Doanh nghiệp địa ốc bắt đầu “chạy nước rút”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông thường, 2 quý cuối năm là thời điểm “chạy nước rút” của các doanh nghiệp địa ốc để hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm và năm nay cũng không là ngoại lệ, dù khó khăn còn chất chồng.
Hai quý cuối năm là “chặng nước rút” của các doanh nghiệp địa ốc. Ảnh: Lê Toàn Hai quý cuối năm là “chặng nước rút” của các doanh nghiệp địa ốc. Ảnh: Lê Toàn

Gượng dậy từ “đáy”

Trong quý II/2023, dù vẫn ghi nhận khoản lỗ hơn 200 tỷ đồng, nhưng so với con số lỗ hơn 300 tỷ đồng trong quý I, tình hình kinh doanh của Tập đoàn Novaland bắt đầu có sự cải thiện.

Trong kỳ, Novaland ghi nhận hơn 1.048 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu thuần từ bàn giao bất động sản đạt hơn 927 tỷ đồng tới từ các dự án NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, Aqua City (Đồng Nai), Palm City, Saigon Royal và Victoria Village (TPHCM), còn lại là doanh thu từ cung cấp dịch vụ (113 tỷ đồng).

Theo đại diện Novaland, doanh thu quý II/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước một phần do ảnh hưởng chung của thị trường bất động sản, trong khi các loại chi phí như chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp… đều tăng cao, “ăn mòn” lợi nhuận, nên Công ty còn ghi nhận lỗ trong kỳ. Tuy nhiên, điểm sáng là khoản người mua trả trước ngắn hạn (khoản khách hàng đặt cọc mua sản phẩm, khi bàn giao sẽ được ghi nhận thành doanh thu) tăng 7% so với đầu năm, đạt 17.155 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Novaland có thêm 1.192 tỷ đồng tiền đặt cọc của khách mua nhà.

Có thể thấy, thời gian qua, bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ vướng mắc tại các dự án, qua đó tiếp tục triển khai để bàn giao tới người mua, Novaland đã rất nỗ lực đã nỗ lực đàm phán với các cá nhân, tổ chức cho vay nhằm ổn định tình hình tài chính trở lại. Đây cũng là điều được nhiều doanh nghiệp bất động sản đang cố gắng thực hiện để gượng dậy từ “đáy”.

Tại Đất Xanh Group, nhà phát triển bất động sản này ghi nhận doanh thu thuần đạt khoảng 713,8 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm 54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ bán căn hộ và đất nền đóng góp gần 454 tỷ đồng.

Việc quản lý tốt chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp nên các chi phí này đều giảm mạnh, lần lượt về mức 108 tỷ đồng và 100 tỷ đồng, góp phần giúp Đất Xanh Group đạt lãi ròng 156,19 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 quý liền trước, Công ty đã lỗ 95 tỷ đồng (quý I/2023) và 408 tỷ đồng (quý IV/2022).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Đất Xanh Group đạt gần 1.091,9 tỷ đồng, lãi ròng đạt 61,2 tỷ đồng. Dù mức lợi nhuận này giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (giảm 85%), song cũng phần nào cho thấy nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp.

Với Tập đoàn Nam Long, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp này đạt doanh thu đạt 1.188,5 tỷ đồng, bằng 65% cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 247,7 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Phần lớn doanh thu nửa đầu năm 2023 của Nam Long đến từ việc bàn giao các sản phẩm thuộc 2 dự án khu đô thị Mizuki Park (TP.HCM) và Southgate (Long An).

Ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Nam Long cho biết, nếu trong quý I/2023, doanh số bán hàng của Công ty còn khá khiêm tốn, đạt khoảng 238 tỷ đồng, thì bước sang quý II, tình hình cải thiện thấy rõ, doanh số đạt 629 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 61%, cải thiện mạnh so với con số 44% của cùng kỳ năm trước.

“Trong bối cảnh thị trường khó khăn, may mắn của Nam Long là hầu hết khách hàng đã mua sản phẩm trước đó vẫn đóng 45% giá trị hợp đồng để nhận bàn giao nhà. Đây là yếu tố chính giúp Công ty ghi nhận doanh số bán hàng khả quan trong 6 tháng đầu năm nay”, ông Ngọc thông tin thêm.

Một trong những dự án được triển khai trở lại của Novaland. Ảnh: Lê Toàn

Một trong những dự án được triển khai trở lại của Novaland. Ảnh: Lê Toàn

Nỗ lực hỗ trợ đại lý, người mua nhà

Có thể thấy, những chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản của Chính phủ cùng các bộ, ngành và các địa phương thời gian qua bắt đầu có tác dụng. Theo đó, các doanh nghiệp địa ốc cũng khởi động trở lại kế hoạch bán hàng cũng như triển khai dự án phục vụ giai đoạn nước rút cuối năm.

Chẳng hạn, tại Novaland, từ đầu quý II/2023, sau khi được gỡ vướng pháp lý, một loạt dự án tại nhiều địa phương của doanh nghiệp này như The Grand Manhattan (quận 1, TP.HCM), Victoria Village (TP. Thủ Đức, TP.HCM), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), NovaWord Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu), Aqua City (Đồng Nai)… đã được triển khai trở lại.

Novaland cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Công ty sẽ tiếp tục ghi nhận doanh thu tại các dự án đã và đang triển khai, kế hoạch lãi sau thuế trong quý III và IV lần lượt là 310 tỷ đồng và 515 tỷ đồng. Trong trường hợp suôn sẻ, lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của Novaland sẽ đạt gần 214 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã được đại hội cổ đông thường niên 2023 thông qua.

Hay với Nam Long, mục tiêu doanh số bán hàng cả năm 2023 là hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn sẽ được thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Theo kế hoạch, Nam Long sẽ tập trung vào triển khai các dự án hiện hữu, bao gồm các dòng sản phẩm nhà liền thổ ven sông là Compound Park Village và The Aqua thuộc Khu đô thị Waterpoint (Bến Lức, Long An), dự án Ehome Southgate cùng 2 dự án chủ lực tại TP.HCM là Khu đô thị Mizuki Park và Akari City.

Tương tự, Tập đoàn Hưng Thịnh tung ra giỏ hàng tiếp theo của dự án chung cư Avatar Thủ Đức với chính sách thanh toán 0,2-2,5% mỗi tháng. Ngoài ra, kế hoạch từ nay đến cuối năm của Tập đoàn là làm việc với các đối tác để phát triển nhà ở xã hội. Những dự án căn hộ đã chào bán trước đó như WestGate (An Gia), MT Eastmark City (Điền Phúc Thành)… cũng rục rịch triển khai rổ hàng còn lại trong nửa cuối năm 2023.

Trong báo cáo mới đây, Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) nhận định, thị trường bất động sản sẽ “ấm” hơn từ cuối quý IV/2023. Khi đó, số lượng giao dịch bình quân ước đạt 20-30% so với giai đoạn trước dịch.

Đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều năm trở lại đây, các chủ đầu tư dự án thể hiện rõ thiện chí bán hàng với loạt chính sách chưa từng có. Chẳng hạn, nếu như trước đây, khi thực hiện chiến dịch marketing cho dự án, chủ đầu tư thường chỉ làm mass marketing (tiếp thị đại chúng), còn đơn vị môi giới làm direct marketing (tiếp thị trực tiếp), thì nay bên cạnh tiếp thị đại chúng, chủ đầu tư còn chi trước chi phí tiếp thị trực tiếp để tạo thêm động lực cho các đại lý (dao động từ 1-3% tổng chi phí marketing tùy loại hình sản phẩm).

Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư còn tăng phí môi giới bằng hình thức thưởng nóng cho nhân viên kinh doanh, có nơi tăng gấp 3 lần so với trước kia, đồng thời không yêu cầu các đại lý ký quỹ, nếu có thì chỉ ở mức tượng trưng để thể hiện thiện chí. Một số chủ đầu tư đã giảm số tiền nhận giữ chỗ có hoàn lại nhằm thu hút sự quan tâm cũng như tạo thuận tiện cho người mua. Trước đây, khoản tiền này dao động từ 50-100 triệu đồng/sản phẩm, nhưng hiện giảm xuống còn 30 triệu đồng/sản phẩm.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục