đó giao thông phát triển mạnh khiến việc đi lại trở nên dễ dàng hơn. Hơn nữa, giá bất động sản ở đây rẻ hơn  nhiều so với Thành phố, điều này đáp ứng được nhu cầu an cư và đầu tư của nhiều người.

Sự phát triển đồng nhất giữa hạ tầng giao thông và thị trường bất động sản từ trước đến nay đã ghi nhận nhiều trường hợp. Đơn cử như thời điểm công bố thông tin có nhà đầu tư đề xuất xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 thì bất động sản khu Nam đã nóng lên trông thấy. Hay như trường hợp của đại lộ Phạm Văn Đồng, khi được đưa vào khai thác sử dụng thì hàng loạt khu nhà ở dọc theo tuyến đường này. Chưa kể đến một số trung tâm thương mại quy mô lớn lần lượt hình thành.

Nói về sự bổ trợ của hạ tầng đối với bất động sản, ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Him Lam Land cho biết, về cơ bản, các dự án địa ốc nằm cạnh trục giao thông huyết mạch luôn được đảm bảo về thanh khoản (dễ mua, bán, cho thuê) và giá trị thường cao hơn những nơi khác từ 20 - 30% (ngoại trừ khu vực trung tâm).

Do đó, có không ít trường hợp chủ đầu tư đã hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai thi công một khu nhà ở nhưng vẫn chờ đến khi các công trình hạ tầng kết nối trực tiếp vào để đảm bảo trước hết yếu tố đầu ra cho sản phẩm.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục