Doanh nghiệp địa ốc có "của để dành" cho nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, song nhiều doanh nghiệp bất động sản công bố kết quả kinh doanh bán niên với lợi nhuận tích cực và tạo cơ sở nhất định cho kỳ vọng sáng của cả năm.
Ảnh : Dũng Minh Ảnh : Dũng Minh

Nhiều doanh nghiệp có kết quả bán niên tích cực

Như nhiều dự báo từ trước, năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn của ngành bất động sản bởi đặc thù vòng đời kéo dài của quá trình tạo lập dự án, chỉ cần vài tháng đình trệ hoạt động xúc tiến thủ tục pháp lý, triển khai thi công và bán hàng… cũng có thể khiến doanh nghiệp bị “khớp” cả năm sau đó.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh những tháng cuối năm 2020 khá “êm đềm” tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh tiến độ ra hàng những quý đầu năm 2021, nên theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, kết thúc nửa đầu năm 2021, nhóm doanh nghiệp tốp đầu (xem bảng) tiếp tục duy trì được tăng trưởng, thậm chí vượt trội so với cùng kỳ năm trước nhờ tận dụng được sự sôi động trở lại của thị trường trong quý I/2021, bên cạnh nỗ lực cơ cấu lại tài sản, trước khi giảm tốc trong nửa cuối quý II/2021 khi dịch Covid-19 tái bùng phát.

Thống kê của FinnGroup theo số lượng doanh nghiệp đã công bố báo cáo bán niên tới cuối tháng 7/2021 cho thấy, ngành địa ốc duy trì tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao 90,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế quý II/2021 của của 36/80 doanh nghiệp bất động sản nhà ở tăng 119,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, bên cạnh những “đầu tàu” như Vinhomes (mã VHM) hay Novaland (mã NVL), thị trường còn chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp khác như Phát Đạt (mã PDR), Nam Long (mã NLG), Becamex IJC (mã IJC), Năm Bảy Bảy (mã NBB), Cen Land (mã CRE), TTC Land (mã SCR)…

Đơn cử, tại Vinhomes, các đại đô thị Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Grand Park và các dự án mới tiếp tục đóng góp tích cực vào con số hơn 41.711 tỷ đồng doanh thu và 15.629 tỷ đồng lãi ròng trong nửa đầu năm nay, tăng lần lượt 82% và 52% so với cùng kỳ năm trước.

Còn tại Novaland, việc bàn giao các dự án lớn như Saigon Royal, Aqua City, NovaHills Mui Ne, Victoria Village, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet cũng giúp doanh nghiệp này ghi nhận hơn 2.014 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2020.

Tương tự, dự án Carillon 7 được bàn giao trong quý II/2021 giúp TTC Land đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 220 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng 3,5 lần cùng kỳ năm trước và hoàn thành 95% kế hoạch năm.

Với Nam Long, việc ghi nhận doanh thu từ dự án Waterfront Đồng Nai mang lại hơn 412 tỷ đồng lãi ròng trong nửa đầu năm 2021, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2021.

Tại Cen Land, doanh thu đầu tư bất động sản tăng 16 lần trong 6 tháng qua, đạt 2.941 tỷ đồng, chiếm 77% tổng doanh thu. Là một doanh nghiệp môi giới bất động sản, nhưng từ năm 2020, Cen Land đã tập trung vào hoạt động đầu tư bất động sản thứ cấp, đẩy cơ cấu doanh thu mảng này tăng từ 43% năm 2019 lên 50,1% năm 2020 (cao hơn 2,6% so với mảng môi giới). Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Cen Land đạt 251 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 80% so với cùng kỳ 2020 và hoàn thành 62% kế hoạch năm.

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2021 của Phát Đạt cũng tăng 80%, lên mức 251 tỷ đồng, chủ yếu từ việc chuyển nhượng, bàn giao một số nền đất tại Phân khu số 2, Phân khu số 9 và chuyển nhượng một phần khu chung cư cao tầng tại Phân khu số 4 của Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội.

Theo ông Nguyễn Anh Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Hải Phòng, đặc thù của ngành bất động sản là chỉ khi bàn giao nhà, nền đất, sản phẩm mới được phép ghi nhận doanh thu theo tiêu chuẩn kế toán hiện hành. Trung bình một dự án từ lúc chào bán đến khi bàn giao sản phẩm thường có độ trễ một vài năm.

Với đặc thù này, các doanh nghiệp niêm yết không phụ thuộc vào tình hình chào bán sản phẩm trong kỳ để kiểm toán, mà có thể chủ động sắp xếp kế hoạch lợi nhuận theo trình tự bàn giao nhà cuốn chiếu. Điều này lý giải vì sao thị trường bất động sản trầm lắng suốt quý II/2021, nhưng các doanh nghiệp địa ốc vẫn công bố doanh thu và lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có sự chuẩn bị về chiến lược bán hàng mới, đẩy mạnh chuyển đổi số và cơ cấu lại hoạt động kinh doanh để tiết giảm chi phí, góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Nửa cuối năm sẽ ra sao?

Thống kê của SSI Research cho thấy, tính đến 31/7/2021, so với VN-Index, cổ phiếu một số ngành như ngân hàng tăng 34%, thép tăng 57%, chứng khoán tăng hơn 70%, trong khi cổ phiếu địa ốc tăng thấp hơn, khoảng 30%, cho thấy sự tăng trưởng của nhóm ngành này chưa hòa nhịp cùng với đà tăng chung của thị trường nên còn dư địa tăng trong 2 quý cuối năm, khi đây là “điểm rơi” lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản.

Bà Đỗ Thị Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu, Khối Dịch vụ thông tin tài chính của Fiin Group cho biết, triển vọng lợi nhuận của nhóm bất động sản nhà ở trong thời gian tới được đánh giá khá tích cực nhờ vào việc dòng tiền đầu cơ, tiết kiệm đang đổ sang nhà đất, làm tăng cầu và đẩy giá bất động sản lên cao. Cũng theo bà Vân, với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, việc ghi nhận doanh thu và lợi nhuận phụ thuộc vào thời điểm bàn giao dự án cho khách hàng.

Về phía doanh nghiệp, theo đánh giá của ban lãnh đạo Vinhomes, thị trường bất động sản tuy chịu tác động của dịch bệnh, nhưng do nhu cầu lớn và nguồn cung khan hiếm nên khả năng hấp thụ vẫn cao. Trong khi đó, việc tiếp tục mở bán các đại đô thị Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City (Hà Nội), Vinhomes Grand Park (TP HCM) và các dự án mới sẽ vừa bổ sung nguồn cung lớn ra thị trường, vừa đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh năm 2021. Dự kiến, lợi nhuận năm 2021 của Vinhomes có thể đạt tới con số 35.000 tỷ đồng.

Năm nay, Novaland đề ra kế hoạch doanh thu 27.500 tỷ đồng, tăng 447% so với thực hiện năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế mục tiêu chỉ tăng 5%, tương đương 4.100 tỷ đồng. Novaland dự kiến sẽ đưa ra thị trường khoảng 10.000 sản phẩm bất động sản đến từ các dự án đang triển khai.

Ban lãnh đạo Nam Long cho biết, năm 2021 sẽ tái cấu trúc Công ty theo hình thức “đơn vị kinh doanh” (business unit), trong đó mỗi đơn vị kinh doanh là mỗi trung tâm lợi nhuận (profit center). Nếu hoàn thành các kế hoạch đặt ra, lợi nhuận sau thuế dự phóng năm 2021 có thể đạt 1.367 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2020.

Tại báo cáo thị trường nửa đầu năm công bố cách đây không lâu, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đưa ra dự báo, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM năm 2021 dự kiến tương đương với năm 2020, trong khi nguồn cung nhà phố, biệt thự có thể giảm mạnh. Còn tại thị trường Hà Nội, dự kiến có sự tăng trưởng khá về nguồn cung căn hộ và nhà phố/biệt thự trong năm nay, chủ yếu nhờ mở bán các dự án mới ở Long Biên, Tây Mỗ. Do đó, thời gian tới, khi các chủ đầu tư và ngân hàng tiếp tục hợp tác để đưa ra lịch thanh toán và gói vay mua nhà hấp dẫn, khả năng hấp thụ tăng lên… là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp bất động sản cải thiện hơn nữa chỉ tiêu lợi nhuận.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VARS, việc Chính phủ đang đẩy mạnh tiêm vắc-xin và xem xét thử nghiệm chương trình “hộ chiếu vắc-xin” vào cuối năm nay sẽ tạo đà cho sự trở lại của ngành du lịch cũng như lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, từ đó tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp địa ốc đang theo đuổi lĩnh vực này.

FiinPro nhận định, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao trong nửa đầu năm chưa phản ánh đầy đủ tình hình hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp bất động sản. Vì thế, các yếu tố như quỹ đất sạch, tiềm lực tài chính và chất lượng hàng tồn kho, bao gồm các dự án đang thực hiện/mở bán, cần được xem xét đến khi đánh giá một doanh nghiệp ngành này. Đơn vị này dự báo, lợi nhuận sau thuế của ngành bất động sản (chủ yếu là bất động sản nhà ở) sẽ tăng 22,4% năm 2021 và 19,1% năm 2022. Với thực trạng nguồn cung nội đô khan hiếm, nhóm bất động sản nhà ở, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án tại vùng ven với kết nối thuận lợi vào trung tâm như VHM, NVL, DXG, DIG, NLG được kỳ vọng có tăng trưởng đột biến.

Trang Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục