Để lôi kéo khách hàng, nhiều doanh nghiệp “chơi chiêu” nói quá tiện ích sản phẩm trong lúc dự án vẫn chưa hoàn thành. Các tiện ích trong mơ, không gian sống xanh, sạch đẹp mê hồn với đủ các mỹ từ như: “Sống xanh, bể bơi vô cực, giao thông thuận tiện, giá ưu đãi, đẳng cấp, tương đương khách sạn 5 sao…” được vẽ ra trong các tài liệu đồ họa, 3D...
Tuy nhiên, thường những tiện ích được quảng cáo nói trên lại không được đưa vào các điều khoản của hợp đồng mua bán, dẫn đến khi nhận bàn giao nhà, khách hàng chưng hửng vì thực tế khác quá nhiều so với quảng cáo.
Đơn cử như vụ việc tại Chung cư An Gia Star (quận Bình Tân, TP.HCM), trong bản vẽ tổng thể và chi tiết từng phần gửi tới khách hàng, thể hiện rõ ràng dự án có 3 thang máy cho 1 block. Thế nhưng, trong hợp đồng ký và thực tế thì dự án này chỉ có 2 tháng máy cỡ nhỏ cho mỗi block... Việc làm này khiến khách hàng vô cùng bức xúc và đâm đơn khiếu nại.
Một dự án nữa cũng đang được cho là quảng cáo quá đà khi vẽ ra con sông Đồng Nai có bãi tắm như ở biển là Dự án Khu đô thị sinh thái King Bay, có địa chỉ tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai do Công ty Freeland làm chủ đầu tư trên diện tích rộng 125 ha.
Chủ đầu tư này quảng cáo, King Bay tọa lạc tại vị trí chiến lược hiếm có với ba mặt của dự án bao quanh bởi sông Đồng Nai xanh mát, đã được định hướng sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái.
Tuy nhiên, thực tế, sông Đồng Nai khu vực này lại là điểm “đen” về ô nhiễm. Thêm vào đó, đoạn sông ở khu vực này chảy xiết, nặng phù sa, nên không thể nào xây dựng bãi tắm như quảng cáo của chủ đầu tư dự án.
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản về vấn đề này, một số lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn TP.HCM cho rằng, chuyện quảng cáo bằng “lời hay, hình ảnh đẹp” để khách hàng hứng thú tiếp cận dự án là phổ biến, nhưng không nên quá phóng đại. Bởi việc “làm lố” này như con dao hai lưỡi, có thể bán được hàng nhanh nhưng khi dự án hoàn thành, khách hàng không thấy cái họ nhận như quảng cáo thì sẽ có cảm giác chủ đầu tư lừa dối, dẫn tới phản ứng.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hiện ông đang nhận khá nhiều hợp đồng của khách hàng kiện chủ đầu tư vì dự án khi bàn giao thiếu một số tiện ích như quảng cáo.
Trên thực tế, năm 2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 31/2016/TT-BXD quy định việc phân hạng và công nhận hạng nhà chung cư. Theo đó, tiêu chí phân hạng chung cư dựa vào 4 nhóm sau: Tiêu chí về quy hoạch - kiến trúc; tiêu chí về hệ thống, thiết bị kỹ thuật; tiêu chí về dịch vụ, hạ tầng xã hội; tiêu chí về chất lượng, quản lý, vận hành. Và nhà chung cư phân chia thành 3 hạng: Hạng A, hạng B và hạng C.
Với hạng A, quy định cụ thể về, mật độ xây dựng không quá 45%, bình quân diện tích sử dụng căn hộ trên số phòng ngủ tối thiểu 35 m2, có hệ thống trung tâm thương mại trong bán kính 1 km, mỗi thang máy phục vụ không quá 40 căn hộ, tối thiểu 1 căn hộ có 1 chỗ để xe ô tô...
Hạng B, mật độ xây dựng không được vượt quá 55%, bình quân diện tích sử dụng căn hộ trên số phòng ngủ tối thiểu 30 m2, có trung tâm thương mại hoặc siêu thị trong bán kính 1,5 km...
Hạng C là nhà chung cư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được phân hạng nhưng không đạt đủ tiêu chí để công nhận hạng A và hạng B.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều chủ đầu tư lại thường phân hạng chung cư theo cách riêng là theo cấp: Cao cấp, trung cấp, bình dân - giá rẻ với những tiêu chí mơ hồ. Điều này dẫn đến hiện tượng, nhiều công ty, dự án tự phong căn hộ cao cấp rồi rao bán với giá cao ngất ngưởng.
Theo một số chuyên gia, lý do các chủ đầu tư “ngại” phân hạng chung cư theo các tiêu chí của Thông tư số 31/2016/TT-BXD bởi nhiều chung cư mang danh cao cấp khó lòng đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiếu của chung cư hạng A, nhất là các điều kiện về mật độ và các quy định của xây dựng…
Để chấn chỉnh tình trạng loạn danh xưng chung cư cao cấp, hạng sang, siêu sang, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, rất cần xem xét lại pháp quy của quy định phân hạng chung cư bởi chưa có chế tài cho những chủ đầu tư không tuân theo.
Theo HoREA, Thông tư 31 có bất cập là chỉ phân hạng chung cư sau khi đã xây dựng xong hoặc đã bán căn hộ cho khách hàng. Trong khi đó, vấn nạn “quảng cáo quá đà” thường chỉ xảy ra đối với các sản phẩm hình thành trong tương lai.
“Thông tư chưa quy định cụ thể tiêu chí phân hạng nhà chung cư hình thành trong tương lai. Trong lúc người mua sản phẩm này muốn biết rõ hạng nhà chung cư, nhất là hạng nhà chung cư cao cấp trước khi quyết định để tránh bị nhầm lẫn hoặc bị lừa dối”, đại diện HoREA nêu rõ.
Từ đó, HoREA đưa ra kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 31/2016/TT-BXD theo hướng quy định cụ thể tiêu chí của "nhà chung cư cao cấp", "nhà chung cư hạng sang", "nhà chung cư siêu sang", "căn hộ cao cấp", "căn hộ hạng sang", "căn hộ siêu sang" (đi kèm các từ nước ngoài tương đương) đối với nhà chung cư đã xây dựng hoàn thành và nhà chung cư hình thành trong tương lai, để bảo vệ lợi ích chính đáng của người mua nhà.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com