Doanh nghiệp dệt may, da giày lo đứt gãy đơn hàng

(ĐTCK) Việc tạm dừng sản xuất hoặc thực hiện “3 tại chỗ” để phòng dịch khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất phải đối mặt với nguy cơ đứt gãy đơn hàng.
Đơn hàng năm 2022 vẫn là ẩn số lớn với các doanh nghiệp may mặc. Ảnh: Dũng Minh.

Ngành dệt may chỉ còn vận hành 10 - 15% công suất

Thông tin đáng ngại này được ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chia sẻ.

Sản phẩm dệt may mang tính thời vụ, nên các doanh nghiệp ngành này chịu áp lực rất lớn về tiến độ giao hàng. Để tránh nguy cơ vi phạm hợp đồng, một số doanh nghiệp dệt may phía Nam đã gửi đơn hàng cho các công ty ngoài Bắc không chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng lại gặp khó khăn trong việc gửi nguyên phụ liệu, cán bộ kỹ thuật.

Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kéo dài ở nhiều địa phương khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa do không đáp ứng được các tiêu chí của phương thức sản xuất “3 tại chỗ” (ăn, ngủ, làm việc ngay trong nhà máy, công trường), hoặc chỉ duy trì một tỷ lệ nhỏ công nhân làm việc.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã TCM) đang hoạt động “3 tại chỗ” với 50% quân số. Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM cho biết, Công ty rất vất vả trong việc đảm bảo điều kiện ăn, ở, sản xuất cho hơn 1.800 cán bộ, công nhân.

Đơn hàng dệt may thời điểm này không thiếu, nhưng điều ông Tùng lo ngại là thiếu lao động, ảnh hưởng đến năng lực sản xuất, tiến độ giao hàng. TCM đã nhiều lần điều đình với đối tác xin lùi thời hạn giao hàng.

Theo ông Tùng, nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát sớm, doanh nghiệp sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. Hiện đã xuất hiện làn sóng người lao động trở về quê hương, nếu dịch bệnh kéo dài sang quý IV - thời điểm gần Tết Nguyên đán, người lao động có xu hướng ở quê ăn Tết xong mới quay lại TP.HCM làm việc. Điều này khiến các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân công, năng lực sản xuất giảm.

Trong lĩnh vực da giày, Công ty Pouyuen Việt Nam và Changshin Việt Nam cũng vừa thông báo tạm dừng hoạt động. Đây là hai công ty chuyên gia công cho thương hiệu giày Nike. Changshin Việt Nam có quy mô 42.000 lao động.

Công ty TNHH HwaSeung Vina đã cho 15.000 lao động nghỉ việc phòng chống dịch từ 22/7/2021 đến 4/8/2021 và tiếp tục gia hạn đến 16/8/2021. Đây là công ty sản xuất giày thể thao thương hiệu Adidas, Reebok, có nhà máy tại Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, một số doanh nghiệp da giày còn hoạt động, sản xuất cũng gặp khó khăn do phải giảm 50% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, trong khi phải tốn chi phí không nhỏ để lo ăn, ở và test nhanh Covid-19 cho công nhân.

Không chỉ chậm tiến độ giao hàng, nhiều doanh nghiệp dệt may và da giầy đối mặt vấn đề lớn hơn là nguy cơ đứt gãy đơn hàng mới. Hiện hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý IV/2021, nhưng đơn hàng cho năm 2022 vẫn là ẩn số.

Ông Vũ Đức Giang tiết lộ, một số đối tác nước ngoài đã tính đến việc chuyển đơn hàng sang nước khác để đảm bảo không bị đứt gãy nguồn cung ứng khiến nhiều doanh nghiệp dệt may như “ngồi trên đống lửa”.

Chủ tịch TCM Trần Như Tùng xác nhận, khả năng này có thể xảy ra trong tương lai khi số doanh nghiệp dệt may phía Nam duy trì sản xuất “3 tại chỗ” như TCM chỉ chiếm tỷ lệ vài phần trăm, còn lại đa số tạm dừng hoạt động.

“Khách hàng của TCM chưa đề cập đến việc dừng hay chuyển đơn đi nơi khác, nhưng chúng tôi vẫn lo xa”, ông Tùng chia sẻ.

Tổng giám đốc Công ty May 10, ông Thân Đức Việt cho rằng, khi cả thế giới biết Việt Nam đang ở tâm dịch, khách hàng sẽ lo lắng. Nếu Việt Nam không sớm kiểm soát được dịch bệnh tốt, họ sẽ rút đơn hàng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp khác trong ngành dệt may lo ngại, “nếu mất đơn hàng, doanh nghiệp sẽ không lấy lại được, kể cả khi năm sau, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt”.

Cần tăng cường tính chủ động cho doanh nghiệp

Chủ tịch TCM kiến nghị, để hạn chế tình trạng đứt gãy sản xuất, đứt gãy đơn hàng, nên để cho doanh nghiệp tự chủ trong hoạt động và quản lý cán bộ công nhân viên.

Như tại TCM, sau hai tuần đầu khá chật vật, đến nay, việc vận hành sản xuất “3 tại chỗ” cho 1.800 lao động đã đi vào ổn định. Nhiều công nhân đang ở bên ngoài còn xin vào làm vì vừa an toàn vừa có thu nhập.

Dù chịu gánh nặng chi phí “3 tại chỗ”, nhưng theo ông Tùng, bù lại, TCM vẫn đảm bảo được sản xuất, đáp ứng đơn hàng của khách và có dòng tiền, tốt hơn nhiều so với việc tạm dừng hoạt động. Bởi nếu doanh nghiệp dừng hoạt động sẽ không tạo ra dòng tiền, trong khi vẫn trả lương tối thiểu cho người lao động, chưa kể phải chịu chi phí phạt hợp đồng vì không đáp ứng đơn hàng và các chi phí khác…

Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” như TCM.

Thêm nữa, như một doanh nghiệp phản ánh, “3 tại chỗ” chỉ phù hợp áp dụng trong thời gian ngắn, nếu kéo dài trạng thái này, công nhân sẽ chán nản, mệt mỏi, không yên tâm làm việc. Kiến nghị được doanh nghiệp này đưa ra là nên để doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa đón công nhân đến nơi làm việc và đảm bảo quy trình kiểm tra sức khoẻ.

Còn theo TS. Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nên phát huy các sáng kiến của doanh nghiệp nếu họ đảm bảo được an toàn, đồng thời tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền cùng quy định xử lý cụ thể.

Doanh nghiệp cần đóng vai trò kép, vừa phòng dịch vừa sản xuất, cần có kịch bản để sống chung dài hạn với dịch bệnh. Nếu không, rủi ro về mặt kinh tế là rất lớn, “không chỉ là tạm đứt gãy chuỗi cung ứng, mà đã gãy là gãy hẳn”.

Hãy để doanh nghiệp có vai trò tự chủ nhiều hơn trong khâu phòng dịch.

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Chính phủ cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động bình thường, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở đảm bảo an toàn cho người lao động, bởi dịch bệnh dự báo có thể sẽ kéo dài.

Ông Cung cũng đề nghị bỏ quy định về danh mục hàng thiết yếu, vấn đề là đảm bảo an toàn sức khỏe cho tài xế nên cần áp dụng thống nhất về phương pháp xét nghiệm, thời hạn.

“Hãy để doanh nghiệp có vai trò tự chủ nhiều hơn trong khâu phòng dịch cho người lao động”, ông Cung nói.

Trong khi đó, khuyến nghị được bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam đưa ra, để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho công nhân. Trong trường hợp nguồn lực nhà nước còn hạn chế, các đơn vị y tế tư nhân sẵn sàng tham gia vào cuộc để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục