Doanh nghiệp dè dặt lên kế hoạch năm 2017

(ĐTCK) Tăng trưởng luôn là mục tiêu hiện hữu đối với DN, nhưng làm thế nào để giữ được mức tăng trưởng bền vững, thay vì chỉ nhất thời tại một vài thời điểm là điều nhiều lãnh đạo DN phải cân nhắc kỹ lưỡng khi đặt ra kế hoạch kinh doanh.
Nhiều DN ngành thép được 
hưởng lợi do giá thép diễn biến tích cực năm 2016, tuy nhiên, xu hướng giá thép năm 2017 vẫn là một ẩn số Nhiều DN ngành thép được hưởng lợi do giá thép diễn biến tích cực năm 2016, tuy nhiên, xu hướng giá thép năm 2017 vẫn là một ẩn số

Lạc quan, nhưng phải nằm trong tầm với

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng các DN công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2017 chưa nhiều và thường những DN mạnh dạn công bố sớm đều đạt kết quả 2016 tương đối lạc quan.

Chia sẻ tại hội thảo “Hướng đi mới trong ngành phân phối công nghệ” do Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) và VietinbankSC tổ chức, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới số (DGW) cho biết, hiện Công ty vẫn đang cân nhắc về các chỉ tiêu cụ thể trong năm tới, nhưng với những dòng sản phẩm đang phân phối hiện tại thì dự kiến mức tăng trưởng vào khoảng 15% năm 2017, giúp doanh thu và lợi nhuận của Công ty gia tăng. 

Tuy nhiên, để đạt được kết quả kinh doanh tích cực, DWG sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại. Theo đó, các doanh nghiệp phân phối hàng công nghệ như DGW không chỉ phải cạnh tranh lẫn nhau, mà còn phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các nhà bán lẻ, khi các doanh nghiệp này giành được quyền phân phối trực tiếp từ hãng sản xuất.

Chưa kể, theo ông Việt, thị trường công nghệ là một thị trường thay đổi nhanh chóng và ngay trong thời điểm này, DGW đã nhìn thấy điểm thị trường bão hòa trong 3 năm tới, do đó, Công ty đã và đang có sự chuẩn bị cho bước tiếp theo với những nước cờ mới.

Công ty cổ phần Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB) cũng vừa thông qua kế hoạch năm 2017 với chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 1.934,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 52,4 tỷ đồng.

Năm 2016, HKB đặt mục tiêu 1.200 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 67,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 52,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 3 quý đầu năm, Công ty mới đạt gần 464 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 10,1 tỷ đồng, còn cách rất xa mục tiêu mà đại hội đồng cổ đông giao phó. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu thì quý IV/2016, HKB phải đạt lợi nhuận hơn 41 tỷ đồng.

Điều đáng nói ở HKB là kế hoạch kinh doanh lạc quan kể trên không đủ sức “kéo” giá cổ phiếu này thoát khỏi đà giảm.

Cụ thể, cổ phiếu HKB đã lao dốc mạnh khi từ 30.600 đồng/cổ phiếu (tháng 7/2016) xuống còn 2.400 đồng/cổ phiếu (phiên 8/12), tức giảm hơn 90% trong hơn 3 tháng. Diễn biến này cùng với con số kết quả hoạt dộng kinh doanh đạt được đang khiến cổ đông đặt ra nhiều câu hỏi với Ban lãnh đạo HKB.

Mặc dù ước tính chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch doanh thu đề ra trong năm 2016 và lợi nhuận vào khoảng 100 tỷ đồng, nhưng Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu lãi 200 tỷ đồng trong quý I/2017.

Nguyên nhân là bởi trong tháng 12/2016, HQC sẽ thực hiện khánh thành, bàn giao hai dự án là HQC Plaza và HQC Hóc Môn, qua đó phần lớn doanh thu và lợi nhuận sẽ được kết chuyển sang năm 2017.

Cụ thể, quý I/2017, HQC ước đạt lợi nhuận 200 tỷ đồng và quý II/2017 đạt 300 tỷ đồng lợi nhuận. Với các DN bất động sản, lợi nhuận phụ thuộc vào thời gian hạch toán sau bán hàng nên thường có độ trễ. Chính vì vậy, con số ước tính của DN trong nhiều trường hợp chưa khớp với thực tế. 

Nhiều yếu tố chi phối

Đối với DN hoạt động trong những ngành đặc thù, bị chi phối bởi biến động của các yếu tố bên ngoài, không nằm trong tầm kiểm soát của DN như giá dầu, giá cao su, tỷ giá…, việc đặt ra kế hoạch kinh doanh trong năm tới đòi hỏi nhiều phương án để phù hợp với các biến động thị trường.

Năm 2016, giá dầu đã có diễn biến theo chiều hướng tích cực đối với một số DN nhưng xu hướng trong năm 2017 vẫn là một ẩn số. Với các DN ngành dầu khí, dự báo giá dầu là một trong những yếu tố quan trọng làm cơ sở đặt kế hoạch kinh doanh.

Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS) là DN chịu tác động lớn từ biến động giá dầu, trong đó 3 mảng chịu nhiều tác động từ diễn biến xấu của giá dầu thế giới gồm mảng cho thuê tàu chuyên dụng, mảng vận hành lắp đặt, đấu nối các công trình dầu khí biển (O&M); mảng khảo sát địa chấn, địa chất và sửa chữa công trình ngầm bằng ROV.

3 mảng này đóng góp 43% doanh thu và 50% lợi nhuận gộp của PVS. Chính vì vậy, theo PVS, Công ty rất thận trọng khi đặt các chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2017. Thậm chí, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận năm tới có thể được điều chỉnh giảm từ 10% đến 20% so với năm 2016, khi doanh thu từ mảng xây, sửa chữa công trình ngầm dự báo sẽ giảm.

Với DN sản xuất cao su tự nhiên, hoạt động kinh doanh luôn chịu tác động bởi yếu tố thời tiết cũng như diễn biến tỷ giá. Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) cho biết, hoạt động khai thác cao su quý IV/2016 dự kiến gặp nhiều bất lợi do mưa nhiều tại khu vực Đông Nam Bộ. Ước tính sản lượng khai thác năm 2016 của công ty mẹ đạt 17.600 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, tổng sản lượng tiêu thụ cả năm ước tính giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt 28.600 tấn.

Bên cạnh hoạt động cốt lõi, lợi nhuận từ thanh lý cây cao su và chuyển nhượng đất cho Khu công nghiệp Nam Tân Uyên cũng trở thành điểm nhấn chính đối với PHR. 3 quý đầu năm 2016, PHR đã ghi nhận 110 tỷ đồng từ hoạt động thanh lý và chuyển nhượng đất, dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận thêm 100 tỷ đồng trong quý IV/2016.

Tuy vậy, nói về kế hoạch 2017, PHR cho biết, Công ty sẽ đặt kế hoạch kinh doanh năm tới tương đối thận trọng với sản lượng tiêu thụ ước tính đạt 26.500 tấn (giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và giá bán bình quân đạt 33 triệu đồng/tấn, tăng nhẹ so với mặt bằng giá năm 2016.

Biến động của giá thép và tỷ giá chi phối hoạt động kinh doanh của SMC

Doanh nghiệp dè dặt lên kế hoạch năm 2017 ảnh 1

 Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC 

Năm 2016, nhiều DN thép, trong đó có Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (SMC) được hưởng lợi do giá thép biến động theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, diễn biến giá thép trong năm 2017 vẫn đang là một ẩn số khó lường. Ngoài tác động của giá thép thì tỷ giá cũng là yếu tố ảnh hưởng đến Công ty, bởi SMC còn khoản dư nợ bằng ngoại tệ 35 triệu USD.

Riêng trong tháng 11/2016, mức tăng tỷ giá USD/VND khá mạnh khiến Công ty phải trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá 15 tỷ đồng. Nếu tỷ giá tiếp tục tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của SMC. Tuy nhiên, nếu chỉ biến động từ 2% đến 3% thì sẽ trong tầm kiểm soát.

Về kế hoạch năm 2017, HĐQT Công ty đã thống nhất đưa ra kế hoạch mà theo tính toán của SMC là tương đối khả thi. Dự kiến trong năm 2017, sản lượng tiêu thụ đạt 1,05 triệu tấn thép các loại và lợi nhuận sau thuế từ 70 - 80 tỷ đồng. Hoạt động xuyên suốt của Công ty sẽ vẫn là thép và không mở rộng sang các sản phẩm khác.

Dù chưa hết năm 2016 nhưng Công ty ước sản lượng tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn, thép xây dựng và thép tấm là 2 sản phẩm chủ lực chiếm lần lượt 60% và 30% tổng lượng tiêu thụ. Công ty ước đạt trên 10.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế khoảng 60 tỷ đồng.

HDG đặt mục tiêu tăng trưởng 10% đến 15% năm 2017

Doanh nghiệp dè dặt lên kế hoạch năm 2017 ảnh 2

Ông Chu Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) 

Năm 2016, Tập đoàn Hà Đô (HDG) ước đạt 230 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu của HDG đến từ nhiều mảng, trong đó chủ yếu là mảng thủy điện, xây lắp và ghi nhận doanh thu của các dự án. Hiện nay, Dự án Hà Đô Centrosa (Sài Gòn) đã mở bán 1.500 căn hộ chung cư nên một phần lợi nhuận sẽ được hạch toán trong quý IV/2016, phần còn lại sẽ đưa vào lợi nhuận trong năm 2017. Ngoài ra, Công ty cũng tiếp tục ghi nhận doanh thu từ Dự án Hà Đô Villa Sư Vạn Hạnh (Sài Gòn).

Năm 2017, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng từ 10% đến 15% cả về doanh thu lẫn lợi nhuận, trong đó nguồn thu chính vẫn đến từ hoạt động phân phối các dự án bất động sản. Ngoài Hà Đô Centrosa, Công ty tiếp tục ghi nhận từ Dự án Hà Đô Packview Dịch Vọng và Dự án An Khánh…

Chúng tôi nhận định kinh doanh ở khu vực phía Nam có tốc độ cải thiện nhanh hơn so khu vực phía Bắc do chủ đầu tư đã tập trung tái cơ cấu để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dự báo, nguồn cầu căn hộ hạng cao và trung cấp sẽ tiếp tục duy trì đến cuối năm.

Hải vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục