Doanh nghiệp đề xuất làm rõ ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước làm rõ hơn các ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu khi xây dựng Nghị định thi hành Luật Đấu thầu để khi áp dụng vào cuộc sống doanh nghiệp không gặp khó khăn.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI phát biểu tại hội thảo Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI phát biểu tại hội thảo

Nhiều quy định mới so với hiện nay

Ngày 2/11, tại TP.HCM, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Thông tin về những điểm mới trong dự thảo Nghị định, ông Hoàng Cương, Trưởng phòng Chính sách đấu thầu, Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, dự thảo Nghị định gồm 12 chương và 126 điều, trong đó có nhiều điều khoản mới so với quy định hiện nay.

Đầu tiên là việc đấu thầu một cửa, với phương thức đấu thầu này tất cả các khâu như phê duyệt hồ sơ mời thầu, thanh toán hợp đồng, đánh giá uy tín của nhà thầu… đều phải làm qua mạng. Khi đó nhà thầu chỉ cần click chuột để thực hiện các bước từ khi đấu thầu đến khi nghiệm thu, thanh lý hợp đồng.

Một điểm mới được đưa vào dự thảo Nghị định là bổ sung các quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu như ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; ưu đãi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; ưu đãi với nhà sản xuất trong nước được chuyển giao công nghệ để sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.

Ông Cương cho biết, dự thảo cũng quy định cụ thể về mua sắm xanh; quy định về mua sắm tập trung, đấu thầu bền vững. Dự thảo cũng bỏ một số bước trong quy trình như: bỏ quyết định mua sắm, không cần phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu, danh sách đạt kỹ thuật đối với 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ; không cần thương thảo hợp đồng (trừ một số trường hợp).

Doanh nghiệp muốn các ưu đãi rõ ràng hơn

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đề xuất làm rõ hơn các nội dung ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu. Ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam cho rằng, dự thảo quy định doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ được ưu đãi với các gói thầu thuộc lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo sẽ làm giới hạn ưu đãi đối với các doanh nghiệp này.

“Hiện nay quy định pháp luật về sản phẩm đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp sáng tạo chưa rõ ràng, một số ít được quy định trong Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Vì vậy trước khi có những văn bản cụ thể hơn thì nên làm rõ trong nghị định hoặc là để điều khoản ưu đãi dành cho doanh nghiệp sáng tạo tùy thuộc vào bên mời thầu, nếu không thì chính sách ưu đãi này khi áp dụng vào cuộc sống việc thực hiện sẽ rất khó khăn” ông Nghĩa lo ngại.

Cũng góp ý về ưu đãi cho nhà thầu, ông Hứa Phú Doãn, Phó chủ tịch Hội Thiết bị y tế TP.HCM đề nghị cần quy định rõ hơn các điều kiện được ưu đãi như doanh nghiệp chỉ cần có sản phẩm đổi mới sáng tạo là được dự thầu hay là doanh nghiệp chỉ được ưu đãi khi dự thầu các gói thầu đổi mới sáng tạo.

Liên quan đến ưu đãi đối với đấu thầu bền vững, ông Doãn cũng cho rằng cần phải quy định con số cụ thể để xác định yếu tố bền vững, như ở nhiều nước quy định là 30 % trở lên mới được tính là bền vững.

Bà Nguyễn Quỳnh Lan, Công ty cổ phần Giá xây dựng, băn khoăn về ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam vì hiện nay việc thiếu quy định về xuất xứ hàng hoá nội địa là một trong những thực trạng khiến không ít doanh nghiệp lạm dụng tem, nhãn made in Vietnam dù tỷ trọng sản xuất nội địa là rất thấp.

Tại thời điểm dự thầu, nhiều hàng hoá chưa được sản xuất, việc chứng minh tỷ lệ hàng hóa có tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước dưới 50% và trên 50% (để được hưởng ưu đãi các mức khác nhau) chỉ mang tính chất tương đối.

Bà Lan đề xuất, để tránh việc gian lận xuất xứ hàng hoá, phải quy định cụ thể thời điểm, các giấy tờ cần thiết chứng minh chi phí sản xuất trong nước của hàng hóa phải từ 30% trở lên. Trường hợp nhà thầu chứng minh được tỷ lệ nội địa hoá đáp ứng để hưởng ưu đãi thì nhà thầu phải cam kết khi sản xuất hàng hoá phải sử dụng đúng các loại nguyên vật liệu và định mức như khi tính toán tỷ lệ nội địa hoá. Trường hợp có sự sai khác, nhà thầu được coi là gian lận và bị xử lý vi phạm.

Sau khi nghe các ý kiến góp ý của doanh nghiệp bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Đấu thầu, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã giải đáp làm rõ hơn những ý kiến mà doanh nghiệp còn băn khoăn.

Đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bà Hằng cho biết, Ban soạn thảo Nghị định tiếp thu các ý kiến góp ý của doanh nghiệp để nghiên cứu sửa đổi nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục